Xứ Nghệ ngày nay

Đời sống văn hóa nông thôn: Những khởi sắc đáng mừng

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai trong 10 năm qua đã được các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà mà đông đảo nhất là nhân dân ở khu vực nông thôn hưởng ửng tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Nghệ An trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Đời sống nông dân được nâng cao.

Đời sống kinh tế phát triển là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để trở thành Gia đình văn hóa; Làng, bản, khối, xóm (gọi chung là làng) văn hóa và cũng là cái đích hướng tới của Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH được triển khai trong 10 năm qua. Để đạt được tiêu chí này, nông dân tỉnh nhà đã tích cực hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. Nông dân các huyện miền núi đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nông dân vùng đồng bằng đô thị thì năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư thâm canh tăng năng suất ruộng đồng, kết hợp làm kinh tế vườn - ao chuồng, mở mang ngành nghề dịch vụ. Ngư dân vùng biển mạnh dạn đầu tư vốn, phát triển nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản... Nhiều hộ nông dân, nhiều địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất thay thế dần lao động thủ công, nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng và vật nuôi. Kinh tế nông thôn Nghệ An đã chuyển mạnh theo hướng từ độc canh thuần nông sang đa canh đa nghề theo hướng nông - công nghiệp - dịch vụ, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, như: dệt thổ cẩm ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp; mây tre đan: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, chế biến thủy hải sản: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX Cửa Lò... Những cánh đồng cho thu nhập cao của nông nhân ngày được nhân rộng. Người nông dân Nghệ An đã biết bán nông sản hàng hoá qua mạng internet. Đến nay, toàn tỉnh có 43.205 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp, chiếm 9,6% so với hộ nông nghiệp. Nhiều địa phương có tỷ lệ nông dân SXKD giỏi các cấp chiếm tỷ lệ cao như: Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Thị xã Thái Hoà, v.v... Nhiều tấm gương gia đình nông dân SXKD giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng như hộ bà Lê Thị Tính ở xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn; hộ ông Nguyễn Công Toàn ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà; hộ ông Phạm Văn Minh ở phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, hộ ông Nguyễn Quang Đại ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, hộ ông Lô Văn Vinh xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, Hộ ông Lô Khắc Lợi ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, hộ ông Phan Hoàng Đồng ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, hộ anh Lương Văn Hiệp ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong; hộ anh Vi Đức Thuận ở xã Châu Bình, uyện Quỳ Châu, v.v…

Những hộ sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ là tấm gương vượt khó vươn lên xoá đói, nghèo, làm giàu mà còn là những lực lượng nòng cốt kèm cặp, giúp đỡ về vốn, giống, kỹ thuật và tạo việc làm có thu nhập ổn định giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, chỉ tính từ năm 2006 đến nay, cả tỉnh đã giảm gần 15% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm trên 3%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống hiện nay còn 13%.   

Cùng với việc phát triển kinh tế, nông dân tỉnh nhà còn chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng Gia đình văn hóa theo mô hình: ấm no, khỏe mạnh, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và phát triển bền vững, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tham gia đấu tranh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc. Người nông dân đã biết làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho mình bằng nhiều cách: Một mặt, tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao; mặt khác tích cực tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua việc phục hồi các lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, CLB thơ... Bây giờ, hầu hết các làng quê đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền. Vào ngày hội làng, các ngày lễ, Tết, nhất là dịp đón bằng Làng văn hóa, hoạt động văn nghệ, thể thao tưng bừng trong vài ngày. Các hội diễn văn nghệ - thể thao trong nông dân như: Hội thi “Thôn nữ giỏi giang duyên dáng”, “Tiếng hát đồng quê” các giải bóng đá, bóng chuyền truyền thống “Bông lúa vàng” được tổ chức hàng năm đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nông dân.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của ngành VH,TT & DL, các đơn vị: Đoàn Ca - Múa - Kịch, Trung tâm Bảo tồn & Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Trung tâm VHTT, Bảo tàng XVNT, Bảo tàng Tổng hợp, Thư viện tỉnh và hệ thống các Trung tâm VHTT - TT huyện, thành thị đã tăng cường tổ chức các hoạt động trưng bày lưu động, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động, cung cấp sách, báo, tài liệu, tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân ở cơ sở. Ngoài ra, tỉnh còn khuyến khích thành lập, kêu gọi sự đầu tư của một số doanh nghiệp tư nhân tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hàng năm, nhiều đoàn nghệ thuật của các tỉnh, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã được cấp phép biểu diễn ở nhiều miền quê trong tỉnh góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho vùng nông thôn.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 2.600 LVH, chiếm tỷ lệ 45,1%; 30 xã có thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH; 5 huyện, thị xây dựng huyện điểm văn hóa; Bình quân hàng năm có trên 83% số hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu Gia đình nông dân văn hóa phản ánh chất lượng cuộc sống của nông dân tỉnh nhà được nâng lên đáng kể. 

Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc

Bức tranh nông thôn truyền thống ở Nghệ An với những nóc nhà thấp nhỏ, ẩn khuất dưới những tán cây xanh đã từng bước đổi thay với những nhà cao tầng, nhà xây kiên cố mái bằng, mái lệch và những khuôn viên vườn cây ao cá, trang trại đẹp và kinh tế. Những cánh đồng quê manh mún, nhỏ lẻ với những loại cây trồng tự sản tự tiêu đã được chuyển đổi thành những ô thửa lớn thuận tiện cho ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, sản xuất các loại cây hàng hoá cho hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân tỉnh nhà không chỉ biết làm đẹp cho ngôi nhà của mình mà còn đoàn kết giúp nhau, biết tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp xóa nhà tranh tre dột nát cho các hộ nghèo; tích cực cùng với nhà nước xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, sân thể thao góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, sạch đẹp, văn minh. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", 5 năm qua, nông dân Nghệ An đã đóng góp gần 1.650 tỷ đồng, làm trên 3.600 km đường bê tông, 4.696 km đường cấp phối, 404 cầu, 6.876 cống các loại; duy tu bảo dưỡng 4.000 km đường giao thông nông thôn. Giao thông nông thôn ở Nghệ An phát triển nhanh chóng cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua các huyện miền núi, trung du với chiều dài hơn 120 km đã giúp tăng cường các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, TDTT giữa các vùng miền núi và đồng bằng, giữa khu vực đô thị và nông thôn, rút ngắn dần khoảng cách về mọi mặt giữa nông thôn và thành thị. Hệ thống điện ở nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp cơ bản, góp phần đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, trên 90% số xã ở nông thôn có điện, gần 95% số hộ nông thôn sử dụng điện. Nhờ có điện, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã được sử dụng các phương tiện thông tin, giải trí hiện đại và dành nhiều thời gian cho các sinh hoạt văn hóa thể thao. Người dân nông thôn ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với những luồng thông tin, văn hóa bên ngoài; từ đó, năng lực sáng tạo, hưởng thụ và tham gia hoạt động văn hóa, thể thao của người dân không ngừng được nâng lên. Mạng lưới trường lớp ở nông thôn được đầu tư xây dựng cao tầng, kiên cố, đáp ứng khá tốt nhu cầu học tập của con em. Có 550 trường học trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe ở nông thôn được cải thiện đáng kể. 65% số xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế; 85% số trạm xá xã có bác sỹ; 81% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Chất lượng sức khỏe của người dân được nâng cao góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho các phong trào văn nghệ, TDTT trong nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 42% số xã có thiết chế VHTT - TT đạt chuẩn quốc gia, 380 NVH xã, 5.145 NVH xóm, bản, khối; 419 điểm BĐVH xã; trên 4.000 sân bóng chuyền, gần 1.700 sân bóng đá (các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp là những địa bàn có hạ tầng TDTT phát triển); 296 xã có phòng truyền thống, 305 xã có phòng đọc sách báo, 388 xã có điểm vui chơi cho trẻ em... Những thiết chế VHTT - TT này không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông dân mà còn góp phần tạo nên nét văn minh hiện đại cho nông thôn ngày nay.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513116

Hôm nay

2217

Hôm qua

2436

Tuần này

21053

Tháng này

219989

Tháng qua

121356

Tất cả

114513116