Xứ Nghệ ngày nay

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích: Ghi nhận từ Đô Lương

Là huyện có số lượng di tích lớn nhất nhì trong toàn tỉnh với 177 di tích các loại. trong đó có 21 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, thời gian qua, huyện Đô Lương đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

 Chúng tôi đến nhà thờ họ Hoàng Văn, xã Đông Sơn vừa đúng dịp Hội đồng gia tộc của dòng họ đang họp bàn kế hoạch tổ chức lễ đón bằng công nhận di tích  (DT) lịch sử cấp tỉnh vào dịp tế tổ đầu năm Quý Tỵ. Ông Hoàng Văn Duyến - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hoàng Văn đưa chúng tôi đi tham quan một vòng trong và ngoài nhà thờ. Quả thật, đây là một nhà thờ họ uy nghi, bề thế vào loại nhất nhì huyện Đô Lương và cả tính Nghệ An. Tọa lạc trên một khuôn viên rộng gần 2.000m2, nhà thờ họ Hoàng Văn có 3 tòa chính: hạ đường, trung đường, thượng đường và những công trình phụ trợ khác. Nơi đây thờ ông Hoàng Phúc Đặc - Thủy tổ của họ Hoàng Văn trên đất Đông Sơn và nhiều tướng lĩnh, danh thần khác của họ Hoàng, như: Hoàng Văn Thanh, Hoàng Văn Thiêm, Hoàng Văn Dinh… Mặc dù được xây dựng từ thế kỷ XVIII và đã qua 3 lần di chuyển địa điểm nhưng đến nay, nhà thờ vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và nhiều hiện vật quý hiếm, như: gia phả, câu đối, đại tự, long ngai, sắc phong, khám thờ, hương án và nhiều đồ tế khí khác. Ông Hoàng Văn Dực - thành viên HĐGT họ Hoàng Văn cho biết, mấy năm lại nay, con cháu trong họ đã công đức gần 1 tỷ đồng tôn tạo lại khu lăng mộ, cổng nhà thờ, nhà truyền thống… riêng nhà truyền thống được xây dựng trong khuôn viên nhà thờ với kinh phí trên 230 triệu đồng, mới khánh thành vào dịp lễ Vu Lan năm 2012. Điều đáng ghi nhận là họ Hoàng Văn không chỉ làm tốt việc bảo tồn, tôn tạo DT nhà thờ họ mà còn rất quan tâm tới việc giáo dục truyền thống cho con cháu. Con cháu họ Hoàng Văn luôn tự hào vì nhà thờ họ là nơi thành lập chi bộ đảng cộng sản Đông Dương (chi bộ đảng cộng sản Hồng Lam), là nơi chuẩn bị để cướp chính quyền trong tổng khởi nghĩa Đô Lương. Đây cũng là nơi đóng quân của bộ đội bảo vệ Ba ra Đô Lương trong kháng chiến chống Mĩ. Và dù công tác sinh sống ở nơi nào thì các dịp tế lớn tại nhà thờ: Hợp tế 3 ngày dịp Tết Nguyên đán, tế Tổ đầu xuân ngày 11-12 tháng giêng (ÂL), lễ Vu Lan và nhiều ngày giỗ khác, con cháu đều về họp mặt đông đủ. Dòng họ còn tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi, khen thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập tại nhà thờ họ. Ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng, con cháu trong họ lại về nhà thờ dâng nén hương thơm và cầu mong những điều may mắn, an lành. Cũng ở Đông Sơn, nhà thờ họ Nguyễn Nguyên - Một DT lịch sử cấp tỉnh cũng được con cháu trong dòng họ quan tâm gìn giữ, bảo tồn. Chỉ riêng trong năm 2012, một nhà bia được xây dựng với kinh phí trên 130 triệu đồng từ tiền công đức của con cháu.

Không chỉ các nhà thờ họ Hoàng Văn, Nguyễn Nguyên (xã Đông Sơn) mà nhiều DT khác trên địa bàn, nhất là nhà thờ, đền, chùa … đều được các dòng họ và cả cộng đồng quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Đền Phú Thọ ở xã Lưu Sơn, thờ Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan, được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ, đến nay vẫn uy nghi, sừng sững với mái cong, ngói vảy duyên dáng, linh nghiêm, với kiến trúc điêu khắc cổ đại, đường nét chạm trổ tinh vi hiếm thấy. Đây là một DT quốc gia về kiến trúc nghệ thuật, được con cháu họ Nguyễn Cảnh và nhân dân trong vùng quan tâm gìn giữ. Nhân dân tự nguyện góp tiền làm sân gạch, thay thế những cây cột bị hư hỏng. Từ khi được công nhận là DT quốc gia (tháng 3/2012), người dân nơi đây càng nâng cao ý thức bảo vệ DT. Trong dịp đón bằng công nhân DT, nhân dân đã công đức trên 200 triệu đồng tiền mặt và nhiều hiện vật là đồ tế khí có giá trị gần 100 triệu đồng. Theo ông Trần Minh Thắng - tổ trưởng tổ quản lý đền thì hiện tại cả 5 người trong tổ quản lý đền Phú Thọ tình nguyện thay nhau trông coi bảo vệ đền mà không đòi hỏi chế độ đãi ngộ nào. Tất cả xuất phát từ cái tâm muốn gìn giữ những di sản mà cha ông để lại cho con cháu mai sau.

Điều đáng ghi nhận là huyện Đô Lương đã làm tốt công tác xã hội hóa trong việc phục dựng, tu bổ tôn tạo các DT. Những năm qua, Đô Lương đã huy động được một lượng lớn tiền công đức của nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, con em Đô Lương làm ăn phát đạt trên mọi miền Tổ quốc đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các DT trên địa bàn. Tiêu biểu có anh Trương Công Thắng đã cam kết ủng hộ 5 tỷ đồng để tôn tạo đền Đức Hoàng (Yên Sơn). Chùa Làng Vành (Lạc Sơn) đang được phục dựng từ nguồn kinh phí do các tổ chức, các doanh nghiệp và bà con phật tử gần xa công đức với kinh phí dự kiến ban đầu trên 11 tỷ đồng. Đình Hoành Sơn (xã Xuân Sơn), chùa Phúc Yên (Ngọc Sơn) cũng được tu bổ mỗi nơi 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Thái Sơn là xã có nhiều DT nhất huyện với 15 DT, trong đó có 2 di tích cấp tỉnh là đình Long Thái và nhà thờ họ Nguyễn Công. Đình Long Thái đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét cổ kính và được đánh giá là một trong những đình làng có quy mô kiến trúc đồ sộ nhất tỉnh Nghệ An. Nhà thờ họ Nguyễn Công được xây dựng từ thế kỉ XV, đến nay vẫn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như gia phả được biên soạn từ thời Hồng Đức (1470-1497), long ngai, hiệu bụt, sắc phong, câu đối, đại tự, hương án… Người dân Thái Sơn luôn trân trọng và giáo dục cho con cháu ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản văn hóa của quê hương.

Để phát huy giá trị các DT, những năm qua, huyện Đô Lương đã phục hồi thành công nhiều lễ hội truyền thống gắn với các DT, như lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội đền Đức Hoàng, lễ tế xuân đình Long Thái… Trong đó, lễ hội Đền Quả Sơn được phục hồitừ năm 1998,và được tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương tham dự. Việc phục hồi, tổ chức lễ hội Đền Quả Sơn là thể hiện một cách sâu sắc đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần thượng võ cùng những thuần phong mỹ tục của nền văn hóadân gian.

Cùng với việc phục dựng các lễ hội, huyện Đô Lương cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh khảo sát, lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận DT nhằm quản lý, bảo vệ DT được tốt hơn. Trong 2 năm 2011-2012, đã có 5 DT trên dịa bàn được xếp hạng và 5 DT khác đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng. Lễ đón bằng công nhận DT được chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức rất trang trọng, vừa khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương vừa động viên khích lệ nhân dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống ấy.

Đất Đô Lương có hình chim Phượng, chứa đựng khí chất tinh tú, linh anh nên sản sinh ra nhiều danh nhân tuấn kiệt. Bởi vậy mà vùng đất nào nơi đây cũng có DT, nhiều như  Thái Sơn với 15 DT, Xuân Sơn 11 DT, Thịnh Sơn, Lam Sơn, Đông Sơn, Tân Sơn mỗi nơi 8 DT, Nam Sơn 7 DT… các xã khác từ 2-6 DT. Người dân Đô Lương hôm nay đang tiếp tục nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo để các DT không chỉ là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm đến của du khách thập phương, là tài sản vô giá về kiến trúc nghệ thuật mà còn để truyền thống tốt đẹp của quê hương được khắc ghi mãi mãi trường tồn./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513243

Hôm nay

229

Hôm qua

2315

Tuần này

21180

Tháng này

220116

Tháng qua

121356

Tất cả

114513243