Khách mời văn hóa

Nếu có khát vọng và niềm tin thì các mục tiêu phát triển sẽ trở thành hiện thực

Lời Tòa Soạn: Nhân dịp sang năm mới Giáp Ngọ - 2014, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã dành cho VHNA cuộc trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số nội dung liên quan. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV:Nhân dịp đầu năm mới 2014, năm có tính chất quyết định việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả giai đoạn 2010 – 2015, chúng tôi rất cảm ơn ông đã dành cho tạp chí văn hóa Nghệ An cuộc trao đổi này.

Thưa ông, ông có thể cho biết nhận định của mình về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2013?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Năm 2013 là một năm khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, ở Nghệ An lại bị ảnh hưởng trực tiếp và khá nặng  nề của thiên tai. Mấy cơn bão ập vào liên tục, gây thiệt hại khá lớn. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội khá ổn định và có bước phát triển, tuy chưa được như ý muốn nhưng rất đáng ghi nhận và khích lệ. Tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7% trên nền cả nước 5,4% và theo đó GDP bình quân đầu người cũng có tăng nhẹ, từ từ 21,22 triệu đồng[năm 2012] lên 23,57triệu đồng. Thu ngân sách vượt dự toán, ước đạt trên 6.400tỷ đồng; Tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội ước đạt 31,729 tỷ đồng, tăng 8,4%so với năm 2012. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư được đổi mới, triển khai mạnh mẽ và tạo ra kết quả, hiệu quả mới đáng mừng. Tính đến giữa tháng 11, chúng ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 72 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 12.885tỷ đồng. Cũng trong năm vừa qua một số dự án của BECAMEC Bình Dương, tập đoàn Hoa Sen… và các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…đã khởi động; Một số dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như thủy điện Hủa Na, thủy điện Khe Bố, may Hanosimex, Sữa TH, nhựa Tiền Phong…Các dự án bằng ngân sách nhà nước cũng đã được cấp vốn nhiều hơn và có tiến độ khả quan hơn như bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Ung biếu, các công trình thuỷ lợi chống úng, thoát nước ở Nam Đàn, tp Vinh…

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến thuận lợi. Đời sống văn hóa cộng đồng có nhiều khởi sắc, lành mạnh; Giáo dục duy trì được chất lượng; An sinh xã hội đảm bảo; Số hộ nghèo giảm mạnh; Tăng thêm được hơn 36.000 việc làm.

Tuy nhiên, căn cứ vào kế hoạch thì chúng ta vẫn còn 5/15 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt hoặc đạt thấp hơn so với năm ngoái như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng…Chúng ta cũng chưa thu hút được những dự án lớn mang tính đột phá để có thể thay đổi diện mạo nền kinh tế. Chúng ta cũng chưa khai thác và phát huy tốt nội lực, các nguồn lực tại chỗ nên dẫn đến điều đáng lo ngại là xu hướng tụt hậu về kinh tế của tỉnh ta so với các tỉnh trong khu vực hiện nay đã khá rõ ràng. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội vẫn còn nhiều bức xúc chưa được quan tâm giải quyết rốt ráo từ an sinh xã hội đến chống tham nhũng, lãng phí, từ đạo đức công vụ, y đức đến văn hóa, đạo đức học đường…An ninh, trật tự và an toàn xã hội ở Nghệ An trong năm qua vẫn còn diễn biến phức tạp; tranh chấp khiếu kiện đất đai còn nhiều; Ô nhiễm môi trường vẫn còn; Tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội khác vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp….đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

PV: Trong toàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của tỉnh, ông quan tâm đến vấn đề gì nhất?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Tôi nghĩ nhiều đến hai vấn đề. Thứ nhất đó là năng lực lãnh đạo, điều hành của bộ máy, của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, thậm chí trong đó có một bộ phận sa sút về phẩm chất, đạo đức công vụ, về trách nhiệm. Thứ hai, như trên tôi đã nói, đó là nguy cơ tụt hậu của nến kinh tế tỉnh nhà.

PV:Ông có thể lý giải thêm về sự quan tâm này?

Tôi nghĩ, ở thời nào cũng thế, mô hình, hình thái kinh tế - xã hội nào cũng đều phải lấy vai trò thể chế và con người  làm đầu. Thể chế phù hợp, tiến bộ và hiện đại, điều hành khoa học bởi một bộ máy ưu việt, hiện đại, trình độ cao thì sẽ phát huy được năng lực sáng tạo của cộng đồng, tạo ra động lực cho phát triển nhanh, đem lại hiệu quả cao, toàn diện, thúc đẩy xã hội tiến lên.

Về nguy cơ tụt hậu là hậu quả của một loạt nguyên nhân đem lại, chủ quan có, khách quan có, yếu tố địa kinh tế, địa văn hóa… đều có. Nhưng theo tôi, yếu tố hàng đầu là thể chế và trình độ phát triển của nền kinh tế. Có nghĩa là cơ cấu nền kinh tế, mô hình quản lý, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, bộ máy lãnh đạo, quản trị của nền kinh tế đang có vấn đề, hoặc là lạc hậu, hoặc đi chưa đúng đường.

Tìm cho ra đúng bản chất của vấn đề, xác định rõ, chính xác các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là công việc không quá khó nhưng cũng không hề giản đơn vì rất có thể nó nằm trong chính cái cung cách tư duy đã có thể trở thành lối mòn của chúng ta.

PV: Lâu nay, cả nước và Nghệ An đều quan tâm đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế. Ở Nghệ An, quan điểm và mục tiêu, nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gì?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Cơ cấu lại nền kinh tế của một tỉnh, nhất là tỉnh lớn là việc vô cùng khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Nền kinh tế đã cơ bản định hình và khá ổn định trong nhiều chục năm, cũng có nghĩa là tư duy, cung cách của người quản trị và người lao động đã ổn định theo một thói quen, một nề nếp, bây giờ đem dỡ ra, sắp xếp lại theo một trật tự mới để tạo ra một hiệu quả mới, kết quả mới là rất khó khăn, phức tạp. Thế nhưng vẫn phải làm vì nếu không làm chúng ta sẽ tiếp tục lạc hậu, tụt hậu, sẽ không đem lại các giá trị cần thiết, làm suy giảm năng lực cạnh tranh và sự phát triển sẽ ấn chứa nguy cơ không hoặc thiếu bền vững…

Trở lại với câu chuyện của Nghệ An chúng ta, tôi nghĩ, cơ cấu lại nền kinh tế phải dựa vào các điều kiện về địa kinh tế, vào tài nguyên, tiềm năng, nguồn lực.., và phải căn cứ vào mục tiêu cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết 26 của bộ chính trị vừa rồi đã xác định. Trong những năm sắp tới, chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và giá trị gia tăng cao. Tôi muốn nhấn mạnh, tỉnh ta đang là một tỉnh nông nghiệp, có tiềm năng phát triển nông nghiệp nên trong quá trình phát triển công nghiệp phải đồng thời phát triển nông nghiệp, công nghiệp phải gắn liền và thúc đẩy nông nghiệp, phải công nghiệp hóa nền nông nghiệp để khai thác có hiệu quả và bền vững nhất các nguồn tài nguyên. Đi liền với đó là vấn đề đô thị hóa và tri thức hóa, hay nói cách khác là phải nâng cao dân trí để có được một cộng đồng dân cư có trình độ học vấn và nghề nghiệp ngày càng cao, một cộng đồng xã hội ngày càng văn minh.

PV:Cho đến nay, theo ông, chúng ta đã làm được những gì để cơ cấu lại nền kinh tế và hiệu quả bước đầu của nó?

Ông nguyễn Xuân Đường:Chúng ta đã sớm khởi động công việc cơ cấu lại nền kinh tế và bước đầu đã có kết quả khả quan. Năm 2012 so với năm 2003 tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 38,18% xuống còn 26,64% trong lúc đó công nghiệp – xây dựng tăng từ 26,03% lên 31,95%, dịch vụ tăng từ 35,79% lên 41,41%. Tôi lấy một con số khác để làm chứng: Bình quân từ năm 2006 đến 2010 giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 15, 03% trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,9%. Chúng ta đã quy hoạch và xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Một số cơ sở sản xuất công nghiệp lớn được xây dựng, nâng cấp. Lĩnh vực ngân hàng cũng phát triển mạnh, đến cuối năm 2012 trên địa bàn Nghệ An đã có 34 ngân hàng, 54 quỹ tín dụng nhân dân với nguồn vốn khá lớn và cung cấp nhiều dịch vụ tiền tệ, tín dụng.

Tôi muốn nói thêm là trong thời gian vừa qua, tốc độ độ thị hóa của chúng ta khá nhanh. Điều đó chứng tỏ rằng về kinh tế đã có sự chuyển dịch rất quan trọng. Đô thị gắn liền với sản xuất công nghiệp, với dịch vụ thương mại, du lịch, không bỗng nhiên mà có. Và theo đó còn là một sự chuyển biến lớn về văn hóa, làm thay đổi diện mạo văn hóa của các cộng đồng.

PV:Vừa rồi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 26 về phát triển Nghệ An đến năm 2020. Theo ông chúng ta cần xác định động lực và nguồn lực nào cho quá trình phát triển nay?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Nghị quyết số 26 ngày 30 tháng 7 năm 2013 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghệ An đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, ý tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ…Để thực hiện thành công mục tiêu này với quỹ thời gian 7 năm là một công việc vô cùng khó khăn. Vì vậy cần phải huy động, tập hợp, phát huy cao nhất, hiệu quả nhất các nguồn lực, nội sinh và ngoại sinh. Tôi nghĩ là chúng ta cần phải tự xác định, hình thành trong mình một động lực hành động thật mạnh mẽ. Mỗi một cán bộ, đảng viên, một người dân Nghệ An phải nêu cao lòng tự hào về quê hương, có khát vọng xây dựng quê hương. Nếu có khát vọng sẽ có sáng tạo, có đoàn kết, có quyết tâmthì các mục tiêu phát triển sẽ trở thành hiện thực.

Về nguồn lực cho quá trình phát triển sắp tới, đúng là rất khó nhưng không phải là không có. Đó là nguồn tài nguyên; là cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính đã và đang có; là các mối quan hệ, liên kết với bên ngoài, là sự hỗ trợ của Trung ương…..Và quan trọng bậc nhất nguồn lực Con Người, là tri thức, kinh nghiệm, các phẩm chất văn hóa ẩn chứa trong mỗi con người.

Chúng ta cần quan tâm đến yếu tố địa kinh tế và địa văn hóa như một nguồn lực quan trọng của quá trình phát triển. Vấn đề là cần xác định rõ vị trí, vị thế địa kinh tế, địa văn hóa ấy thì có chỗ nào là thuận lợi, là thế mạnh để khai thác, để phát huy và chỗ nào là bất lợi để mà tránh, mà khắc phục.

PV: Ông có nói rõ thêm về yếu tố Con Người, về nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh nhà hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Đường: Nghệ An ta có dân số đông và theo đó lực lượng lao động cũng đông, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, do tâm lý thích làm thầy, không thích làm thợ, do quy hoạch đào tạo của chúng ta còn bất hợp lý nên lực lượng lao động trực tiếp, thợ lành nghề chiếm tỷ lệ thấp. Cơ cấu đại học: 1, trung học chuyên nghiệp: 0,5 và công nhân: 0,25 là một bất hợp lý quá lớn. Chúng ta có quá ít thợ và cũng quá ít chuyên gia. Đó là bất hợp lý lớn nhất, cần phải giải quyết sớm. Thứ hai, do chưa tạo ra được nhiều việc làm nên một bộ phận khá nguồn nhân lực của chúng ta phải đi ra ngoài tỉnh để làm việc đồng thời với việc chúng ta rất khó tập hợp, kêu gọi được lực lượng lao động trình độ cao, lành nghề trở  về với, hoặc đến với Nghệ An. Tôi nghĩ, giải bài toán nhân lực là một việc quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài của tỉnh ta hiện nay. Đây là một tiền đề cho phát triển.

PV: Để tạo ra một việc làm là phải đầu tư không ít. Trong lúc đó nguồn đầu tư của chúng ta lại hạn chế. Kêu gọi đầu tư cũng rất khó khăn. Ngoài các yếu địa kinh tế, môi trường xã hội - nhân văn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kêu gọi đầu tư. Ông nhận định như thế nào về môi trường xã hội nhân văn của quá trình đầu tư ở tỉnh ta?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Tôi nghĩ đây là một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu. Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến bản sắc văn hóa xứ Nghệ và sự hấp dẫn của nó đổi với bạn bè. Đó là nói đến sự khám phá các giá trị ngoài mình, là sự hấp dẫn của các nhà nghiên cứu và của khách du lịch. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với kinh tế du lịch. Nhưng cái mà ta quan tâm ở đây là môi trường xã hội - nhân văn của chúng ta có hấp dẫn các nhà đầu tư hay không. Cụ thể là người Nghệ An chúng ta có thái độ và ứng xử như thế nào đối với vấn đề đầu tư và cái không gian văn hóa – xã hội này có có tạo ra sự hấp dẫn và các điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư. Nếu theo cách nhìn đó, tôi thấy Nghệ An có môi trường xã hội - nhân văn khá hấp dẫn và trong lành, thuận lợi cơ bản và lâu dài cho các nhà đầu tư. Người  Nghệ An ta trung thực, thủy chung, có trước có sau, thông minh và cầu tiến bộ; Quan hệ xã hội ổn định, các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng… Tuy nhiên, cũng có những mặt cần xem xét, điều chỉnh hoặc khắc phục như bộc trực đến nóng nảy, kiên định đến giáo điều, tự trọng bản ngã đến cực đoan; Hoặc chúng ta vẫn thiếu sự nhẹ nhàng uyển chuyển trong giao tiếp, nói như nhà thơ Huy Cận là “Tình xứ Nghệ không mau/Nhưng bén rồi sâu lắng”, có nghĩa là phải ở lâu với nhau thì người ta mới hiểu được cái tình của người Nghệ, nếu vậy thì rất dễ mất thời cơ. Và tôi thấy vẫn có không ít người chưa chịu khó, thậm chí còn “nói nhiều hơn làm”….

PV:  Tôi thấy có mâu thuẫn khá lớn là người Nghệ chúng ta thông minh, có quyết tâm nhưng có cá tính mạnh nên nhiều khi tính kỷ luật không cao. Và điều này là không phù hợp với trình độ sản xuất công nghiệp hiện đại hiện nay. Nếu nhận xét này có cơ sở, chúng ta cần phải phải làm những gì để khắc phục?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Nhận xét trên không phải là không có cơ sở thực tiễn. Để hình thành một mô hình tính cách phù hợp với một xã hội hiện đại, một môi trường lao động hiện đại thì bất cứ ai cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Nếu vậy thì không có cách gì khác ngoài giáo dục và rèn luyện. Phải dạy và rèn từ khi nhỏ, không chỉ tri thức, trí tuệ, mà cả đạo đức và tác phong. Phải bỏ đi những cái rườm rà , lề mề của tác phong sản xuất tiểu nông còn đọng lại trong mỗi người để có một nề nếp, một tác phong tư duy và làm việc công nghiệp, khoa học.

PV: Bình thường, thay đổi tập tính, tập quán của một cộng đồng phải vô cùng dài lâu, có khi vài ba thế hệ.  Ông có tin là chúng ta có thể hình thành được một tác phong, một nề nếp làm việc cho cả một cộng đồng người lao động rất đông nhằm đáp ứng với yêu cầu kỷ luật cao của một nền sản xuất hiện đại trong một thời gian ngắn?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Đúng là rất khó nhưng tôi tin là chúng ta sẽ làm được. Rất đơn giản, cái chính là cuộc sống bắt buộc chúng ta phải thay đổi, nếu không thay đổi tự chúng ta sẽ thải loại chúng ta khỏi sự vận động phát triển của đời sống xã hội, chúng ta sẽ trở thành người thừa của cuộc sống. Mà cái khí chất, cái trí tuệ, cái bản lĩnh của người Nghệ chúng ta không bao giờ chấp nhận điều đó.

PV:Thưa ông chủ tịch, xin được ông trao đổi một vài ý kiến về lĩnh vực văn hóa và du lịch. Thứ nhất, đánh giá của ông về tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh ta? Chúng ta đã khai thác nguồn tài nguyên đó như thế nào? Và hiệu quả ra làm sao?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Nghệ An chúng ta có nguồn tài nguyên du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng, khá phong phú, đa dạng, kể cả tài nguyên vật thể và phi vật thể. Đó là một loạt các di tích, các công trình văn hóa và gắn theo đó là rất nhiều các trầm tích văn hóa, các giá trị lịch sử và nhân văn. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng nếu so với một số các địa phương khác thì chưa hẳn chúng ta đã có lợi thế thật nhiều. Ngoài hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thì quả thực chúng ta chưa có nhiều các tài nguyên, các điểm tài nguyên có giá trị du lịch thật cao hoặc dễ khai thác. Nói vậy để trong hoạt động thực tiễn của ngành kinh tế này chúng ta cần có quyết tâm và có tính toán, có quy hoạch, kế hoạch thật công phu, khoa học nhằm hướng tới những kết quả và hiệu quả tốt nhất. Trong thời gian vừa qua, theo tôi, chúng ta đang tập trung làm công việc bảo tồn tôn tạo các di tích văn hóa, xây dựng các công trình văn hóa, kể cả công trình văn hóa tôn giáo, tâm linh chứ chưa tập trung tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa. Bởi vậy, có thể nói, chúng ta còn lãng phí tài nguyên. Mà điều này rất cần được khắc phục sớm.

PV:Chúng ta đang trình UNESCO công nhận dân ca Ví Dặm là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Chúng ta tin tưởng là di sản văn hóa này sẽ được vinh danh. Quan điểm của ông về việc bảo tồn và phát huy, phát triển di sản này như thế nào trong tương lai?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Chúng ta đều tin tưởng là di sản văn hóa này của chúng ta sẽ được tôn vinh bởi những giá trị độc đáo của nó. Tôi nghĩ, kể cả chưa được tôn vinh hoặc thậm chí là không thì chúng ta vẫn phải tập trung tình cảm, ý chí và công sức cho việc bảo tồn di sản dân ca ví dặm. Bảo vệ, bảo tồn và phát huy như thế nào cho đến nay vẫn là một bài toán khó. Theo tôi, căn cứ vào thực trạng của nó mà có nhiều cách thức, giải pháp khác nhau nhưng nguyên tắc quan trọng nhất, đã là dân ca thì nó phải sống, phải tồn tại trong lòng dân gian. Tồn tại như thế nào? Một là như một ký ức, và là một thực thể sống động trong cuộc sống của dân gian. Có nghĩa là ví dặm phải sống lại trong không gian sinh tồn, trong cuộc sống của người dân, nó phải là của người dân chứ không phải chỉ là của bảo tàng và của các nghệ sỹ. Cuộc sống của người dân, cũng có nghĩa là môi trường diễn xướng của nó cũng đã thay đổi. Vậy ví dặm cũng phải có sự cách tân và thay đổi. Sự phát triển chất liệu dân ca trong tân nhạc hoặc sân khấu hóa dân ca trong nhiều năm vừa qua là một tiền đề, tiền lệ rất tốt.

Dân ca là của dân gian nên từ cuộc sống mà người dân sẽ tự biết cách bảo vệ, bảo tồn và làm cho cái vốn quý ấy tồn tại, tỏa sáng trong  dòng thời đại của nhân gian. Tuy nhiên, Nhà nước, chính quyền phải nhận thức sâu sắc giá trị và vai trò của dân ca với cuộc sống của người dân, với văn hóa dân tộc để có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ người dân, cùng với người dân làm tốt công việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví dặm.

PV:Xin ông chủ tịch dành cho chúng tôi một câu hỏi cuối. Sang năm 2014 chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của Nghị quyết 26 của BCT và cũng là thời điểm có tính chất quyết định kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ XVII. Theo ông, giải pháp có tính chất đột phá, then chốt áp dụng cho phát trển kinh tế - xã hội trong năm tới là gì?

Ông Nguyễn Xuân Đường:Theo dõi tình hình thế giới và trong nước, năm 2014 chắc chắn sẽ tiếp tục khó khăn. Đây cũng là năm quyết định kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2010 – 2015. Để hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu đã đề ra, tôi thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, tái cơ cấu lại nền kinh tế, từng bước lấy lại đà tăng trưởng.

Về giải pháp, UBND tỉnh đã xác định một hệ thống các giả pháp đồng bộ từ chỉ đạo, điều hành của các cấp đến cải cách hành chính, từ khai thác tiềm năng lợi thế đến tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hiệu quả, từ đảm bảo quốc phòng an ninh đến đảm bảo an sinh xã hội, phát triển văn hóa – giáo dục….Ở đây tôi xin phép không nhắc lại. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho phát triển. Mà muốn vậy, phải làm chuyển biến, làm thay đổi nhiều nhận thức, cách thức điều hành, quản lý, cơ chế, chính sách, thủ tục và cả văn hóa giao tiếp, ứng xử đối ngoại…Để tạo ra được một kết quả, một hiệu quả là không hề dễ trong cơ chế thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh của nền kinh tế đang sa sút và khó khăn hiện nay. Tuy nhiên tôi rất tin là sang năm mới, với bản lĩnh và trí tuệ của hơn 3 triệu đồng bào Nghệ An, chúng ta sẽ có nhiều thành công mới.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. Chúc ông một năm mới thành công.

Phan Thắngthực hiện

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528613

Hôm nay

2269

Hôm qua

2291

Tuần này

2886

Tháng này

215309

Tháng qua

0

Tất cả

114528613