Người xứ Nghệ

Người viết “Xa khơi” Xuân nay đã xa khơi

Tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã tạ mùa đi vào lúc 9 giờ sáng ngày 11 Tết Nhâm Dần ở Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi đã khiến sớm đầu xuân lành lạnh lại thêm buốt giá hơn. Vậy là thêm một tài năng âm nhạc nữa của làng nhạc Việt đã về cõi xa xăm.

Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15-5-1936, quê ở Thanh Chương, Nghệ An, cùng dòng họ Nguyễn Tài với nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Năng khiếu âm nhạc của ông đã được vun đắp và nảy nở ở vùng tự do khu IV thời chống Pháp. Bởi thế, ngay từ năm 1955, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc sau hiệp định Geneve, Nguyễn Tài Tuệ đã được tuyển vào Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Chính ở đây, ông đã bắt đầu có những sáng tác âm nhạc đầu tiên.

Việc được biệt phái lên Đoàn Văn công Lao - Hà - Yên (Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái) đã làm phong phú thêm tâm hồn chàng nhạc sĩ xứ Nghệ vốn chỉ quen với câu Ví, điệu Giặm… Âm hưởng dân ca Tây Bắc và Việt Bắc đã tràn vào tâm hồn thanh xuân phơi phới với những ước vọng sáng tạo. Ngay năm 1958, khi lên rẻo cao biệt phái, Nguyễn Tài Tuệ đã có một hợp xướng nhỏ thấm đẫm âm hưởng của người Nhắng kết hợp nhuần nhuyễn với giai điệu Tày, Nùng tạo ra một không gian âm thanh khác biệt cho một thời đại mới. Hợp xướng mang tên “Xuân về trên bản” mà anh em hay đùa là “Xuân về trên bản Nhắng”: “A! hát lên vui đời nở hoa/ Hòa bình về vui nương bản/Vui đời về với muôn người cùng no ấm/Nghe tiếng khèn gọi người nhớ thương…”. Cũng từ mùa xuân ấy, nét nhạc sli, lượn của người Tày, Nùng đã ập vào ca khúc “Mùa xuân gọi bạn” tươi roi rói mà nhạc thời ấy ấn hành với cái tên “Bài ca gửi nọong” với phần lời tiếng Nùng của Vương Hữu Văn: “Xuân về nở hoa thắm ngàn nơi/Xuân về đời vui khắp nọong ơi”. Những đảo phách có luyến giữa tiết nhạc là một tìm kiếm mới của Nguyễn Tài Tuệ. “Bài ca gửi nọong” khi ấy luôn là tiết mục gây ấn tượng trong các đám cưới. Mùa xuân năm sau 1959, bản Mường Hum của người Nhắng thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai đã chảy thành giai điệu Nguyễn Tài Tuệ cùng con suối thiên nhiên trong bài hát “Suối Mường Hum còn chảy mãi”: “Bản Mường Hum xuân về núi cao/ Tiếng hát ai bay về xôn xao…”. Nhịp 6/8 đã luồn vào giai điệu chất cổ điển của điệu valse phương Tây, chính những năm tháng chìm đắm trong sương mờ âm hưởng rẻo cao phương Bắc đã đưa sáng tạo âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ lên một tầm vóc cao của thời đại mới vào năm kỷ niệm Bác Hồ kính yêu tròn “nhân sinh thấp thập cổ lai hy” với bài hát nổi tiếng “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”: “Trông vời lưng núi/Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây/Chiều nay tiếng ai đang “lượn” về trên đèo…”. Ngay lập tức sau khi ra đời, ca khúc đã bước ngay vào bộ sưu tập những bài ca viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” đã được nhạc sĩ Đỗ Dũng chuyển soạn thành hợp xướng không dàn nhạc đệm (Acappella) độc nhất vô nhị. “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” đã đưa Nguyễn Tài Tuệ trở thành một tên tuổi trong làng nhạc Việt tuy tuổi đời đến “tam thập nhi lập”. Ông là một tài năng thuộc dòng hệ “chin sớm”.

Sau khi phiêu du cùng sương mù rẻo cao, tài năng sáng tạo đã đưa ông về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa lúc ấy. Cũng vào thời gian trở về lại Thủ đô Nguyễn Tài Tuệ đã trở về lại xứ Nghệ qua bài hát “Xa khơi”. Khi đó chỉ viết để dành tặng cho nữ ca sĩ Tân Nhân - một giọng vàng của nền thanh nhạc Việt Nam. Người ta nghe “Xa khơi” thì thấy hay, thấy cuốn hút trong một không gian âm thanh mênh mang một khát vọng thống nhất đất nước để lứa đôi sum họp, cùng dong thuyền ra khơi với con nục, con măng lướt sóng liền đôi bờ tung tăng/Con chuồn còn bay nơi nơi/Con giang chiều gọi bạn đương khơi… Nhưng ít người biết Nguyễn Tài Tuệ đã gửi vào đấy đồng cảm với những nỗi riêng tư của người nữ ca sĩ đầy trắc ẩn với một người nhạc sĩ ở phương Nam xa xôi, bằng một tình yêu bồng bột và nồng nàn thời thanh xuân. Ngay lập tức “Xa khơi” cũng bước vào cổ điển cùng những tình ca ít ỏi ở miền Bắc thời thanh bình của một thập kỷ xây dựng (1954-1964).

Có một bài hát hào sảng khác với giọng nhỏ nhẹ trữ tình của mình mà Nguyễn Tài Tuệ đã xuất thần ngoạn mục bằng chính con tim yêu nước của mình. Đây là bài hát “Lê Quang Vinh người con quang vinh”, khi ấy truyền thông đã hết sức ngợi ca sự dũng cảm của Giáo sư Lê Quang Vinh trước phiên tòa xử tử tù của chính quyền Sài Gòn. Truyền thông đã tác động vào tâm hồn Nguyễn Tài Tuệ để rồi bật ra tiếng hát bi tráng trong đó có cả tiếng thét của một người yêu nước “Lê Quang Vinh người con quang vinh/Tôi khắc tên anh vào trái tim tôi/Tôi hát tên anh trong triệu muôn người/Khi phượng đỏ khắp trời mang dòng máu tim anh sục sôi/Căm hờn trào dâng anh ơi ơ ơ ơ ơ ơ…”. Điệp khúc với nhịp 6/8 đã trào sóng dữ dội: “Anh hiên ngang nén căm trên đôi môi/Quê hương ơi xót xa trong lửa sôi…”. Bài hát đã được nhiều người mến mộ âm nhạc thời ấy trong đó có tôi thuộc lòng. Ai cũng nghĩ đấy là giai điệu để tiễn biệt một người yêu nước ra pháp trường. Nhưng sự thật còn lớn hơn thế. Lê Quang Vinh bằng sự chân thật của mình đã khước từ án tử hình chỉ bị lao tù. Ông đã từng là Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ ta. Nhưng sự khiêm nhường đã khiến ông thấy mình bình thường hơn giai điệu ngợi ca ấy. Nhưng có sao đâu. Đấy là sự chân thực của một thời mà ta nên lưu giữ như một bảo tàng quý giá.

Từ năm 1966 đến năm 1972, Nguyễn Tài Tuệ đã học ở Nhạc viện Bình Nhưỡng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Bởi thế ông vắng bóng trong bộ sưu tập ca khúc thời chống Mỹ. Ông về nước với những tác phẩm khí nhạc như: Thơ giao hưởng “Những cánh chim cao nguyên”, đại hợp xướng “Những năm tháng không quên”, hai tác phẩm “Kỷ niệm quê hương” viết cho violon cello và piano. Cũng là âm hưởng Ví, Giặm nhưng ở “Xôn xao bến nước” viết năm 1976 đã thấy ấn tượng hàn lâm trải dài trong tác phẩm qua những nốt thăng ở từng tiết nhạc. Cũng là những chuyển điệu tưởng như đan cài nhau để gợi ra một không gian âm nhạc với không gian trước khi du học của Nguyễn Tài Tuệ. Không gian ấy còn hiển hiện trong Aria “Y-pa ơi” ở nhạc kịch “Nữ thần mặt trời”. Một âm hưởng Tây Nguyên hoang dã nhưng đã được kiểm soát bằng trí tuệ hòa thanh bác học dẫu lời ca vẫn hồn nhiên như cây cỏ: “Lưng chừng to như một tảng đá/Gió lay chàng không đổ/ Y-pa ơi! Đôi mắt sáng như dao làm chảy máu con tim…”.

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, Nguyễn Tài Tuệ đằm lại theo tuổi tác. Ông tìm cách phổ bài thơ “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính. Năm mươi năm trước “Cô hái mơ” chính là nhạc phẩm đầu tay của Phạm Duy trong một chiều đi qua hiệu sách Ngoạn ở phố Cầu Gỗ cùng nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc, được cho mượn tập thơ “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Mỗi ông một tập thơ và đố nhau, sau khi đi hết một vòng bờ hồ Hoàn Kiếm thì sẽ phổ xong một bài thơ của Nguyễn Bính. Đó là hoàn cảnh ra đời của “Cô lái đò” mà Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Nguyễn Bính tạo nên một nét vàng son cho tân nhạc thời kỳ đầu và “Cô hái mơ” của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính, sau nửa thế kỷ bài thơ “Cô gái mơ” lại có thêm một tác giả phổ nhạc là Nguyễn Tài Tuệ. Khi Phạm Duy phổ nhạc “Cô hái mơ” Nguyễn Tài Tuệ mới ở tuổi lên 6. Đấy là sự trùng cảm hứng của hai nhạc sĩ ở hai thế hệ khác nhau: Thế hệ chống Pháp và thế hệ chống Mỹ. Cái trùng duy nhất ở hai nhạc sĩ trong nhạc phẩm phổ thơ này là trùng hóa biểu luôn có một nốt si giáng. Nhưng ở Phạm Duy bao trùm toàn bài là hơi thở của điệu thức pha trưởng, tuy có đan cài những tiết nhạc có điệu thức pha thức. Còn ở Nguyễn Tài Tuệ tuy ông ghi ở hóa biểu là một nốt si giáng nhưng toàn bài không hề sử dụng một nốt si giáng. Ông đã sử dụng xen kẽ hai điệu thức rê ngũ cung là rê thương (rê- mi-sol-la-đô) và rê rock. Phạm Duy viết đoạn mở đầu ở nhịp ¾ mang hơi hướng kể chậm về tiết tấu. Ở đoạn này tuy chủ đạo là điệu thức pha trưởng nhưng đã xuất hiện si giáng bất thường để gợi về điệu thức pha thứ trong tiết nhạc “khi trời trong sáng và êm ái”, còn ở Nguyễn Tài Tuệ tuy cũng với tốc độ chậm nhưng ngay nhịp đầu tiên đã xuất hiện đảo phách ở nhịp 4/4: “Rừng chiều rừng chiều/Thơ thân ái ơi…” như ngâm vịnh để rồi sau đó vào nhịp: “Người tìm ai đó người mãi đợi/Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ…”. Ở đoạn sau, Phạm Duy đã phả vào giai điệu âm hưởng hát văn mang chút “cô đôi thượng ngàn” còn Nguyễn Tài Tuệ là một lưu luyến của âm hưởng cả hát văn lẫn chèo và dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Ông không đưa cụ thể rừng mơ ở động Hương Sơn mà là một rừng mơ trong khung cảnh mơ hồ sương khói, như thực, như không. Nhận cảm của Phạm Duy ở một mặt hồn nhiên dân dã của Nguyễn Bính. Nhận cảm của Nguyễn Tài Tuệ có phần suy tư hơn mà Nguyễn Bính đã giấu ẩn sau con chữ. Câu chuyện này đã cho thấy một thực tế về sự bất tử của thơ Nguyễn Bính. Ngỡ mọi điều đã khép lại thì nửa thế kỷ sau lại mở ra như chưa có tiền lệ. Nó còn cho thấy sức sáng tạo của hai nhạc sĩ ở hai thế hệ khác nhau.

Nhiều năm qua tuy không công bố những nhạc phẩm mới song Nguyễn Tài Tuệ vẫn luôn hòa mình vào đời sống âm nhạc đương đại. Ông là một tiếng nói trọng lượng trong vấn đề bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc. Niềm vui lớn nhất của ông là luôn được hít thở không khí âm nhạc, cập nhật như hít thở khí trời hàng ngày.

Nhưng đến sang 11-02-2022, niềm vui ấy đã dừng lại trong hơi lạnh đầu xuân. Ông đã thanh thản ra đi viên mãn ở tuổi 87 để lại niềm thương tiếc cho làng âm nhạc Việt Nam. Xin vĩnh biệt người đàn anh quý mến, một người con xứ Nghệ ngay thẳng và tài năng.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443877

Hôm nay

2128

Hôm qua

2307

Tuần này

21690

Tháng này

219051

Tháng qua

112676

Tất cả

114443877