Góc nhìn văn hóa

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Chân lý bất hủ có giá trị cho mọi thời đại

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người, Hồ Chí Minh luôn xác định độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân là mục tiêu hàng đầu của Người và của cách mạng Việt Nam. Người  đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập,  tự do của Tổ quốc, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Độc lập, tự do là một chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu

Độc lập, tự do trong đấu tranh giành độc lập dân tộc

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến nước Mỹ, tìm hiểu tinh thần bất hủ của Tuyên ngôn độc lập. Sống và làm việc ở Pari - thủ đô nước Pháp,  trung tâm văn hóa châu Âu,  tiếp nhận những giá trị nhân văn của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền và tinh thần tiến bộ của cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái, Người đã khái quát chân lý bất di, bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống,  quyền sung sướng và quyền tự do.

Năm 1919, trên nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết đã được các nước Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất thừa nhận, đại diện cho hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, người gửi đến hội nghị hòa bình Vécxây Bản yêu sách 8 điểm, đòi các quyền tự do, dân chủ cho Nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách yêu cầu chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương phải giải quyết quyền tự do, bình đẳng tối thiểu cho Nhân dân Việt Nam, đó là: đòi quyền bình đẳng về chính trị pháp lý;  yêu cầu chính quyền thực dân phải đối xử với người bản xứ Đông Dương như đối với người châu Âu, tức là phải xóa bỏ các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố, đàn áp các bộ phận trung thực nhất trong Nhân dân - Những người yêu nước; phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh và thay thế bằng chế độ ra các đạo luật; đòi các quyền tự do dân chủ tối thiểu cho Nhân dân, đó là các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do lập hội, hội họp, tự do cư trú,... Tuy nhiên bản yêu sách không được những người đứng đầu các quốc gia đồng minh chú ý.

Hồ Chí Minh sớm bày tỏ lý tưởng và mục tiêu cách mạng của cả cuộc đời mình. Trả lời câu hỏi tại sao lại bỏ phiếu cho đệ tam quốc tế của nữ đồng chí Rôdơ- người ghi biên bản tốc ký của Đại hội Đảng xã hội Pháp, người khẳng định, tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn đấy là tất cả những điều tôi hiểu

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Matxcơva về Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó tham gia tổ chức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra báo thanh niên cơ quan ngôn luận của Hội. Nguyễn Ái Quốc là Chủ nhiệm, đồng thời là cây bút chính của tờ báo. Từ đây những người yêu nước cách mạng Việt Nam đã có một diễn đàn chính thức để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lên án tố cáo tội ác thực dân, kêu gọi Nhân dân đoàn kết đấu tranh theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản,...

Trong Chính cương vắn tắt của Đảng cũng như trong lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo xác định mục tiêu chính trị của Đảng là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai giành độc lập dân tộc để đi tới xã hội cộng sản. Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, viết thư “Kính cáo đồng bào” người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Hồ Chí Minh quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tờ báo Việt Nam Độc Lập đưa ra 10 chính sách của Việt Minh với mục tiêu đầu tiên là: cờ treo độc lập; nền xây Bình quyền, ý chí giành độc lập tự do cho dân tộc của người kết tinh trong câu nói bất hủ: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Cách mạng Tháng Tám thành công, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[i].

Trong những là thư và điện văn gửi Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước trong thời gian đó, Người trịnh trọng tuyên bố: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng Nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[ii]. Khát vọng và mong muốn hòa bình của dân tộc Việt Nam một lần nữa lại bị thực dân Pháp cố tình bỏ lỡ, sau nhiều nhân nhượng nhưng không nhận được sự đáp ứng từ phía Pháp. Người khẳng định: Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết một chân lý mang giá trị của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Độc lập, sáng tạo trong vận dụng kinh nghiệm nước ngoài

Không chỉ kiên định với mục tiêu độc lập tự do của dân tộc, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cách thức giành quyền độc lập tự do ấy, Người chủ trương phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đó có sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại một cách độc lập sáng tạo

Phát hiện có giá trị mở đường trong quá trình tìm đường cứu nước của Người là “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận định rằng, con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam không phải là làm cách mạng vô sản ngay như Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và cũng sẽ không diễn ra như ở các nước tư bản phát triển… mà tùy theo trình độ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội mỗi nước để định ra con đường cách mạng của nước mình. Vì vậy, cùng với Đảng, Người đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công - đây là một loại cách mạng giải phóng dân tộc triệt để theo con đường cách mạng vô sản.

Khi xác định vững chắc con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh xuất phát từ điều kiện nước ta, từ mục tiêu cách mạng lâu dài và trước mắt của Nhân dân Việt Nam; từ mục tiêu và sự phát triển hợp quy luật của cách mạng thế giới mà có những quan niệm, cách làm và bước đi phù hợp cho chủ nghĩa xã hội và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người quan niệm rất dễ hiểu, chủ nghĩa xã hội là hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới; về tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc chớ không phải là “phiêu lưu, làm ẩu”. Hồ Chí Minh luôn căn dặn, phải thực hiện đi từng bước vững chắc, phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể, kế hoạch cần phải chắc chắn cân đối.

Vì vậy, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam không chỉ lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đem lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn đóng góp vào kho tàng lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua con đường tư bản chủ nghĩa ở một nước nghèo nàn, lạc hậu vừa thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nhận xét về việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giáo sư Shingo Shibata - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản khẳng định: một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và của Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân… ý kiến chung về chủ nghĩa xã hội cho tới nay vẫn còn thịnh hành trong chủ nghĩa Mác là chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi chiến tranh chấm dứt… họ phải thực hiện việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn còn chiến tranh, theo tôi được biết Đảng Lao động Việt Nam là đảng đầu tiên trong các Đảng mácxít trên thế giới áp dụng lý luận này.

Học tập kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Xô Viết. Hồ Chí Minh rút ra mấy vấn đề bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người vận dụng vào thực tế Việt Nam. Đó là, cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân, thực hiện con đường liên minh công - nông - trí. Vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng cần tập hợp mọi lực lượng cách mạng và tiến bộ thành một mặt trận rộng rãi. Thực hiện thống nhất hành động dưới nhiều hình thức giữa các lực lượng ấy để chống kẻ thù chung, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng để giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản nhân dân, các nước cần có tinh thần cách mạng triệt để luôn luôn nêu cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng không sợ gian khổ hi sinh kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do và quan điểm độc lập, sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng kinh nghiệm nước ngoài của Hồ Chí Minh luôn giúp cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi to lớn.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan sự thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) và đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã khẳng định: Sau 30 năm kháng chiến thành công, đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong những năm đầu thống nhất nước ta phải đương đầu với những thách thức khó khăn chồng chất, song với bản lĩnh chính trị đã được tôi luyện trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, tự phê bình và phê bình sâu sắc, nhận thức lại con đường, hình thức, bước đi xây dựng chủ nghĩa xã hội, lắng nghe tập hợp ý kiến nguyện vọng và trí tuệ của nhân dân để hoạch định đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng( 1986)

Công cuộc đổi mới gần 40 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và cục diện thế giới mới. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã không ngừng nỗ lực tích cực chủ động tìm tòi khám phá và sáng tạo, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ về lý luận và thực tiễn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại đại hội VII (1991). Và sau 20 năm thực hiện, được thực tiễn của đất nước kiểm nghiệm, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đến Đại hội XIII của Đảng năm 2021, là bước phát triển nhận thức lý luận quan trọng trong tiến trình đổi mới đất nước

Như vậy, công cuộc đổi mới được tiến hành gần bốn thập kỷ, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, hệ thống chính trị được củng cố vững chắc, trong đó xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành quả cả về lập pháp, hành pháp và tư pháp; công tác đối ngoại được triển khai sâu rộng có hiệu quả theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định; trong giao lưu và hội nhập với khu vực và thế giới, nhà nước cách mạng - nhà nước của dân, do dân, vì dân được củng cố vững chắc đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc từ nhà nước dân chủ nhân dân đến nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của nhà nước cách mạng Việt Nam cả về chức năng nhiệm vụ, phạm vi ảnh hưởng, phương thức và tổ chức hoạt động tính hiệu lực hiệu quả.

 Hơn 93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những truyền thống vẻ vang của Đảng như: một lòng, một dạ chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, thống nhất, độc lập và gắn bó mật thiết với nhân dân và dân tộc; độc lập tự chủ và sáng tạo nêu cao chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân luôn được khơi gợi và phát huy; trong lãnh đạo, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều chủ quan duy ý chí vi phạm quy luật khách quan nhưng Đảng đã nghiêm túc tự phê bình sửa chữa khuyết điểm. Tự đổi mới, tự chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng  tiến lên. Mấy chục năm qua, thực hiện chân lý của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tự hào với lịch sử vẻ vang của Đảng có thể nói rằng, Việt Nam đã và đang thực hiện thắng lợi Di chúc của người, toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới./.



[i] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.

[ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.522.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528662

Hôm nay

243

Hôm qua

2275

Tuần này

2935

Tháng này

215358

Tháng qua

0

Tất cả

114528662