TÔi gặp Nguyễn Đình Sinh (sinh viên năm thứ ba, khoa Giáo dục thể chất- Nhạc họa, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An) tại hội đền Đức Hoàng (huyện Yên Thành) vừa rồi. Trong trang phục thầy đồ, Sinh mải mê viết thư pháp Việt.
TÔi gặp Nguyễn Đình Sinh (sinh viên năm thứ ba, khoa Giáo dục thể chất- Nhạc họa, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An) tại hội đền Đức Hoàng (huyện Yên Thành) vừa rồi. Trong trang phục thầy đồ, Sinh mải mê viết thư pháp Việt.
Người đứng xem và xin chữ vòng trong lớp ngoài, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Trên tấm ni lông trải đầy những tờ giấy rôki với những nét chữ bay lượn. Sinh tươi cười: Chỉ trong một ngày rưỡi em đã viết tới 400-500 bức chữ cho khách.
Câu chuyện đến với thư pháp Việt của Sinh cũng thật tình cờ. Cách đây ba năm, cậu vô tình được xem một người ngồi viết thư pháp tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thấy thích quá, hôm nào đi học về cậu cũng rẽ vào xem, rồi mày mò học. Từ niềm đam mê ấy, cậu mạnh dạn tới các điểm công cộng ngồi viết thư pháp Việt. “Tìm hiểu và thực hành mới thấy thư pháp Việt thú vị lắm. Mỗi lần viết là mỗi lần mình được thả hồn vào chữ. Đâu cứ phải chữ Hán mới thành thư pháp. Viết chữ Việt của mình cũng là một nghệ thuật. Em nghĩ đây là một nét văn hoá dân tộc rất cần được phát huy, nhất là đối với bạn trẻ”. Sẵn sàng đến các tụ điểm công cộng, đến các lễ hội để “giới thiệu và cho chữ” là cách mà Sinh nghĩ sẽ đem thư pháp Việt đến được với nhiều người nhất.
Tại nghệ An, vào năm 2003, trong dịp khánh thành Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, Thư viện Nghệ An đã mời một số CLB thư pháp các tỉnh, thành phố về triển lãm, trong đó CLB thư pháp Huế đã trực tiếp thể hiện thư pháp Việt trước sự chứng kiến của công chúng. Cũng từ đó, công chúng tỉnh nhà bắt đầu làm quen với bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt khoảng dăm năm nay, một số bạn trẻ đã mạnh dạn hành nghề cho chữ tại các tụ điểm công cộng. Hiện nay, ở thành phố Vinh có khoảng 6-7 bạn sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thực hành nghề này. “Chúng em “cho chữ” chứ không “bán chữ”. Có thể khách hàng cho mươi nghìn hay dăm chục, một trăm, chúng em rất cảm ơn! Bởi điều đó cũng hỗ trợ chúng em phần nào trong học tập, giảm gánh nặng cho gia đình. Nhưng cái chính là được thỏa niềm đam mê và được góp phần phát huy một nét văn hoá đẹp của dân tộc”, Sinh tâm sự. Thư pháp là bộ môn nghệ thuật xuất phát từ Trung Hoa. Thư pháp Việt là sáng tạo của Việt Nam, nó mang tâm hồn người Việt, cũng là một con đường nghệ thuật chuyên chở các giá trị giáo dục con người. Ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết chữ. Mỗi chữ, mỗi câu thơ, danh ngôn, ca dao, tục ngữ được thể hiện bằng thư pháp Việt đều được chọn lọc kĩ, có tác dụng trong việc giáo dục con người. “Em rất mừng là hiện nay đã có nhiều bạn trẻ không chỉ xin chữ cho mình mà còn làm quà tặng bạn bè, người yêu, người thân trong các ngày vui”, bạn Nguyễn Đình Lộc (sinh viên khoa Mĩ thuật Trường Cao đẳng VHNT) cũng là một trong những bạn trẻ say mê thư pháp Việt, cho biết. Có thể thấy, thư pháp Việt đã dần dần được nhiều người say mê tìm hiểu và nhiều người sử dụng hơn. Tại TP.Vinh các bạn sinh viên có thể hành nghề “cho chữ” trong các ngày thường tại Quảng trường, công viên, hay trước cổng các trường học. Còn ở nông thôn, tại các lễ hội, đã thấy xuất hiện người cho và xin chữ. Chúng tôi có dịp quan sát ở lễ hội đền Cờn, đền Nguyễn Xí, đền Đức Hoàng..., bên cạnh các quầy chơi đánh bạc như tôm cua bầu, chiếc nón kì diệu thì một vài bạn trẻ vẫn lặng lẽ mải mê viết chữ và người đứng xem, xin chữ cũng vòng trong vòng ngoài. Điều đó cho thấy, thư pháp Việt đã có một sức sống nhất định trong đời sống hôm nay. Tiếc rằng, đó mới chỉ là sự khơi dậy bột phát từ niềm yêu thích của các bạn trẻ. Sự học của họ cũng hoàn toàn mày mò, tự tìm kiếm. Chưa có một tổ chức hay một CLB để họ có thể trao đổi, học tập lẫn nhau. Họ là những sinh viên nghèo, chưa có được những nguyên liệu tốt ngoài những tờ giấy đơn giản, hay mảnh gỗ thường để viết chữ, phần nào hạn chế tính thẩm mĩ của một bức chữ. Thành lập được một CLB thư pháp Việt, và được tạo điều kiện về địa điểm viết thư pháp đó là mong ước của họ. Mong ước ấy cũng là để ngày càng có nhiều người biết và yêu một nét văn hoá dân tộc: Thư pháp Việt!
2251
2436
21087
220023
121356
114513150