Khách mời văn hóa

Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

Nhân dịp tổng kết 10 năm phong trào TDĐKXDĐSVH, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Xuân Đường - UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh Nghệ An xung quanh việc xây dựng đời sống văn hóa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung chính của cuộc trao đổi này.

 
Thưa ông! Chúng ta đã triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH được 10 năm, từ thực tiễn ở Nghệ An, Ông có nhận xét gì về phong trào này?
Phong tràoTDĐKXDĐSVH sau 10 năm triển khai thực hiện đã tạo được sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tỉnh Nghệ An đã có nhiều sáng tạo, có những cách làm mới để thúc đẩy phong trào nhằm đạt hiệu quả cao, như: Chỉ đạo các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước tham gia xây dựng đơn vị văn hóa; Tổ chức thực hiện đề án xây dựng thiết chế Văn hoá - thông tin - Thể thao đồng bộ; Đưa dân ca vào trường học; Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hoạt động văn hóa ở cơ sở; Tổ chức định kỳ liên hoan điển hình tiên tiến để tôn vinh các danh hiệu và nâng cao chất lượng các danh hiệu đã được công nhận...
Các huyện, thành, thị trong tỉnh đã chọnmột số nội dung trọng tâm để chỉ đạo, các huyện: Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Anh Sơn, Quỳ Hợp, thị xã Cửa Lò chỉ đạo xây dựng mô hình huyện điểm văn hoá; Hưng Nguyên, Diễn Châu, Tân Kỳ... chỉ đạo xây dựng mô hình tổ chức cưới theo nếp sống văn hoá; Huyện Đô Lương, Diễn Châu và một số địa phương khác xây dựng các mô hình dòng họ văn hoá; Các huyện miền núi tập trung chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình ăn ở vệ sinh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc,...
Những cách làm sáng tạo ấy đã giúp cho đời sống văn hóa tỉnh nhà ngày càng phong phú hơn, sinh động, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được cải thiện và nâng cao. 
Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể của phong trào trong 10 năm qua?
Phong trào TDĐKXDĐSVH là một cuộc vận động văn hóa lớn và thu được nhiều kết quả góp phần an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 519.449 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH, chiếm tỷ lệ 76,48 %, tăng 20,18% so với năm 2000; 2.455 làng, bản, khối, xóm (gọi chung là làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, chiếm tỷ lệ 42,4%, tăng 34,5% so với năm 2000; có 30 xã, phường đạt thành tích xuất sắc trong phong trào TDĐKXDĐSVH; 5 huyện, thị xã thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa. 217 xã, phường, thị trấn không có ma túy; Bình quân mỗi năm giảm được 3% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 13%, giảm được 70% số xã nghèo (hiện chỉ còn 39 xã)... Trong 10 năm qua, quỹ "đền ơn đáp nghĩa", quỹ "vì người nghèo" đã huy động được hàng chục tỷ đồng, xây mới hàng ngàn ngôi "nhà tình nghĩa" tặng các gia đình có công với Cách mạng, gia đình chính sách, xây mới và sửa chữa hàng vạn ngôi nhà "đại đoàn kết" cho các hộ nghèo, hỗ trợ vốn để các hộ nghèo phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo... Đó chỉ là những kết quả định lượng, còn rất nhiều giá trị do phong trào đem lại mà không thể cân đong, đo, đếm được ....
Ý ông muốn nói đến hiệu quả xã hội mà phong trào đem lại?
Đúng vậy, hiệu quả rõ nhất của phong trào TDĐKXDĐSVH là đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh; Các gia đình văn hóa, làng, bản, khối, xóm, đơn vị văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa đã tạo được  không khí thi đua trong lao động sản xuất, đời sống kinh tế phát triển ổn định và bền vững, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Trong các đơn vị văn hóa, ý thức trách nhiệm và phương pháp làm việc của tập thể cán bộ, CNVC được cải thiện có hiệu quả. Các trường học đạt chuẩn văn hóa đều là trường tiên tiến xuất sắc hoặc trường học đạt chuẩn quốc gia của ngành Giáo dục và Đào tạo. Các công sở, cơ quan chuyên môn, đơn vị vũ trang đạt chuẩn văn hóa đều là những đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương có ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng gắn bó hơn, tình làng nghĩa xóm được củng cố, niềm tự hào về quê hương, về truyền thống được phát huy, giữ được thuần phong mỹ tục, sống có kỷ cương, ông bà mẫu mực, dâu hiền rể thảo, con cháu chăm ngoan. Nhiều làng văn hóa phát triển ngày càng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam, đó là truyền thống đoàn kết, truyền thống hiếu học, truyền thống uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân,....
Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thúc đẩy xu hướng xã hội hóa trong hoạt động văn hóa thông tin, thể thao, nhân dân tự tổ chức các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, làm giàu đẹp thêm đời sống tinh thần, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các thiết chế VHTT - TT, thực hiện đúng như lời Bác Hồ dạy “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”, còn rất nhiều các giá trị khác do phong trào đem lại, như: nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và phát huy tinh thần  dân chủ, tính tự quản của nhân dân cao hơn, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, tội phạm và tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh… các hoạt động của phong trào đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ....
Bên cạnh những kết quả, hiệu quả nêu trên, theo ông, những điều gì còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới?
Nhận thức của một bộ phận Lãnh đạo các cấp và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào chưa thật đầy đủ, từ đó thiếu sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo và thực hiện. một số thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện do kiêm nhiệm nhiều việc nên có lúc, có nơi chưa bám sát cơ sở, thiếu kiểm tra, theo dõi, đôn đốc nên hiệu quả chỉ đạo còn hạn chế. Nhìn tổng thể, phong trào có sự phong phú và đa dạng về nội dung, song vẫn bộc lộ sự thiếu gắn kết, bổ sung cho nhau. Giữa các vùng, miền phong trào phát triển chưa thật đồng đều. Chất lượng GĐVH, làng, bản, khối, xóm văn hóa ở một số địa phương còn hạn chế. đặc biệt, một số làng, bản, khối, xóm văn hóa vi phạm tiêu chí nhưng chưa được xứ lý nghiêm. Nhiều di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Thị trường văn hóa và các dịch vụ văn hóa có lúc, có nơi chưa được quản lý chặt chẽ...
Vậy, cần phải làm gì để duy trì và nâng cao chất lượng phong trào này?
Trước hết, là phải nâng cao nhận thức, chăm lo đúng mức công tác thông tin tuyên truyền, làm cho toàn xã hội hiểu đúng, hiểu đầy đủ về nội dung, tính chất, ý nghĩa của phong trào. Lãnh đạo các ngành, các cấp, các địa phương cần quán triệt phát triển kinh tế phải đi cùng với phát triển văn hóa, để từ đó có kế hoạch chỉ đạo và đầu tư cho văn hóa. Mỗi người dân phải thấy giá trị văn hóa trong cuộc sống của chính mình và gia đình mình.
Thứ hai, phải nâng cao trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cần xác định nội dung triển khai cụ thể từng năm, từng giai đoạn cụ thể; Trước hết trong các tổ chức Đảng và chỉ đạo xây dựng văn hóa trong Đảng để tạo sức lan tỏa cho toàn xã hội.
Thứ ba, phải nâng cao năng lực chỉ đạo và chất lượng hoạt động của BCĐ các cấp và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa để không chỉ giải quyết vấn đề kinh phí xây dựng cơ sở vật chất mà còn tạo ra ý thức tự nguyện tham gia phong trào của mỗi người, của tất cả thành phần trong xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống rất phong phú, đa dạng, đời sống văn hóa lại càng muôn màu, muôn vẻ, không có giải pháp nào là khuôn mẫu chung cho tất cả. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, từng khu vực, từng vùng miền để đưa ra giải pháp phù hợp; Mặt khác, trong xây dựng đời sống văn hóa, nhất là xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối, xóm văn hóa, chúng ta đang phải đối đầu với mặt trái của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng cùng vô số các loại văn hóa phẩm độc hại  từ bên ngoài tràn vào. Vì vậy, "xây" phải đi đôi với "chống". Phải tiếp thu và phát huy những giá trị truyền thống, những tinh hoa văn hóa của dân tộc có từ bao đời, đồng thời lên án mạnh mẽ lối sống thực dụng và các loại văn hóa phẩm độc hại. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí, sân thể thao... cần được phát huy hiệu quả thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng lôi cuốn đông người tham gia. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cũng phải thường xuyên đi sâu đi sát đời sống nhân dân, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và năng lực sáng tạo.
Tôi tin tưởng rằng, từ kết quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong 10 năm qua, mỗi địa phương, mỗi ngành trong tỉnh sẽ rút được bài học kinh nghiệm, đề ra được những giải pháp đúng đắn nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của Phong trào, để văn hóa thật sự là sáng tạo và là món ăn tinh thần của nhân dân, văn hoá đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí, xây dựng con người mới, tạo dựng nền tảng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta cùng hy vọng và tin tưởng rằng, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh nhà ngày càng có nhiều khởi sắc mới nhằm đạt đến cái đích "...làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người,  từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng trên địa bàn dân cư" như tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII). Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay.
                                                                             Ngọc Mai (thực hiện)
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445787

Hôm nay

22

Hôm qua

2285

Tuần này

21396

Tháng này

212046

Tháng qua

120141

Tất cả

114445787