Người xứ Nghệ

Một số vấn đề liên quan đến danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

1. Cách đây khoảng 15 năm chúng tôi được dòng họ Nguyễn Tài / Nguyễn Đình, Nguyễn Đắc / ở Phúc Long ,Thượng Thọ thuộc Thanh Chương, Nghệ An  giao cho nhiệm vụ tìm hiểu một vài nghi vấn trong gia phả , như việc thiếu tên một cụ tổ ở Thượng Thọ hay việc tìm hiểu “ngài đệ thập tam thế tổ “ mà cụ Nghè Tuyển , cụ Phủ Đôn  đã nêu ra là ai ? v.v.

Cụ tổ bị quên tên  là cụ Viện  đã tìm được không phải trong gia phả các chi mà tìm được trong một bài văn tế ở chi trưởng Phúc Long : khi tế tổ,chi này đã mời cả các cụ tổ ở hai chi em là Nguyễn Thẻ , Nguyễn Viện về cùng dự. 
 
Việc tìm hiểu “ngài đệ thập tam thế tổ” là ai thì lại phải tìm  đến gia phả Nguyễn Công ở Lễ Nghĩa thuộc Anh Sơn ,Nghệ An mới giải quyết được. Đó là một cụ con  của ngài Nguyễn Công Hương ,thuộc hàng đệ thập nhị thế tổ : cụ  con này tên là Nguyễn Công Ưu  /hoặc Trí / đã có công sang khai phá vùng Ngưu Tử và lập ra 2 ngành họ Nguyễn ở Phúc Long , Thượng Thọ .
 
Gia phả Nguyễn Công là một bản gia phả có nguồn gốc rất cổ :có bài dẫn  viết năm 1756  đời Cảnh Hưng và  bài bạt  viết đời  Hồng Đức.
 
2. Bản  gia phả Nguyễn Công đã đặt ra cho chúng tôi 3 vấn đề phải tìm hiêu . Trước hết là về một cụ  tổ có tên là Nguyễn Công Đức. Cụ này được phụ chú  là còn có tên Nguyễn Trung Ngạn .Tiêu sử cụ Công Đức có nhiều điêm khá ăn khớp với phụ chú đó  : việc có nguồn gốc là người miền Bắc ( Bắc kỳ nhân ), việc đã đi thi đỗ Hoàng giáp , rồi làm  quan to ở triều đình  cũng như việc đã có công vào khai phá các vùng Anh Sơn , Thanh Chương , Nam Đàn  v.v. rõ ràng  không có gì mâu thuẫn  với Nguyễn Trung Ngạn. Nhưng năm sinh năm mất của Nguyễn Trung Ngạn được chép trong sử sách lại không ăn khớp ! Phải chăng  truyền thống  lấy tên con  cháu đê gọi cha , ông , hay lấy tên , tước ,hiệu cha ông để gọi con cháu  đã gây ra sự lẫn lộn , nhập làm một giữa hai thế hệ Nguyễn Công Đức , và Nguyễn Trung Ngạn  ? Vấn đề này rõ ràng dòng họ Nguyễn Công phải cùng nhau suy nghĩ để giải quyết tiếp .
 
3. Nhưng cũng còn hai vấn đề phải nhờ đến giới sử học toàn quốc mới mong làm sáng tỏ được. Trong gia phả Nguyễn Công khăng định cụ  Nguyễn Trung Ngạn là một hậu duệ của cụ Trạng Hiền ! Một sự khăng định mà trước nay riêng chúng tôi chưa thấy tài liệu
lịch sử nào đề cập ! Ngay gia phả Nguyễn Trung ở Ân Thi , Thổ Hoàng cũng không nói đến ! Vậy đó là một sự đóng góp của gia phả Nguyễn Công  bô sung cho lịch sử ? hay đó chỉ là một sự nhầm lẫn của  hai cụ Nguyễn Công Hòa , Nguyễn Công Tính (hiệu là Minh Tâm ?-,hai cụ người thế kỷ 16 này  đã  chép sại bản gia phả đời Hồng Đức của dòng họ Nguyễn Công ở Lễ Nghĩa ? Bởi vì các gia phả cũng hay nhầm : chứng cớ là , nếu Nguyễn Trung Ngạn có đúng là hậu duệ của cụ  Trạng Hiền , thì cụ Ngạn cũng không  phải là bậc con cụ Hiền như trong gia phả đã ghi được !
 
4. Gia phả Nguyễn Công  lại có 2 chi tiết mâu thuẫn nhau :
- Một mặt ghi cụ tổ đầu tiên của  dòng họ xa xưa vốn bắt nguồn từ họ Khổng ở phương Bắc sang ;
- Một mặt lại ghi  chi em của cụ tổ  xa xưa sau có hậu duệ là một chi  “ kế thế tiến sĩ đồng khoa ở Đông Ngàn” .
 
 Theo gia phả họ Nguyễn Tài ở Thanh Hóa ( một chi hình như từ Nghệ An tách ra ) thì chuyện”kế thế tiến sĩ ,đồng khoa”là chuyện nói về dòng họ của các cụ nghè Nguyễn Thực , Nguyễn Nghi ,Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ  …Nguyễn Thưởng ,…về sau. Chúng tôi đã lên Đông Ngàn tìm hiểu  thì dòng họ này lại cho biết về truyền thuyết gốc gác họ Lý ! Chi này chống họ Trần và bị đàn áp dữ dội. Nhà văn Nguyễn Triệu Luật con cháu của cụ Nguyễn Tư Giản thuộc dòng họ Nguyễn Thực  đã viết cả một cuốn tiêu thuyết dã sử đê nói về việc này: cuốn “ Ngược đường Trường thi “. Hai chi anh em  thì phải cùng một gốc, vậy gốc nào ? Không hay Lý ? Theo ý chúng tôi, rõ ràng truyền thuyết họ Lý có phần đáng tin hơn vì phù hợp với quốc sử. Hơn nữa chấp nhận gốc Lý như chi em thì giải thích được gốc Không bên chi Anh( đặt ra với mục đích che dấu tung tích ) chứ chấp nhận gốc Không như  bên chi anh  thì không làm sao giải thích được  vì lí do gì chi em lại có truyền thuyết gốc họ Lý. Đồng thời chấp nhận gốc Lý thì cũng dễ giải thích :
 
- Vì sao giai đoạn trước Nguyễn Trung Ngạn gia phả Nguyễn Trung, Nguyễn Công đều
ghi rất sơ sài , rất mơ hồ và rất khác nhau : đã sợ nhà Trần hãm hại thì phải thay tên đổi họ, che dấu tung tích , nên con cháu về sau không còn biết đúng sự thực ;
 
- Và vì sao Trạng Hiền  không ra làm quan như các vị đỗ thấp hơn(Lê Văn Hưu, Đặng Ma La ) dầu khoa này nhà Trần đều đã chọn lớp người rất trẻ không chịu ơn gì của nhà Lý? Cũng như vì sao , sau khi đỗ cao,Nguyễn Trung Ngạn cũng có 9 năm ở ân , vua vời cũng không dám ra: phải chăng hai cụ vẫn ngần ngại vì vấn đề lý lịch, ra làm quan sợ có người ghen ghét bới móc về nguồn gốc , tung tích dòng họ ?
 
                                          ***
 
5. Năm 1998 chúng tôi  đã có ra một cuốn sách  nhan đề là  “Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn”.Chỗ dựa chính của chúng tôi khi viết cuốn này  là văn bản Giới Hiên thi tập , kí hiệu A-601 hiện lưu giữ ở Viện Hán-Nôm..
 
Chúng tôi đã tiến hành điều tra cơ bản tập thơ này về khá nhiều phương diện :điều tra về tần số xuất hiện của  1292  chữ , điều tra về các nhóm vần ,điều tra  về kho từ ngữ , điều tra về  các mô hình cú pháp trong thơ thất ngôn ,ngũ ngôn v.v.
 
Chuyện Nguyễn Trung Ngạn là một nhà thơ lớn, chúng tôi xin nhường lời cho Phan Huy Uông, viết trong bài tựa toàn tập thi cảo mà Phan đã thu thập :  “Giới Hiên tiên sinh “là danh nho đời Trần, nổi  tiếng về văn chương , đặc biệt là hay thơ và có thơ truyền “tụng ở đời……….Bản thân tôi lúc trẻ có tìm được một số bài sót lại của tiên sinh, đem “đọc  thấy lời lời đều thanh nhã , hơn hẳn tác phẩm của nhiều thi gia Nam Bắc xưa nay , “nên vui mừng coi tiên sinh như bậc thầy. Những lúc rảnh rỗi về công việc  tôi thường “luôn miệng ngâm nga, coi việc được thơ tiên sinh  như một hạnh phúc lớn , và cũng coi “việc không được thấy toàn tập là một điều đáng ân hận.”
 
6. Nguyễn Trung Ngạn không chỉ đóng góp cho văn học trung đại Việt Nam nhiều bài thơ hay , nhất là một số  bài  thơ tứ tuyệt mà giới nghiên cứu đời sau coi có giá trị ngang như thơ thời Thịnh Đường. Ông còn tiếp tục ủng hộ cả việc phá luật  thơ Trung Quốc , gieo vần vận bộ Ma với vận bộ Ca , tạo ra riêng cho thơ chữ Hán ở Việt Nam một truyền thống độc đáo ,tồn tại từ thơ Vương Hải Thiềm đời Lý cho đến mãi ngày nay. Bản thân Nguyễn Trung Ngạn cũng là người đầu tiên sáng tạo ra lối lục ngôn thể , mở đường cho  thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi , Hồng Đức , Nguyễn Bỉnh Khiêm các đời sau.
 
7. Nguyễn Trung Ngạn thi đỗ Hoàng Giáp,.nhưng ông  sống trong giai đoạn lịch sử có tinh thần dung hòa tôn giáo , có lúc tổ chức thi cả Tam giáo, thì  tất nhiên ông không chỉ tự đóng khung mình trong lối học khoa cử  với Tứ thư,Ngũ kinh , văn thơ Hán , Đường . Ông đọc rộng , nắm vững  kinh điển  cả  bên Phật giáo, cả bên Lão Trang. Kho từ ngữ trong Giới Hiên thi tập (huyền huyền , tiên tào , nguyệt nữ …đốn giác , tàng lị tháp, chân thân v.v.) chứng tỏ điều ấy.Và nhiều câu , nhiều bài  trong thơ ông cũng chứng tỏ là ông luôn luôn cập nhật  kịp với thời đại ông.. Thơ văn đời Tống và ngay cả thơ văn đời Nguyên , đương đại với ông  cũng đã được  ông  theo dõi sát. Hai câu kết trong bài Xích Bích hoài cổ
                            Bán cuộc doanh thâu , thiên cô sự
                            Quí phi từ phú nghĩ Pha ông
Tạm dịch:          Được thua là chuyện ngàn đời
                           Thẹn không từ phú sánh lời Pha ông
chứng tỏ ông thông thuộc Tô Đông Pha .
 
Lối thơ “tập cú” xưa được nhiều người   làm ,tỏ  rõ cái tài mẫn tuệ và cái học uyên bác của mình. Theo Nguyễn Đăng Na ,Trần Minh Tông  đã có một bài thơ đưa tiễn một người đi sứ ,cả 8 câu  đều trích 8 câu của người đi trước.Thế thì Nguyễn Trung Ngạn cũng làm vậy.:theo Nam ông mộng lục, ông đã trích 2 câu của Sầm Lâu  đưa vào ngay  trong thơ truy điếu Sầm Lâu.
 
Và cũng gần gần như thơ tập cú ,Nguyễn Trung ngạn đã dẫn thơ người gần như đương thời , chỉ chữa vài chữ là  thành thơ mình:
- Câu                 Trượng lê phù ngã qua tiền quan
là chữa từ câu   Trượng  lê phù ngã quá kiều đông     của Chí Nam ;
- Câu                 Nhất bôi liêu vị túy nam lâu
là chữa từ câu    Nhất bôi liêu vị tống chinh an  của Dương Quả ;
Mà Chí Nam là người đời Sơ Tống , Dương Quả là một nhà thơ thế kỉ 13 (11971269).
 
Rõ ràng tác phẩm những nhà thơ Trung Quốc  đương thời  với Nguyễn Trung Ngạn cũng không xa lạ với Nguyễn Trung Ngạn.
 
8. Nguyễn  Trung Ngạn lại là người làm chứng của nhiều sự kiện quan trọng.Và thơ ông đã ghi lại điều đó.
---Trước hết xin nói đến một sự kiện lịch sử : sự thất bại của quân đội Nguyên Mông trước tinh thần kháng chiến của người Đại Việt. .Trên đường đi sứ , vừa đến Ung Châu, ông đã ghi nhận ngay tinh thần sa sút , chán nản của những người lính phương Bắc  vừa bị đại bại: 
 
                                             Chúng quân lão thú tằng kinh chiến
                                             Thuyết đáo Nam chinh các tự sầu
 
Tạm dịch                            Lính già đồn thú ,từng tham chiến
                            Hễ nhắc Nam chinh : lặng lẽ buồn
 
---Và một sự kiện về ngôn ngữ : tiếng Hán học được trước thế kỷ 10 , đến năm 986 vẫn còn được dùng như một sinh ngữ : khi tiễn đưa Lý Giác về nước, Ngô Chân Lưu vẫn trực tiếp đàm thoại cùng sứ giả , trao tặng bài Vương lang qui  Nhưng đến khi nào thì tiếng Hán trở thành chỉ là một tử ngử.? Tìm ra chuyện đã phải dùng bút đàm hay đã phải dùng người phiên dịch khi tiếp khách phượng  Bắc thì có thể giải đáp được câu hỏi đó. Nhưng nếu muốn giải đáp được câu hỏi đó ngay bằng những chứng tích trong thơ văn thì phải công nhận  rằng Nguyễn Trung Ngạn là người đầu tiên đã cung cấp một cứ liệu hết sức quí : hai câu  kết trong bài Họa Nhân Kiệt vận là một dẫn chứng đáng trân trọng :
 
                                   Cọng dục hàm bôi chung nhật ngữ
                                   Khước sầu nam bắc bất đồng âm
 
     Tạm dịch :           Những muốn nâng li trò chuyện suốt
                                   Lại rầu nam bắc tiếng chưa thông
 
9.  Đến đây xin tạm có 2 kết luận :
- Nguyễn Trung Nhạn xứng đáng được coi là một danh nhân lớn của đất nước ;
- Nhưng về cuộc đời của ông , có những chi tiết dòng họ phải tiếp tục bàn. Và có 2 vấn đề rõ ràng cần phải được  nhiều người  góp phần soi sáng   :
                + Nguyễn Trung Ngạn  có phải là con cháu của cụ Trang  Hiền không ?
                + Và tiên nhân  xa xưa của cả hai vị  này   phải chăng  là một người trong hoàng tộc nhà Lý ? 
 
 Đứng trước 2 vấn đề  đó ,chúng tôi, và cả dòng họ chúng tôi, rất mong Hội sử học Việt Nam  cho ý kiến. Và chúng tôi cũng rất chờ đợi ý kiến của  tất cả các nhà nghiên cứu lịch sử  nói chung, kể cả  các nhà sử học có quan tâm trên toàn thế giới.
 
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446741

Hôm nay

274

Hôm qua

2305

Tuần này

2379

Tháng này

213000

Tháng qua

120141

Tất cả

114446741