Xứ Nghệ ngày nay

Những hạn chế cần khắc phục ở các câu lạc bộ dân ca ví giặm hiện nay

                          Cảnh sông nước năm xưa                                                                     Ảnh tư liệu

Gần đây, rất nhiều các câu lạc bộ (CLB) dân  ca ví giặm được thành lập ở các phường, xã cho thấy các cấp chính quyền và nhân dân đã chú trọng đến vấn đề bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh. Hoạt động của các CLB vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống xứ Nghệ vừa góp phần tạo thêm sự phong phú cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục…

Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu và trực tiếp tham gia sinh hoạt với một số CLB dân ca ví giặm như: ở xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), xã Diễn Bình (Diễn Châu), phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò), ghi nhận sự nhiệt tình, tính tự nguyện của các thành viên từ trẻ đến già. Chính yếu tố này đã gắn kết họ sinh hoạt trong tổ chức CLB, mặc dù họ không có chế độ đãi ngộ, không có kinh phí, không được hưởng quyền lợi nào, mà chính bản thân họ còn tự nguyện đóng góp kinh phí để hoạt động. Điều đáng trân trọng là ở tất cả các CLB có sự tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm của người cao tuổi, vừa tích cực truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu dân ca cổ, vừa sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu dân ca, tiêu biểu như: thầy giáo Nguyễn Nghĩa Hợi - 77 tuổi ở xã Nghĩa Hội, ông Trần Bạch Mai - 81 tuổi ở phường Nghi Hải…   Đây là những mặt được rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên,qua khảo sát và tìm hiểu thực tế các CLB, cũng cho thấy còn nhiều hạn chế. Thành viên tham gia CLB đa số chỉ mới có lòng nhiệt tình, tự nguyện tham gia CLB, mà  chưa có nhiều am hiểu về dân ca, chưa biết nhiều các làn điệu dân ca xứ Nghệ, chưa thuộc nhiều bài bản dân ca lời cổ. Chị Hà Thị Hà chủ nhiệm CLB Diễn Bình, bác Trần Bạch Mai, chủ nhiệm CLB phường Nghi Hải cũng chỉ thực hành bằng kinh nghiệm tự học hỏi. Tất cả họ đều thực hành hát dân ca Nghệ Tĩnh bằng lòng tâm huyết và sự mày mò của cá nhân, bởi vậy chính họ, hầu hết đều không biết mình đã hát đúng các làn điệu hay chưa. Các CLB chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các tiết mục cải biên, đặt lời mới mà chưa chú trọng truyền thụ cách hát các làn điệu gốc, lời cổ cho các thành viên. Chất lượng luyện tập truyền dạy dân ca ở các CLB còn gặp khó khăn bởi thiếu người am hiểu và  có kinh nghiệm truyền dạy. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho luyện tập như tài liệu về dân ca, băng hình thiếu trầm trọng. Các thành viên chưa được dự nhiều các buổi tập huấn, chưa được tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu với các CLB và các nghệ nhân, nghệ sỹ có chuyên môn. Khi hỏi về việc tập huấn, các thành viên các CLB đều nói Việc tập huấn hiện nay chưa thực chất, chất lượng chưa được bao nhiêu… 

Một hạn chế nữa là lớp trẻ tham gia các CLB quá ít. Thành viên các CLB mà chúng tôi đến thăm hầu hết đều trên 50 tuổi, các CLB cũng chưa có nhiều biện pháp thu hút lớp trẻ (qua khảo sát chúng tôi cũng thấy thị hiếu âm nhạc của lớp trẻ bây giờ cũng không mấy người quan tâm đến dân ca. Tuy có chương trình đưa dân ca vào trường học nhưng hình như cái đẹp của dân ca Nghệ Tĩnh không còn đủ sức hấp dẫn lớp trẻ. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan, do cách làm chưa phù hợp, chưa dụng công. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở dịp khác). Sinh hoạt CLB là tự nguyện nhưng trong điều kiện hiện nay, để duy trì và phát huy tốt hiệu quả vẫn rất cần kinh phí. Kinh phí hoạt động của các CLB hiện nay ngoài khoản tự đóng góp của các thành viên, hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ quan tâm của các cấp chính quyền địa phương. Xã Nghĩa Hội chính quyền đã hỗ trợ cho CLB mỗi năm 3 triệu đồng, ở Diễn Bình 1 triệu đồng/năm, trong lúc đó phường Nghi Hải, một phường khá của thị xã Cửa Lò nhưng không có đồng  kinh phí nào cho hoạt động của CLB. Nguồn quỹ của CLB Nghi Hải là sự đóng góp 20.000 đồng/thành viên/năm. Với một nguồn kinh phí như vậy, liệu rằng có thể đảm bảo cho hoạt động của CLB, chưa nói gì đến vấn đề chất lượng. Cũng vì khó khăn về kinh phí nên các CLB không có điều kiện giao lưu, học hỏi, tập huấn nghiệp vụ, không có điều kiện mời các cộng tác viên, nghệ nhân dân ca về truyền dạy và cộng tác với CLB, không có điều kiện mua sắm nhạc cụ. …

Để dân ca xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy trong đời sống, có sức lan tỏa trong cộng đồng,rất cần phát huy vai trò của các CLB. Muốn vậy, thiển nghĩ cần khắc phục những hạn chế trên đây để cho các CLB hoạt động thường xuyên. Muốn vậy, ngoài sự nhiệt tình của người dân,cần có sự quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, các đoàn thể, các cá nhân, không chỉ là động viên tinh thần mà cả các điều kiện vật chất.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513213

Hôm nay

2314

Hôm qua

2436

Tuần này

21150

Tháng này

220086

Tháng qua

121356

Tất cả

114513213