Khách mời văn hóa

Giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người thiểu số phải do đồng bào tự giác thực hiện

 PV: Thưa anh, chúng ta thường được nghe, và cả thường nói nữa, về một khái niệm, hay là thuật ngữ, là “Bản sắc văn hóa dân tộc”. Là một người con của dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên, gắn bó và trưởng thành với miền núi, với bà con dân tộc mình, anh hiểu như thế nào về khái niệm này?

VI TÂN HỢI (VTH): Văn hóa là nền tảng làm nên những nét khu biệt của một dân tộc (peoples), một cộng đồng tộc người (ethnic groups) này với những dân tộc - cộng đồng tộc người khác.

Bản sắc dân tộc là cụm từ được dùng nhiều bậc nhất thập kỷ này. Tuy nhiên theo tôi nó không phải là một khái niệm có một nội hàm thống nhất mà có nhiều lớp khái niệm với các tầng nội hàm khác nhau.

Đó là tổng thể các giá trị đặc trưng bản chất của văn hóa dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, các giá trị đặc trưng ấy ở “tầng nền” mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn. Do vậy, muốn nhận biết nó, phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái gì trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững, thì các sắc thái biểu hiện của nó thường tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn.

Đối với các tộc người thì bản sắc dân tộc có lẽ là những đặc điểm tính cách, phẩm chất đã cố kết trong lịch sử, qua lịch sử cụ thể của mỗi vùng, địa phương được đúc kết và khái quát hóa để khơi dậy hay triệt tiêu đi trước nhu cầu tiến hóa, phát triển của đương thời. Thường những đặc điểm này không hoặc khó được định lượng mà chỉ “chung chung” song lại có giá trị như một “thương hiệu” và rất có hiệu quả khi xây dựng lòng tự hào dân tộc.

PV: Và quan niệm, hay là cách hiểu của đồng bào các DTTS về khái niệm này?

VTH: Đồng bào các dân tộc thiểu số thường có những cách suy nghĩ giản đơn hơn, theo họ đó là những cái gì rất cụ thể và không thay đổi, nó đặc trưng cho cốt cách của từng tộc người, có cát cứ địa lý riêng hay nói cách khác là nó mang đậm tính chất tộc người, vùng, miền. Theo họ hiểu nôm na thì: “Bản sắc văn hóa tức là cái dân tộc mình (hay vùng mình) có mà ở dân tộc khác (hay vùng khác) không có”. Ví dụ, cũng là người Thái đấy nhưng người Thái ở Sơn La có những nét khác ở Nghệ An, thậm chí ở trong Nghệ An này thôi thì người Thái ở Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp cũng có những nét khác biệt với người Thái Tương Dương hay Kỳ Sơn… Theo họ, đó là “đặc sản văn hóa”, là niềm tự hào dân tộc.

PV: Với cách hiểu như vậy, trong sự thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội mới, bản sắc văn hóa các tộc người/dân tộc trên địa bàn Tương Dương và tỉnh ta đã chịu sự tác động, ảnh hưởng như thế nào?

VTH: Bản sắc văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An hiện nay đang chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của các điều kiện kinh tế - xã hội theo cả 2 chiều tích cực và tiêu cực.

Tích cực là kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện và nâng cao, các điều kiện vật chất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của đồng bào ngày càng tốt hơn.

Tiêu cực ở chỗ cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các DTTS thì không gian văn hóa ở vùng này cũng bị thu hẹp, biến dạng, bào mòn và các giá trị văn hóa truyền thống cũng theo đó ra đi hàng ngày, thậm chí là từng giờ.

PV: Anh có thể cho biết những trường hợp cụ thể ở Tương Dương?

VTH: Anh muốn nói đến những trường hợp cụ thể ư? Những năm 70, 80 thế kỷ XX, người ta còn thấy bóng dáng của cô thôn nữ vùng sơn cước trong trang phục của dân tộc Thái, Khơmú đi làm hay đi dự hội; vào bất cứ bản Thái nào, lên bất cứ một ngôi nhà sàn Thái nào ta cũng bắt gặp những người phụ nữ ngồi dệt vải dệt trên khung cửi, hay đang quay xa kéo sợi, thêu thùa... Nhưng giờ đây, điều đó rất hiếm hoi và hầu như không còn. Cơ chế thị trường đã phá vỡ, làm dịch biến đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc ít người ở Tương Dương cũng như các huyện miền núi Nghệ An. Kiến trúc nhà ở truyền thống đã không còn nguyên gốc; người dân chỉ còn mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ hội; tiếng nói, chữ viết của dân tộc thì chỉ có lớp người già nhớ được; không ít thanh niên dân tộc ít người bắt đầu bị lôi cuốn theo lối sống hiện đại từ cách ăn mặc đến quan hệ cộng đồng, xã hội và phong cách sống.

Thứ nữa, không gian sống, không gian văn hóa thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Những cánh rừng nguyên sinh ngan ngát màu xanh, những dòng sông thơ mộng, những dòng suối trong xanh bây giờ chỉ còn trong ký ức. Ai cũng biết, bà con DTTS ở Tương Dương, ở Nghệ An quen gắn bó với tự nhiên, sống dựa vào tự nhiên, với núi rừng, sông, suối. Thế mà rừng, núi, sông, suối cạn kiệt, hoặc bị ô nhiễm. Bây giờ, nhìn vào một bản Thái, những ngôi nhà xi măng, cốt thép còn nhiều hơn nhà sàn truyền thống. Thậm chí anh thấy đấy, cái nhà văn hóa trung tâm của xã, hay nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào DTTS ở các bản cũng chỉ là ngôi nhà xi măng, cốt thép đã làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Đáng buồn hơn vì người đưa ra thiết kế mẫu lại chính là những người làm công tác văn hóa. Tại sao nhà văn hóa của đồng bào DTTS không thể là nhà sàn truyền thống, nếu có là nhà bê tông, cốt thép chăng nữa thì ít nhất cũng theo lối kiến trúc của nhà sàn truyền thống chứ. Theo tôi không nên áp đặt như thế, bởi làm như vậy có còn đâu bản sắc văn hóa, còn đâu cái hồn của người DTTS.

Còn nữa, ngôn ngữ chữ viết của đồng bào DTTS cũng có nguy cơ mai một (tiếng nói của người Ơ Đu, chữ viết dân tộc Thái…). Hầu hết con, em cán bộ công chức người DTTS ngày nay nói tiếng Kinh nhiều hơn tiếng dân tộc mình, thanh niên các DTTS không mặn mà với trang phục dân tộc, không thích nhảy sạp, không ham quạnh loòng, thổi pí, thổi khèn và hát dân ca…

Những điều đó không chỉ làm đau lòng lớp người già các dân tộc thiểu số, những người có tri thức mà tất cả những ai có lương tri văn hóa. Thế hệ sau sẽ còn lại gì, những câu chuyện truyền miệng về văn hóa của dân tộc mình ư? Nếu không còn gì sót lại thì lấy gì để chúng ta còn thấy được truyền thống, lịch sử, để kế thừa, phát huy.

PV: Có thể nói là đang có nguy cơ suy thoái bản sắc văn hóa các tộc người/dân tộc được không? Tại sao? Hậu quả của nó như thế nào?

VTH: Các DTTS là những chủ nhân của những nền văn hóa vô cùng đa dạng và sự đa dạng đó đã làm nên tiềm năng văn hóa vô cùng độc đáo. Điều quan trọng là sự đa dạng đó có mất đi, bị bào mòn hay được bồi đắp trước những biến đổi văn hóa mạnh mẽ hiện nay. Tôi là người DTTS, dù rằng không phải là nhà nghiên cứu về văn hóa chuyên nghiệp nhưng yêu mến dân tộc mình, quê hương mình mà tôi sẽ quyết tâm đi tìm lại dân tộc mình. Nói vậy anh đừng cười, đó là sự thúc giục của tình yêu với cội nguồn của tôi. Tiếp xúc và đi cùng với nhiều nhà nghiên cứu đến quê tôi để nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình như các Gs Đặng Nghiêm Vạn, Trần Chí Giỏi, Phan Huy Lê, Nguyễn Nhã Bản, Pgs Ninh Viết Giao, Ts Nguyễn Đình Lộc, tôi cảm động và thấy mình có lỗi với dân tộc mình. Có một thực tế là các nhà nghiên cứu văn hóa ấy đều không phải là người DTTS và họ đã thật sự đau xót trước những mất mát văn hóa của dân tộc tôi trong khi có rất nhiều người thiểu số đồng tộc của tôi lại không quan tâm nhiều lắm, ngoại trừ một bộ phận người già, nghệ nhân, trí thức các DTTS... Cách nói của tôi có thể gây tổn thương cho những người yêu mến văn hóa, ý thức rất rõ về văn hóa của dân tộc mình, nhưng không đến nỗi ngộ nhận khi hiện nay có nhiều người DTTS sống theo lối sống của người Kinh hay của tộc người khác, đặc biệt là lớp trẻ. Sống trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, khi họ đã bị lây nhiễm lối sống “hiện đại” ở khía cạnh tiêu cực và đối lập với văn hóa truyền thống.

Nói “bản sắc văn hóa các DTTS đang bị mai một” thì nghe có vẻ nhẹ tai hơn, còn nói là “suy thoái” thì có vẻ nặng nề và khó nghe, nhưng thực tế thì thật sự đang suy thoái thật, như môi trường văn hóa, lối sống, cách ứng xử... chẳng hạn. Sự mất mát, mai một và suy thoái văn hóa ở các DTTS Nghệ An hiện nay đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong nếp nghĩ, lối sống, ứng xử của bộ phận không ít đồng bào các DTTS, nhất là lớp trẻ và cả cán bộ đảng viên nữa. Nhiều người dân tộc thiểu số sống theo lối sống của người Kinh không còn là điều mới mẻ và điều đó không có gì là sai lầm, nhưng sẽ thế nào nếu như họ không còn tâm thức và ý thức tộc người. Cái hậu quả chính là trong quá trình hòa nhập, giao lưu, bản sắc của một số tộc người đã bị đồng hóa như ngôn ngữ dân tộc Ơ Đu, kiến trúc nhà ở, lối sống của thanh niên… Sự suy thoái này đang thách thức chúng ta, nó để lại hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống cộng đồng hiện tại và trong tương lai.

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, có thể nói đã và đang có nhiều mâu thuẫn xuất hiện trên hành trình văn hóa của cộng đồng các DTTS. Mâu thuẫn cơ bản và xuyên suốt là phải đồng thời vận động để tiếp cận với các thành tựu mới của văn hóa nhân loại, không bị tụt lại quá xa so với các dân tộc, các tộc người khác, phải phát triển để sáng tạo nên các giá trị mới đáp ứng nhu cầu mới và ngày càng cao của chính cộng đồng mình đồng thời phải bảo vệ, bảo tồn, chuyển hóa và phát huy được truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình vào cuộc sống mới. Từ thực tiễn của địa phương, ông có thể cho biết chúng ta phải giải quyết mối quan hệ, hay là mâu thuẫn này như thế nào? Và bắt đầu từ đâu?

VTH: Tôi cho rằng, củng cố ý thức tự tôn dân tộc sẽ góp phần điều tiết, định hướng giá trị để hạn chế những mặt tiêu cực, góp phần giải quyết mâu thuẫn như anh vừa nói.

PV: Tộc người Ơ Đu ở Tương Dương, theo chúng tôi là một dẫn chứng lớn, sinh động về bài toán bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc/tộc người. Theo anh thì chúng ta đã có được những kinh nghiệm, bài học gì từ thực tế cứu vãn và bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa từ trường hợp này?

VTH: Đúng vậy, tộc người Ơ Đu ở Tương Dương trước đây cư trú ở bản Pột, Kim Hòa xã Kim Đa, năm 2006 họ về cư trú tại bản Văng Môn, xã Nga My theo chương trình di dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Hiện nay, cả bản có 91 hộ, 398 khẩu. Đây là một minh chứng về sự đồng hóa tộc người hiện nay. Ngôn ngữ- căn cước tộc người ấy không còn nữa, số còn biết tiếng Ơ Đu chỉ vẻn vẹn 4 người, tuổi đã trên 80. Tôi nói thật, không ai dám khẳng định chắc chắn thứ tiếng mà họ nói là tiếng Ơ Đu bởi nó hao hao tiếng Khơ mú, có phần của tiếng Thái. Hiện nay, không gian văn hóa của đồng bào Ơ Đu không còn nữa. Những ngôi nhà cổ truyền của họ không còn, thay vào đó là những mái nhà xây, bê tông, cốt thép. Trang phục cũng đã bị Thái hóa, Kinh hóa. Thậm chí họ không hình dung nổi ngày xưa quần áo, khăn, váy của họ ra sao. Hầu hết, các gia đình không còn nhớ phong tục, tập quán của mình. Nhằm cứu vãn và khôi phục một số giá trị văn hóa Ơ Đu còn sót lại, Ủy ban Dân tộc đã hỗ trợ và đầu tư cho đồng bào thông qua dự án “Hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An”. Mục tiêu của dự án nhằm xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ơ Đu. Mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, nhưng hơn 6 năm chuyển về Văng Môn, đồng bào Ơ Đu nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Đất canh tác ít và cằn cỗi. Mỗi hộ chỉ được một ít nương rẫy và 1000m2 đất sản xuất, nhà cửa chật chội và chất lượng thì kém, chưa ở đã hư. Thực hiện dự án “hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu”, tỉnh Nghệ An đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng và giao cho Ban Dân tộc của tỉnh tổ chức thực hiện để hỗ trợ sản xuất, xây dựng hệ thống nhà văn hóa và mở lớp dạy tiếng Ơ Đu để khôi phục lại ngôn ngữ cho đồng bào. Nhưng, với cách làm hiện nay theo tôi là chưa ổn, sẽ khó phát huy hiệu quả, bởi vì Ban Dân tộc Nghệ An chưa hiểu kỹ tâm lý của người Ơ Đu, chưa hợp tác toàn diện với địa phương và chưa tìm được những cộng sự đích thực, say mê, am hiểu về văn hóa Ơ Đu. Hiện nay, người dạy tiếng không có nghiệp vụ sư phạm, chỉ dạy theo kiểu truyền miệng, đồng bào rất khó tiếp thu, hơn nữa đồng bào đang còn phải lo kiếm cái ăn nên rất ít người theo học, đồng thời đồng bào chưa có thói quen dùng ngôn ngữ của mình trong giao tiếp, nên học rồi lại quên.

Để đồng bào Ơ Đu ở Tương Dương vượt qua khó khăn trong cuộc sống và có điều kiện khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá, theo tôi chúng ta cần quan tâm đến 2 yếu tố: Thứ nhất, là con người - chủ thể sáng tạo văn hóa. Ở khía cạnh này, một mặt chúng ta phải thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Mặt khác, phải thường xuyên giáo dục nâng cao trình độ dân trí, ý thức và lòng tự hào dân tộc, xóa dần tư tưởng mặc cảm, tạo dựng niềm tin và khát vọng để chính đồng bào có cái khao khát, mong muốn tìm lại chính dân tộc mình. Điều cần thiết là nâng cao nhận thức cho lớp trẻ, cho đồng bào DTTS hiểu giá trị văn hóa dân tộc mình, để chính họ tự bảo tồn văn hóa của họ, chứ không phải chờ người ngoài cuộc nghĩ hộ. Một khi hiểu, họ mới yêu văn hóa dân tộc mình. Sự hỗ trợ phải đứng ở góc độ người dân bản địa mới thực sự hiệu quả. Hiện nay huyện Tương Dương đang cố gắng tạo dựng một lớp trí thức Ơ Đu mới và hy vọng khi lớp trí thức này trưởng thành họ sẽ làm được những việc mà lớp cha anh của họ chưa làm được. Thứ hai, phải tiến hành ngay việc khôi phục lại tiếng nói, sưu tầm và phục dựng lại phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào; song song với quá trình dạy tiếng Ơ Đu phải thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn mà ngôn ngữ sử dụng là tiếng Ơ Đu. Tôi nghĩ, thậm chí là Ban cán sự bản Văng Môn, xã Nga My phải có một chế tài bắt buộc mọi người dân trong bản phải nghe và nói bằng tiếng Ơ Đu trong giao tiếp, ví dụ trong hội nghị người chủ trì phải nói bằng Ơ Đu chẳng hạn, để tạo thói quen sử dụng tiếng Ơ Đu trong sinh hoạt, trong giao tiếp. Thứ ba, cần phải làm ngay, không thể chần chừ việc sưu tầm, khảo cứu và phục dựng lại cái mà họ đã mất. Đây là công việc cực kỳ khó khăn, và cần rất nhiều thời gian, phải kiên trì, bền bỉ, thận trọng và phải đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ. Thứ tư, để làm được điều đó rất cần có những con người yêu quý dân tộc này, phải có kiến thức, am hiểu tâm lý người bản địa và thật sự say mê với công việc này.

PV: Anh có nhận biết, nhận thức và có thể cho biết được về tâm lý, nguyện vọng và nhu cầu văn hóa, về giữ gìn văn hóa, bảo tồn bản sắc, truyền thống văn hóa của các cộng đồng tộc nguời, các dân tộc?

VTH: Có thể khẳng định chắc chắn rằng, hầu hết đồng bào DTTS ở Tương Dương và cả tỉnh Nghệ An này có nhu cầu văn hóa rất lớn, cả hưởng thụ và sáng tạo. Số người quay lưng lại với văn hóa dân tộc mình như đã nói ở trên chỉ là thiểu số, không phải là con số đại diện. Người DTTS ở Tương Dương hay ở bất cứ huyện miền núi nào Kỳ Sơn, Con Cuông hay Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong… đều có nguyện vọng và nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình tức là đi tìm cái thẻ căn cước của dân tộc đã bị đánh mất. Tâm lý chung của đồng bào DTTS là đã nói là làm, đã thích là làm và làm văn hóa thì không sợ tốn kém, nếu sợ mất tiền thì không thể làm được. Nhưng với đồng bào DTTS cũng thích sự giản đơn, hiệu quả chứ không thích sự rườm rà, rối rắm.

PV: Để thực hiện được nguyện vọng chính đáng và khẩn thiết này, theo chúng tôi rất cần một bản lĩnh văn hóa thật vững vàng của cả cộng đồng tộc người/dân tộc thiểu số. Là người con của dân tộc Thái, anh có nhận định gì về vấn đề này?

VTH:  Bản lĩnh văn hóa có thể hiểu là sức đề kháng của một dân tộc trước sự tác động của các nền văn hóa khác, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Phát huy bản lĩnh văn hóa của đồng bào DTTS trong xu thế toàn cầu hóa, chính là việc nuôi dưỡng và bồi đắp sức sống cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trước sự tác động đa chiều của thời đại của nền văn hóa khác.

Trong quá khứ, nhiều phen đứng trước những thách thức quyết liệt nhưng bản sắc văn hóa người DTTS vẫn có sức đề kháng mạnh mẽ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vẫn trường tồn và tỏa sáng rực rỡ, trở thành nền tảng tinh thần của người DTTS.

Trong thời đại ngày nay, những cuộc “xâm lăng văn hóa” mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn với nhiều con đường, hình thức khác nhau. Cùng với quá trình toàn cầu hóa sẽ có nhiều cái lạ, nhưng không phải cái lạ nào cũng xấu; sẽ có nhiều cái mới, nhưng không phải cái mới nào cũng tốt. Lối sống thực dụng, sùng bái vật chất, ích kỷ, hẹp hòi, dối trá, lạnh lùng… không phải là truyền thống của văn hóa người DTTS, nhưng nó đang từng ngày, từng giờ hình thành và phát triển ở trong một bộ phận dân cư DTTS, đe dọa sự sống còn của bản sắc văn hóa đồng bào DTTS. Nếu chính đồng bào DTTS, đặc biệt là các trí thức DTTS không vững vàng thì sẽ chịu những hậu quả khó lường, nhất là đối với thế hệ trẻ, với văn hóa tộc người thiểu số trong tương lai.

Vì thế, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi - dân tộc phải đi đôi với phát triển văn hóa, phải biết trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Nếu coi nhẹ việc phát triển văn hóa, không tôn trọng giá trị văn hóa bản địa dễ dẫn đến tình trạng đánh mất mình, đánh mất bản sắc văn hóa các DTTS.

PV: Anh có thể cho một dẫn chứng?

VTH: Tôi chỉ đưa ra hai thí dụ thôi. Thứ nhất, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS chỉ có tiền thôi không đủ và không thể làm được, nếu không huy động được sức dân và hệ thống chính trị vùng miền núi dân tộc. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta chỉ cần đánh đúng tâm lý và sở thích của cộng đồng các DTTS để họ tự giác làm và tự phát huy. Thứ hai, trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng miền núi dân tộc theo tôi chúng ta chưa tôn trọng văn hóa của đồng bào DTTS. Ví dụ, nhà văn hóa cộng đồng hay trường học - nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, giáo dục của đồng bào DTTS và con em của họ, tôi không bàn đến chất liệu làm nên những nhà văn hóa, những ngôi trường ấy mà tôi chỉ nói đến kiến trúc của nó, điều này các nhà thiết kế hoàn toàn làm được, nhưng tại sao chúng ta không làm, không thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống hay ít nhất nó mang dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào, nguyên nhân chỉ có thể là do không am hiểu văn hóa hoặc không tôn trọng văn hóa của đồng bào DTTS mà thôi.

PV: Đồng bào các tộc người/tộc người cần làm gì để tiếp tục củng cố và nâng cao bản lĩnh văn hóa và chúng ta cần làm gì để hỗ trợ đồng bào?

VTH: Đồng bào dân tộc thiểu số phải có tinh thần tự hào dân tộc. Tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với các bạn trẻ người DTTS, nhất là học sinh, sinh viên:“các em đi đâu, làm gì, học ở đâu hay giao lưu chỗ nào hãy luôn nhớ và luôn luôn tự hào mình là DTTS, là một giá trị làm nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam". Đồng bào phải nhìn cho thấu, cho rõ trong đời sống văn hóa của xã hội hiện đại, cái tốt, cái mới đang sinh sôi nảy nở trong thời kỳ đổi mới, toàn cầu hóa. Điều cần phải đặc biệt lưu ý là trong quá trình vận động của từng tộc người thiểu số phải biết tôn trọng, nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình, những giá trị mà không có ở bất cứ tộc người nào.

PV: Người Kinh có câu tục ngữ “Cho cá không bằng cho cần câu”. Trong chiến lược bảo tồn bản sắc, truyền thống văn hóa các tộc người, các dân tộc hiện nay, từ thực tiễn công tác của mình, theo anh, đồng bào các tộc người, các dân tộc đang cần điều gì nhất với ý nghĩa như là cái cần câu để giải quyết vấn đề?

VTH: Cái chính là sự định hướng, khơi dậy trong họ lòng tự trọng, tự tôn dân tộc để tự chính đồng bào tự tìm kiếm, tự bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Theo tôi “cái cần câu” là cần thiết, nhưng cũng phải bày cho họ cách câu: Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Hai là, khi xây dựng chính sách kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS phải có sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Để chính sách đi vào được cuộc sống cần bảo đảm sự thống nhất trong tất cả các khâu từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát đến đầu tư nguồn lực thích đáng. Ba là, giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người thiểu số phải chủ yếu do đồng bào thực hiện. Đảng và nhà nước chỉ lãnh đạo và giúp đỡ thôi, không thể làm thay đồng bào được hết cả mọi chuyện. Mọi nguồn lực bên ngoài chỉ phát huy hiệu quả khi chủ thể văn hóa có ý thức tự giác. Những giải pháp phát triển về kinh tế để đáp ứng những nhu cầu dân sinh phải gắn với nhu cầu bảo vệ đời sống tinh thần, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn vậy, mọi chính sách đều phải gắn với cộng đồng dân tộc, tôn trọng quyền quyết định của cộng đồng dân tộc, đồng thời phải đầu tư nghiên cứu sâu sắc về những giá trị của văn hóa dân tộc để có những giải pháp phù hợp. Bốn là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người thiểu số phải có phương pháp, cách thức phù hợp, đi vào thực chất, chống căn bệnh hình thức, chạy theo phong trào làm phá vỡ tính đa dạng, phong phú và bản sắc văn hóa dân tộc. Năm là, phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ không gian văn hóa, không gian sống của đồng bào DTTS. Đây là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đồng bào các DTTS.

PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trao đổi chân tình, thẳng thắn và thú vị này. Tôi hy vọng anh sẽ có nhiều đóng góp lớn hơn vào công cuộc bảo vệ bản sắc văn hóa phức tạp và khó khăn của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh nhà.

                                                                                                      
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528549

Hôm nay

2205

Hôm qua

2291

Tuần này

2822

Tháng này

215245

Tháng qua

0

Tất cả

114528549