Người xứ Nghệ

Tướng Nguyễn Sơn, văn võ song toàn

VHNA:Có một người không phải là người Nghệ nhưng tính cách rất Nghệ, phảng phất đâu đó dáng hình của nhà nho/tướng quân/nhà thơ/nghệ sỹ Uy Viễn Nguyễn Công Trứ , gắn bó rất thân thiết với người Nghệ, xứ Nghệ và vùng liên khu IV cũ, đó là tướng quân Nguyễn Sơn, nguyên tư lệnh Liên khu IV trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là một người văn võ song toàn, vừa cầm quân đánh giặc vừa lãnh đạo văn nghệ, là lưỡng quốc tướng quân Việt – Trung. Ông yêu nước đến tận cùng, dám từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống vì nước. Đến lúc chết ông cũng muốn trở về với Đất Mẹ. Nhân kỷ niệm ngày sinh của ông, VHNA trân trọng giới thiệu bài viết của Phạm Xanh để tưởng nhớ và tỏ lòng kính trọng ông – một người rất Nghệ.

Ngày 1/10/1908, Nguyễn Sơn khóc tiếng khóc chào đời tại phố Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội với tên khai sinh là Vũ Nguyên Bác. Ông là người con thứ tư trong một gia đình nông dân kiêm tiểu thương gốc ở làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm. Trong gia đình sáu anh em ( năm trai, một gái), ông là người được học hành chu đáo hơn cả. Tốt nghiệp trung học, ông vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kỳ. Tuổi học trò thường hay nghịch gợm, gây gỗ đánh nhau. Có một lần, ông rủ đám bạn trường ông cùng với đám bạn bên trường Bưởi đánh học trò trường Tây cho chừa cái thói lên mặt con nhà giàu, thói “ chó cậy gần nhà” của lũ hợm. Ông bị cảnh sát làm phiền. Và có lẽ vì thế, ông thôi học. Rồi ông gặp Nguyễn Công Thu, phái viên của Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu, Trung Quốc về. Bởi đã có sẵn lòng ghét Tây, ông đã bị chinh phục bởi những lời tuyên truyền của phái viên cách mạng. Ông được Nguyễn Công Thu đưa sang Quảng Châu tham dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Ông mang tên mới là Lý Anh Tự cùng với gia đình họ Lý của những nhà cách mạng Việt Nam tại đây mà tộc trưởng là Lý Thuỵ, tức Nguyễn Ái Quốc như ta đã biết. Tốt nghiệp, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng trước mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, nơi yên nghỉ của 72 chiến sĩ cách mạng Tân Hợi. Tiếp đó, ông được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn gửi sang học Khoá IV, Trường Quân-Chính Hoàng Phố của Chính phủ Cách mạng Quảng Châu do chuyên gia quân sự Xô viết trực tiếp giảng dạy. Ông học tập rất chăm chỉ trên lớp cũng như ngoài thao trường bởi vì ông ý thức rằng những kiến thức thu nhận được ở đây sẽ rất cần cho sự nghiệp tương lai của ông và dân tộc ông. A.I. Trêrêpanốp, một giáo viên xô viết của Trường đã nhận xét về những học viên Viêt Nam, trong đó có ông: “ Trong số những học viên của chúng tôi có khoảng 30 người Việt Nam. Họ rất nghiêm chỉnh, cần cù lao động, dốc mọi sức lực để học tập bởi vì họ biết rằng, để giành chính quyền về tay công nông phải cầm lấy vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp họ bảo vệ cách mạng khỏi thù trong giặc ngoài”(2). Đang học thì xảy ra chính biến Tưởng Giới Thạch. Nhận rõ bản chất của cánh hữu trong Chính phủ Quảng Châu, ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc chiến đấu cho quyền lợi của quần chúng nghèo khổ. Tháng 12/1927 ông tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu theo tiếng gọi của những cộng sản Trung Quốc chân chính như Trương Thái Lôi, Diệp Đình, Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vĩnh Trăn. Công xã Quảng Châu bị dìm trong máu. Cánh hữu trong Chính phủ Quảng Châu nhân đó đàn áp khốc liệt Đảng Cộng sản Trung Quốc và tổ chức cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây. Quảng Châu không còn là miền đất hứa của các nhà cách mạng Việt Nam. Việt Nam Thanh niên Cách mạng phải di chuyển địa bàn hoạt động đến hai nơi: Hồng Công và Xiêm. Nguyễn Sơn về vùng Đông Bắc nước Xiêm họat động trong Việt kiều. Ông đã góp phần vào sự ra đời của một số Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng trong Việt kiều yêu nước. Tháng 6/1928, ông trở lại Trung Quốc và được điều về phụ trách công vận của Nghiệp đoàn thuỷ thủ Hồng Công. Nhưng khi Đệ tứ phương diện quân dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, Chu Đức, Trần Nghị thoát vòng vây, tiến về vùng Đông Giang, Quảng Đông cần được tăng cường những cán bộ quân sự được đào tạo chính quy, ông liền xung phong. Khi đến nơi thì Đệ tứ phương diện quân đã di chuyển, nên ông ở lại Đông Giang, gia nhập Quân đoàn Hồng quân số 11, tham gia chiến tranh du kích ở đây. Câu chuyện đổi tên “ Hồng Thuỷ-Mãnh thú” của ông cũng diễn ra tại đây. Xin được dẫn một đoạn văn khái quát về những năm tháng chiến đấu của Hồng Thuỷ trên đất Trung Quốc của Lý Linh thay cho sự miêu tả dài dòng:
    “ Hồng Thuỷ là một cuốn sách ghi lại toàn bộ quá trình về Trường Quân sự Hoàng Phố, khởi nghĩa Quảng Châu, năm lần chống vây quét, cuộc trường chinh hai vạn năm nghìn dặm và tám năm kháng chiến.
    Hồng Thuỷ là một khối thép không han rỉ trong đói rét cực nhọc, không run sợ trước mọi sự hăm doạ, không ngã gục trong mưa bom bão đạn, không giận hờn bởi sự hiểu lầm hoặc bị xúc phạm. Ánh thép như ngời lên một chân lý sâu xa: trong lò luyện của những nghịch cảnh và chà xát không loại sáp nào có thể tồn tại, còn gang thép vẫn là gang thép, tôi luyện cáng nhiều chất thép càng tinh.
    Hồng Thuỷ là một ngọn đèn, đốt cháy hết mình mà không mảy may tính toán thiệt hơn, chỉ cốt rọi sáng vào thế giới u tịch không cần phân biệt nơi đó là đâu, càng làm tăng thêm giá trị của nguồn sáng. Một người yêu nước chưa hẳn đã là một chiến sĩ quốc tế, còn trong cơ thể của người chiến sĩ quốc tế thì bao giờ cũng dồn dập chảy dòng máu yêu nước.”
    Cách mạng tháng Tám thành công. Nước ta thành nước độc lập, dân ta thành người tự do. Nhưng các lực lượng thù địch không muốn thế - cây muốn lặng, gió chẵng dừng. Nhân dân Sài Gòn đứng dậy chống thực dân Pháp quay trở lại. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông mang tên mới Nguyễn Sơn trở về giúp nước trong lúc nguy nam. Ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Nam Trung Bộ. Ông đã giám bỏ đất, tổ chức chiến đấu dũng cản bảo vệ những vùng đất chiến lược và tích cực xây dựng lực lượng, đặc biệt là đã mạnh dạn cho ra đời Trường Lục quân Quảng Ngãi nổi tiếng một thời.
    Từ năm 1947, ông được điều về đảm nhiệm Tư lệnh Khu IV, đóng tại Nông Cống, Thanh Hóa. Một trong những vấn đề Tư lệnh Nguyễn Sơn quan tâm hàng đầu là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Các lớp học ngắn ngày được tổ chức, đầu tiên là lớp bồi dưỡng cán bộ trung cấp gồm 50 người, tiếp đến là các lớp bổ túc cán bộ đại đội, lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho các uỷ viên thường vụ, thường trực Uỷ ban các tỉnh Liên khu IV, riêng khoá 7 đã có 120 người theo học. Theo sáng kiến của Tư lệnh Nguyễn Sơn, ngày 30/11/1947, Đại hội tập, tức Hội thao quân sự, lần đầu tiên được tổ chức râm rộ tại núi Nưa, Nông Cống. Học tập lý thuyết quân sự được kết hợp nhuần nhuyễn với thực hành là như vậy. Trên nền tảng đó, Nguyễn Sơn đã viết, dịch và cho xuất bản vào năm 1949 những tác phẩm về lý luận quân sự như Chiến thuật, Dân quân, một lực lượng chiến lược, Chủ nghĩa Lênin, Chiến tranh cách mạng và vấn đề chiến lược của Béctôn Phraixen và  Chiến tranh cách mạng Trung Hoa và vấn đề chiến lược của Mao Trạch Đông. Tư lệnh Nguyễn Sơn còn là cha đẻ của Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV ở Thọ Xuân.
    Đất Thanh Hoá còn là vườn ươm của đội quân văn hoá tư tưởng mà Mạnh Thường Quân không ai khác, chính là Tư lệnh Nguyễn Sơn. Ông là người đã thành lập Trường Văn hóa Kháng chiến đào tạo nhiều khoá. Và chính ông là người đã giúp đỡ và mạnh dạn sử dụng nhiều nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ những ngày đầu kháng chiến còn gian khổ và lưỡng lự phân vân quyết tâm đi theo kháng chiến. Chính ông là người đã tập hợp và cộng tác với các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà phê bình... cùng nhau bước đầu xây dựng lý luận văn nghệ kháng chiến ở Liên khu IV, đã bảo tồn tuồng chèo, bài hát trữ tình, khôi phục điệu múa Xuân Phả đã bị mai một... Là một nhà quân sự, nhưng ông rất mê văn học nghệ thuật. Ông đã từng lên bục thuyết trình say sưa và hấp dẫn về Truyện Kiều của Nguyễn Du suốt một ngày cho học viên Trường Thiếu sinh quân và Trường Văn hóa kháng chiến.
    Tháng 1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Nguyễn Sơn vì công lao to lớn của ông trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 9/10/1948, Thứ trưởng, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phái viên của Hồ Chủ tịch từ Việt Bắc vào Thanh Hoá chủ trì Lễ thụ phong cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Nhân chuyến đi này, Phạm Ngọc Thạch chuyển tận tay Tướng Nguyễn Sơn bức Thiếp thư của Hồ Chí Minh với 12 chữ Hán được viết nắn nót, ngay ngắn dặn dò ông:
                  “Đảm dục đại ( Gan phải to)
                    Tâm dục tế   ( Tâm hồn trong sáng, tế nhị)
                    Trí dục viên   ( Suy nghĩ phải vẹn toàn, chu đáo)
                    Hành dục phương” ( Hành động phải ngay thẳng, đúng đắn).
    Tháng 10/1950, Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc. Ông tốt nghiệp xuất sắc Học viện Quân sự Nam Kinh, sau đó được phân công đảm nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục điều lệnh, Giám đốc Toà soạn tạp chí Huấn luyện chiến đấu. Ông đã viết nhiều bài xã luận, bình luận về các vấn đề quân sự, góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Năm 1955, Nguyễn Sơn là người nước ngoài duy nhất được Chính phủ Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng.
   Mùa Hè năm 1956, do nhiều năm “ Bắc chiến Nam chinh” đầy gian khổ, ông mắc bệnh hiểm nghèo. Chính phủ và Quân đội Trung Hoa hết lòng chữa chạy theo Đông y và có ý định đưa ông sang Matxcơva chữa chạy theo Tây y, nhưng ông cảm thấy không thể vượt qua căn bệnh quái ác này. Ông muốn được trở về Tổ Quốc và được trút hơi thở cuối cùng trên mãnh đất chôn nhau cắt rốn của ông. Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã bố trí một chuyến tàu hoả đặc biệt để ông trở về nước. Buổi tiễn biệt ông tại sân ga Bắc Kinh thật lưu luyến và cảm động. Nguyên soái Diệp Kiếm Anh, các Tướng lĩnh cao cấp và các nhà ngoại giao không cầm được nứơc mắt. Ngày 27 tháng 9 năm 1956, chuyến tàu đặc biệt đưa Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn rời đất nước Trung Hoa về lại Việt Nam.
    Ngày 21 tháng 10 năm 1956, Tướng Nguyễn Sơn trút hơi thở cuối cùng trong sự luyến tiếc, đau buồn của gia quyến, bạn bè và những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22/10/1956 lễ tang Tướng Nguyễn Sơn được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Trong Lời điếu đọc trước linh cửuông, đồng chí Hoàng Anh, thay mặt Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng, đã khẳng định, tướng Nguyễn Sơn mất “ quân đội chúng ta mất một Thiếu tướng có tài, Tổ quốc và Chính phủ, Đảng mất một người cán bộ tốt ” và hứa: “ Vĩnh biệt đồng chí hôm nay, chúng tôi biến lòng thương nhớ đồng chí thành sức mạnh trong công việc xây dựng Quân đội nhân dân tiến dần từng bước tới chính quy hoá và hiện đại hoá, góp phần vẽ vang của mình trong công cuộc củng cố hoà bình cho nước nhà”.
    Tướng Nguyễn Sơn về với cõi vĩnh hằng không vượt qua tuổi mụ 49. Trong bài thơ khóc Tướng Nguyễn Sơn, nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ tình nổi tiếng Màu tím hoa sim, đã phần nào phác họa được tính cách mạnh mẽ, pha chút ngang tàng của ông:
                      “ Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ
                         Mang giông tố đại dương đi đến đâu không cho sóng ngủ
                         Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
                         Là gây những đám cháy
                        Vòng quanh...”.
    Con người Nguyễn Sơn là thế đó. Những nơi Nguyễn Sơn đi qua, những công việc Nguyễn Sơn đã làm để lại những dấu ấn không phai mờ. Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn là con người văn võ song toàn. Chiến công của quân dân ta trong hai cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại có một phần trải nghiệm của Nguyễn Sơn. Và cuối cùng, bức tượng đài tình hữu nghị Việt – Trung được kết dính bởi một phần máu thịt của Nguyễn Sơn.
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441299

Hôm nay

216

Hôm qua

2283

Tuần này

21203

Tháng này

216473

Tháng qua

112676

Tất cả

114441299