Xứ Nghệ ngày nay

Chuyện kể cuối mùa rẫy

Cùng với Piêng Coọc, Phả Kháo(còn gọi là Phá Kháo, Phà Kháo theo người bản địa) là một trong hai bản người Mông của xã biên giới Mai Sơn, Tương Dương, Nghệ An. Cách trung tâm xã khoảng 12km đường rừng, bản Phả Kháo nằm heo hút trên vùng sương phủ núi đá, sang nước bạn Lào chỉ mất ba giờ đi bộ của người bản địa qua một dãy núi.

Tết giữa hai bờ biên giới

Theo lời trưởng bản Thò Pa Lư, bản Phả Kháo hiện có 45 hộ dân sinh sống, có gần 300 nhân khẩu. Với đặc điểm quần tụ của người Mông ở Tương Dương, mỗi bản thường là nơi tập trung của một hay vài dòng họ chung sống. Tại Phả Kháo, cả bản có ba dòng họ là họ Thò, họ Già và họ Lỳ.

Đồng bào người Mông vốn chăm chỉ, tuy mỗi năm một mùa lúa nhưng nếu đến thăm nhà vào ban ngày thì rất khó gặp người bởi chủ yếu họ lên rẫy hoặc vào rừng bế củi. Thời gian nghỉ ngơi thoải mái nhất của bà con phải kể đến đầu tháng Mười Một âm lịch. Đó là lúc lúa rẫy được bế hết về nhà, vụ thu hoạch mùa mới đã hoàn tất, cũng là dịp diễn ra “Tết truyền thống” của đồng bào Mông. Đối với riêng người Mông ở Tương Dương, Nghệ An thì “Tết truyền thống” của họ cũng là dịp “Tết truyền thống” của người Mông bên kia biên giới là nước bạn Lào. Tết diễn ra vào dịp cuối mùa rẫy, thường thì khoảng mười ngày đầu tháng Mười Một âm lịch.

Tôi may mắn được tham gia dịp lễ “Tết truyền thống” ở bản Phả Kháo do UBND huyện Tương Dương chủ trương tổ chức cho bà con dân bản vào ngày Bảy tháng Mười Một âm lịch.

Nghi lễ đón mừng năm mới chung cho cả bản được bắt đầu bằng việc chọn ra một con gà trống tốt nhất trong bản, có thể là con gà trống của nhà trưởng bản để treo lên cây nêu với nguyện cầu về sức khỏe, mùa màng bội thu, thời tiết thuận lợi và những điều tốt đẹp khác cho mọi người. Cây nêu được tạo thành từ một cây thân gỗ và một sợi dây tết từ loài thân leo, tượng trưng cho sự kết hợp từ sức mạnh cương-nhu của thần thánh theo tín ngưỡng. Trong khi già bản đứng giữ phần nêu là thân gỗ và một thanh niên mạnh khỏe giữ phần nêu là thân leo thì mọi người cùng nhau đi vòng quanh dưới cây nêu để nguyện cầu. Khi cây nêu được hạ xuống đồng thời chú gà trống được cởi trói để làm lễ hiến tế thần linh thì buộc phải có người già có uy tín trong bản giữ chặt phần đầu gà, còn chàng thanh niên trẻ nhất bản sẽ giữ chặt phần cánh và chân gà, để nghi lễ “cắt tiết gà” được tiến hành bởi đại diện người đàn ông ưu tú của bản. Cuộc lễ được tiếp tục bởi trò ném còn và màn hát đối giữa hai bên nam nữ, cùng với đó là các trò chơi quay, thổi sáo múa khèn… Lúc này, người Mông ở Phả Kháo, hay người Mông ở bên kia biên giới đều như nhau cả.

Sau nghi lễ của bản thì ai về nhà nấy tự mổ lợn chuẩn bị ăn mừng năm mới và thết đãi khách. Thịt lợn được chia làm hai phần: Một phần treo lên gác bếp bởi người trụ cột gia đình (thường là người đàn ông), còn một phần sẽ đem thết đãi khách. Hết ngày này sang ngày khác, từ nhà này sang nhà khác, nhà ai cũng ê hề thịt lợn và rượu. Đàn bà con gái chỉ ở trong bếp liền tay chuẩn bị thêm rượu và thịt. Đàn ông con trai ngồi sẵn bên mâm, tiếp mời khách bằng mỗi lần hai chén rượu, đó là lời chúc cho hai chân lên đường chân cứng đá mềm, cũng tượng trưng cho hai thế hệ trong gia chủ có lời chúc đến khách (ngày trước là bốn chén rượu chúc tượng trưng cho hai thế hệ).

Trưởng bản Thò Pa Lư kể: “Tết này từ mười năm trước, cứ phải mất gần nửa tháng mới hết, vì còn sang Lào chơi nữa, người Mông bên ấy cũng ăn Tết như ta đây. Mấy năm gần đây, bản ta theo chủ trương ăn Tết Nguyên Đán mừng năm mới luôn rồi, kẻo ảnh hưởng đến việc học của các cháu. Nhìn thế này thôi, họ hàng nhà ta ở bên Lào cả…”

Năm nay, chỉ là một cái Tết do chủ trương của huyện tổ chức, nhưng bà con trong bản lấy làm vui lắm, vì lâu lắm rồi bản chẳng tổ chức ăn Tết dịp đầu tháng Mười Một này nữa, và ai có điều kiện thì mới sang Lào cùng mừng năm mới với người Mông bên kia biên giới. Đối với người Mông ở khu vực này, dù xa cách bao nhiêu, chỉ cần gọi lên cùng họ là đã như người một nhà, như anh em thân thiết. Đó cũng là lí do mà người Mông ở Nghệ An không bao giờ kết hôn với người cùng họ.

Chuyện người họ Già không ăn tim súc vật.

Tôi lên Phả Kháo một ngày sương mù hóa mưa. Dãy núi dựng đứng phía trước ngăn cách với nước bạn Lào nay khuất dạng trong nghi ngút khói sương. Dẫu ngày mừng năm mới đầy không khí Tết vùng cao, nhưng điệp trùng núi bỗng hóa mênh mông buồn, những ngôi nhà nhỏ hiếm hoi cánh cửa sổ và luôn tối om om, lại thêm cả tiếng đàn tiếng sáo bên ngoài như lởn vởn trong sương, như vọng lên từ đáy vực mây mù. Có lẽ là một đặc trưng của đồng bào quen sống trong “xứ sương mù”, nên những câu chuyện của người Mông cứ gợi lên ám ảnh muôn vàn tiếng buồn, mênh mông, xa thẳm. Lần đầu tiên tôi được biết đến câu chuyện về người họ Già không ăn tim súc vật.

Pa Lư là một trưởng bản còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng chuyện về người Mông thì anh được cha truyền lại nhiều nhất. (Ông cụ năm nay đã 102 tuổi, vẫn lên rẫy và thổi khèn rất giỏi). Giọng trưởng bản đều đều khi kể chuyện, không có nhấn nhá, khiến tôi cảm giác như mình đang quay về từ thời xa xưa ấy…

…Thời xa xưa người họ Già có tiệc mừng lớn, đến nỗi mổ rất nhiều gà lợn làm lễ cúng tế và mời khách. Một chàng trai trẻ được giao nhiệm vụ canh lửa cho những nồi thịt lúc chế biến. Bếp lửa tí tách, xì xèo réo sôi và những nồi thịt cũng chín. Đến khi lễ cúng bắt đầu, những trái tim gà, tim lợn được múc ra trước để cúng tế. Lúc này, người lớn mới giật mình vì tất cả những quả tim của các nồi thịt đều không thấy. Một nghi mười ngờ, ngoài cậu trai canh lửa chẳng còn ai vào đây nữa, thế là chàng trai trẻ bị cả bản định tội là ăn vụng hết số tim gà lợn kia. Cả dòng họ không thể tha thứ cho tội danh ấy của chàng trai. Họ bắt bố mẹ của chàng trai phải giao con cho dòng họ định đoạt: Bởi cậu trai đã lén lút ăn mất số tim gà lợn trong các nồi thịt, so với người lớn là hỗn, so với thần linh là phạm tội tày đình. Vì thế, người ta đã buộc gia đình cậu trai phải trao trái tim của cậu cho cả dòng họ tế lễ tạ tội thần linh, chuộc lại lỗi lầm thay cho những trái tim “bị đánh cắp”. Những trái tim bị mất tích đổi bằng mạng người con trai và một trái tim người. Nghiệt ngã thay, khi người phụ nữ múc đến bát thịt cuối cùng trong nồi, mới thấy những trái tim gà lợn bị dính chặt xuống đáy nồi. Mọi chuyện được sáng tỏ, cả dòng họ hối hận vì hồ đồ mà mất đi mạng người. Bố mẹ chàng trai thì đau đớn đến không còn mất mát nào bằng. Từ đó trở đi, để chứng minh thành tâm ăn năn áy náy, người họ Già không bao giờ dùng trái tim súc vật để tế lễ, cũng không bao giờ ăn tim súc vật nữa. Họ làm thế như chấp nhận một hình phạt cho sự hồ đồ của tổ tiên…

Tôi rời Phả Kháo với nhiều ám ảnh, đâu chỉ tục bắt vợ hôn nhân không tình yêu là buồn, nhiều chuyện người Mông còn buồn hơn thế nữa, trong ánh mắt xa xăm, trong cách kể chuyện thủ thỉ bên bếp lửa xì xèo và cả những nét man mác giống nhau trên từng gương mặt.

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511841

Hôm nay

2167

Hôm qua

2337

Tuần này

22215

Tháng này

218714

Tháng qua

121356

Tất cả

114511841