Khách mời văn hóa

Cần sửa lại luật du lịch, chấm dứt tình trạng du lịch ăn xổi

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước cũng như của nhiều địa phương trong chiến lược phát triển. Nhưng để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, không phải cứ muốn làm là làm được. Không phủ nhận là du lịch văn hóa đã mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, cũng như tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho nhiều doanh nghiệp, người dân. Nhưng bên cạnh đó, sự phát triển du lịch văn hóa chưa phù hợp, thiếu bền vững đã tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa, di sản văn hóa và làm ảnh hưởng lớn đến bản sắc văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Để bàn thêm về vấn đề này, VHNA xin giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến của TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

 

PV.Du lịch là một ngành kinh tế ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các quốc gia. Việt Nam không là ngoại lệ. Trong đó, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được du khách trong và ngoài nước lựa chọn nhiều nhất. Văn hóa là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch văn hóa. Ông có thể đánh giá tổng quan về nguồn tài nguyên này của Việt Nam?

TS Trần Hữu Sơn: Tài nguyên du lịch văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và phong phú dựa trên sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và xã hội. Điều kiện tự nhiên đa dạng tạo nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của nhiều hệ hình văn hóa khác nhau. Theo không gian có văn hóa vùng biển đảo, văn hóa vùng sông nước, văn hóa vùng đồng bằng, văn hóa vùng trung du, văn hóa vùng thung lũng, văn hóa vùng núi cao. Về mặt chủ thể tộc người, Việt Nam có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có nhiều nhóm, nhiều ngành khác nhau. Các nhóm, ngành và tộc người này vừa có những điểm chung, vừa mang các đặc trưng riêng, tạo nên một rừng hoa văn hóa mà mỗi cộng đồng là một bông hoa đẹp. Mỗi tộc người lại có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, văn nghệ dân gian... Lịch sử dân tộc cũng để lại một hệ thống di tích lịch sử đa dạng, phân bố khắp nơi, mang dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Bên cạnh đó là các quần thể kiến trúc tôn giáo và giá trị văn hóa trong các tôn giáo luôn có một sức thu hút đặc biệt đối với khách du lịch và hình thành các tuyến du lịch tâm linh. Một ví dụ là mấy năm gần đây xuất hiện các tuyến du lịch theo các điểm đạo Mẫu phát triển mà thường gắn liền với các tuyến đường buôn bán. Nói chung, Việt Nam có một nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú để phát triển du lịch văn hóa. Nhưng ở nhiều địa phương, nó đang ở dạng tiềm năng và chưa khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả.

 

PV: Tài nguyên du lịch văn hóa có thể được phân loại như thế nào?

 

Có nhiều cách để phân loại các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch văn hóa. Nhưng cách phổ biến là phân loại theo nguồn gốc của nó,  từ di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Tài nguyên văn hóa vật thể để phát triển du lịch như các di tích lịch sử, di tích khảo cổ học, di sản kiến trúc, các di tích mang tính tôn giáo như đền, chùa, đình, miếu... Tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch như lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình dân gian, tôn giáo, tri thức dân gian... Bên cạnh đó, tùy theo các góc độ tiếp cận mà người ta có thể đưa ra những phân loại khác nhau như phân loại theo không gian văn hóa, phân loại theo văn hóa tộc người, phân loại theo loại hình du lịch...\

 

PV:Những tài nguyên nào trong phát triển du lịch văn hóa được ông quan tâm và đánh giá cao nhất? Tại sao?

 

TS Trần Hữu Sơn: Mỗi loại tài nguyên đều có vai trò riêng trong phát triển du lịch văn hóa. Trước hết phải chú trọng tài nguyên di tích lịch sử văn hóa, là di sản của cha ông để lại và mang dấu ấn của lịch sử dân tộc. Loại tài nguyên này có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách du lịch, đặc biệt là đối tượng muốn hiểu về lịch sử văn hóa Việt Nam, tuy nhiên không dễ khai thác hợp lý và chi phí bảo tồn cao, đòi hỏi phải có định hướng phát triển phù hợp. Các di tích lịch sử thường gắn với những nội dung, giá trị tinh thần của nó. Cần chú trọng giữa di tích văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đi cùng với di tích đó để phát triển du lịch. Thứ hai là các tài nguyên về lễ hội, làng nghề. Hiện nay, người ta đi du lịch không chỉ ăn, chơi, nghỉ mà còn có nhu cầu khám phá, trải nghiệm. Du lịch trải nghiệm là một hướng đi quan trọng cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt ở các làng nghề truyền thống. Tiếp đến là các tài nguyên về văn hóa dân gian, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian và ẩm thực. Các địa phương, các cộng đồng khác nhau đều có nguồn tài nguyên này và nó có sức hút lớn đối với khách du lịch. Nói chung, các loại tài nguyên văn hóa đều quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa, vấn đề là phải nhận thức đúng về nguồn tài nguyên đó để có chính sách phát triển hợp lý.

 

PV:Theo ông, sự phân bố tài nguyên du lịch văn hóa ở nước ta hiện nay như thế nào?

 

TS Trần Hữu Sơn: Tài nguyên để phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam rất đa dạng nên khi nói về sự phân bố tài nguyên du lịch văn hóa thì phải nói cụ thể là loại tài nguyên nào. Vì mỗi loại tài nguyên sẽ có sự phân bố khác nhau. Ví dụ miền Trung có sự tập trung nhiều quần thể di tích lịch sử văn hóa lớn để đang xây dựng con đường di sản dọc miền Trung. Miền núi là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên tập trung sự đa dạng về văn hóa tộc người có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Văn hóa làng nghề tập trung nhiều ở vùng châu thổ Bắc Bộ...  Nguồn lực văn hóa ở mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng và nơi nào nhận thức được điều đó để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù tốt thì thu hút được du khách và phát triển du lịch văn hóa.

 

PV:Các dấu hiệu đặc sắc, bản sắc văn hóa, các di sản văn hóa là tài nguyên du lịch văn hóa nhưng không phải tất cả đều có thể sáng tạo thành các sản phẩm du lịch. Theo ông, có những tiêu chí nào để xác định các tài nguyên văn hóa có tính khả dụng, hữu ích cho việc sáng tạo các sản phẩm du lịch?

 

TS Trần Hữu Sơn: Chúng ta thường hay nhìn về phía tài nguyên để xây dựng du lịch mà bỏ quên mất một yếu tố quan trọng đó là thị hiếu, nhu cầu của du khách. Cần phải xem nhu cầu của du khách là một nguyên tắc để xây dựng sản phẩm du lịch. Khi thu hút du khách đến điểm du lịch thì cần phải tìm hiểu họ đến đây để làm gì, và những tài nguyên, cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ của địa phương có đáp ứng được nhu cầu của khách hay không. Tính đặc trưng của tài nguyên văn hóa cũng cần phải được xem xét cụ thể để lựa chọn định hướng trong xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa vì nó là thế mạnh của địa phương. Tài nguyên du lịch văn hóa luôn gắn với một cộng đồng nhất định nên cần xác định cho rõ ràng cũng như sức đáp ứng của địa phương để không tổn hại đến sự bền vững của nguồn tài nguyên văn hóa. Và điều quan trọng nữa là nhà làm du lịch, chính quyền địa phương có đủ năng lực biến nguồn tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch hay không và nhất thiết phải phát triển du lịch theo hướng bền vững.

 

PV:Vừa rồi ông có nghe nói về dự án Du lịch Formosa? Ông có nhận xét gì về ý tưởng này từ phương diện văn hóa? Và về tính khả dụng, khả năng thành công của nó?

 

TS Trần Hữu Sơn: Tôi không tiếp xúc trực tiếp với họ để trao đổi mà chỉ được biết đến qua các nguồn thông tin nên ý kiến cũng mang tính cảm nhận. Tôi thấy họ muốn sáng tạo ra sản phẩm du lịch theo một sự kiện gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc nhiều người và được xã hội quan tâm. Đây có thể là một ý tưởng du lịch ăn theo truyền thông. Nhưng cá nhân tôi nghĩ họ đã không đúng khi đưa ra mô hình này. Sáng tạo trong du lịch là quan trọng nhưng sáng tạo phải mang lại những lợi ích cho xã hội, mang lại hạnh phúc cho con người. Thảm họa Formosa đang làm nhân dân 4 tỉnh miền Trung khốn khổ, điêu đứng, biển ô nhiễm nặng làm công việc khai thác, đánh bắt hải sản của người dân bị ngưng trệ khiến họ phải chịu đói khổ. Và cả xã hội đang quan tâm đến cuộc sống của họ, xa hơn là tương lai của môi trường, của đất nước. Vậy nên chẳng thể tạo ra một sự thu hút khách đến tham quan và thu lợi trên thảm họa do con người gây nên. Chẳng có chuyện tình cá-thép lãng mạn nào ở đây mà là tội ác đối với tương lai đất nước, hủy hoại môi trường và hủy hoại cả cuộc sống của con người.

 

PV:Giữa Văn hóa và Du lịch, theo chúng tôi, ban đầu là mối quan hệ cộng sinh. Du lịch dựa vào Văn hóa mà hình thành, phát triển với nguyên tắc là các hoạt động du lịch không can thiệp vào sự tồn tại và vận động của văn hóa. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, theo quan sát của chúng tôi, vì mục tiêu phát triển du lịch, chúng ta đã can thiệp quá nhiều, quá sâu vào sự tồn tại và vận động của văn hóa. Nhiều di tích, di sản vật thể và phi vật thể, đều được, đúng hơn là bị tu sửa, tôn tạo và thể hiện theo mục đích kinh doanh du lịch. Hình như, không ít nơi, nhà nước đổ tiền vào những tưởng là tôn tạo nhưng di tích lại biến dạng. Lại còn có tình trạng các địa phương đua nhau làm du lịch văn hóa bất kể nguồn tài nguyên của mình có khả năng đáp ứng được hay không. Rất nhiều công trình, có tính chất văn hóa, tôn giáo, đã được đầu tư từ luận chứng phát triển du lịch. Từ quan sát của mình, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

 

TS Trần Hữu Sơn: Trong mối quan hệ này, văn hóa có trước, là cái hồn để phát triển du lịch, du lịch văn hóa có sau và là một ngành kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên văn hóa để phát triển. Nhưng du lịch văn hóa cũng góp phần tái tạo giá trị văn hóa, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Du lịch phát triển tạo điều kiện quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa, tạo nguồn kinh phí để quay lại bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chúng ta phát triển ngành du lịch thiếu bền vững, mang tính ăn xổi, bán văn hóa, với tư duy tiểu nông, làm ảnh hưởng lớn đến các di sản văn hóa. Số lượng du khách trở thành tiêu chí hàng đầu của ngành du lịch khiến cho sức ép lên các di sản văn hóa càng lớn và càng nhanh hư hỏng. Dẫn khách ồ ạt vào các điểm di tích, di sản mà không quan tâm về khả năng đáp ứng của khu vực, địa phương và sức chịu của tài nguyên văn hóa đó có đáp ứng được hay không. Đó là nguyên nhân gây nên tình trạng du lịch vẫn chưa có hiệu quả cao về nguồn thu nhưng tài nguyên văn hóa thì bị mai một, hư hại và biến đổi.

 

PV:Những ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này?

 

TS Trần Hữu Sơn: Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta. Từ nhà doanh nghiệp, nhà quản lý du lịch và người dân đều nhìn vào lợi ích trước mắt với tư duy tiểu nông, ham lợi và gây nhiều hệ lụy. Nhưng trách nhiệm cao nhất thuộc về các nhà quản lý và hoạch định phát triển du lịch. Tỉnh nào cũng đặt du lịch là ngành mũi nhọn với những khẩu hiệu rất hay nhưng khi làm thì không hiệu quả và còn làm ảnh hưởng đến văn hóa. Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó quan trọng là họ đã chưa tìm được những người có tâm huyết và có năng lực để quản lý ngành đầy nhạy cảm này. Chúng ta thiếu những người tâm huyết, biết truyền ngọn lửa phát triển du lịch bền vững như ông Nguyễn Sự ở Hội An. Họ cũng chưa tập hợp và sử dụng trí tuệ của các nhà nghiên cứu trong việc tư vấn nên đưa ra những tiêu chí, những mục tiêu không hợp lý cho phát triển du lịch văn hóa. Tiếp đến là những doanh nghiệp làm du lịch luôn theo đuổi các lợi ích ngắn hạn, “chặt chém”, làm du lịch không bền vững, hãm lợi trước mắt bỏ quên lợi ích lâu dài.

 

PV:Nhân ông nói đến các nhà nghiên cứu với tư cách là nhà tư vấn, tôi cũng xin nói luôn rằng, theo quan sát và tìm hiểu của tôi thì nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta cũng rất thực dụng,họ sẵn sàng chiều theo ý muốn theo đuổi mục đích lợi nhuận của các nhà quản lý văn hóa và du lịch. Nếu các nhà nghiên cứu có trách nhiệm thì chúng ta đã không mất đi nhiều di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa vật thể trong vòng hai thập kỷ qua. Nhưng đó là câu chuyện dài, lúc khác chúng ta sẽ trao đổi. Bây giờ, chúng ta sẽ trở lại câu chuyện. Thưa ông, theo ông, chúng ta cần nhận thức về mối quan hệ này như thế nào để vừa bảo vệ, bảo tồn được các giá trị, bản sắc văn hóa, vừa phát huy được giá trị của nó vào cuộc sống, cụ thể là làm nền tảng cho phát triển du lịch văn hóa?

 

TS Trần Hữu Sơn: Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là mối quan hệ cơ bản trong phát triển. Các giá trị văn hóa cần phải được phát huy, đưa vào cuộc sống và tạo ra được những giá trị mới cho người dân. Do vậy nên từ bản sắc văn hóa, tọa ra được sản phẩm văn hóa hợp lý và hấp dẫn là yếu tố cơ bản để phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, không phải phát triển du lịch bằng mọi giá, xem du lịch là con gà đẻ trứng vàng và nhà nào cũng nuôi theo kiểu công nghiệp thì không ổn. Hướng phát triển của du lịch hiện đại là phát triển bền vững: coi trọng lợi ích hiện tại nhưng phải quan tâm đến lợi ích của thế hệ mai sau, phải coi trọng và bảo tồn được giá trị của di sản văn hóa, phải hài hòa được lợi ích giữa các nhóm liên quan đến phát triển du lịch. Hiện tại, lợi ích trong du lịch chưa được phân phát hài hòa, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp, còn người dân bản địa không được hay được rất ít lợi ích nhưng lại phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ du lịch. Và phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo môi trường tự nhiên lẫn môi trường văn hóa. Muốn vậy cần phải có hành lang pháp lý hợp lý về vấn đề phát triển du lịch văn hóa và bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường.

 

PV:Bên cạnh tài nguyên, sản phẩm, Du lich văn hóa muốn thành công, phải có được các giá trị văn hóa: Văn hóa du lịch. Hình như văn hóa du lịch của chúng ta, với tư cách là bên cung cấp sản phẩm, và cả tư cách là du khách, đều đang có nhiều hụt hẫng, chưa phù hợp với các tiêu chí của một nền du lịch theo tiêu chí phổ quát trên thế giới hiện nay. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

 

TS Trần Hữu Sơn: Xây dựng văn hóa du lịch là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của du lịch. Và đó là yếu tố nền tảng đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững. Muốn xây dựng văn hóa du lịch cần làm nhiều thứ. Trước hết là xây dựng văn hóa ứng xử trong du lịch: Người dân là chủ thể thì phải tự tin, ứng xử hài hòa, thân thiện để đón khách, tiếp khách và giữ khách. Tức là xây dựng mối quan hệ bền vững, lâu dài để khách còn quay lại, còn gặp lại. Người tham gia làm du lịch cần phải văn minh lịch sự, luôn biết xin lỗi, cảm ơn và tôn trọng khách. Hiện tại văn hóa ứng xử đang có vấn đề, vẫn còn phổ biến tình trạng người dân xa lánh du khách, người bán hàng chặt chém nâng giá với du khách... những ứng xử mang tính ngắn hạn, chỉ cố kiếm tiền trong một lần gặp khách. Không chỉ chấn chỉnh, xây dựng văn hóa ứng xử mà còn tiến tới xây dựng văn hóa ứng xử mang tính đặc trưng cho từng sản phẩm du lịch, từng vùng du lịch từ cách chào hỏi, cách giới thiệu.... Một vấn đề quan trọng nữa là xây dựng văn hóa liên kết hợp tác trong phát triển du lịch. Du lịch là ngành liên quan đến rất nhiều ngành khác và phát triển du lịch bền vững là xây dựng mối liên kết bền vững giữa nhiều ngành, nhiều người liên quan đến hoạt động này. Hiện tại Việt Nam đang yếu trong khâu liên kết các ngành để phát triển du lịch. Ví dụ, khi muốn thu hút khách đến một sự kiện du lịch thì các ngành giao thông có thể giảm giá nhưng tăng chuyến, các dịch vụ đi cùng cũng phải được tăng cường, khách sạn có thể giảm giá phòng, nhà hàng có thể giảm giá ăn... để tăng thu nhập từ việc phục vụ nhiều khách chứ không phải là tăng giá nhân dịp sự kiện để chặt chém du khách.

 

PV:Để kiến tạo được các giá trị văn hóa ngay trong quá trình hoạt động du lịch, nói cách khác là để tạo lập được nền tảng văn hóa du lịch, theo ông, chúng phải làm những gì, và phải bắt dầu từ đâu?

 

TS Trần Hữu Sơn: Tôi nghĩ, trước hết phải bắt đầu từ cải cách thể chế, chính sách. Rất cần xem xét và sửa lại luật du lịch theo hướng phát triển du lịch bền vững, chấm dứt tình trạng phát triển du lịch ăn xổi, ngắn hạn làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa và hình ảnh dân tộc, con người Việt Nam. Công tác nhân sự cũng phải thay đổi, có cơ chế để thu hút được những người có năng lực, có tâm huyết tham gia vào phát triển du lịch, bổ nhiệm những người có kiến thức về du lịch để quản lý các địa phương có ngành du lịch phát triển. Những người quản lý du lịch cũng cần lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong việc hoạch định phát triển du lịch bền vững. Và những người quản lý, bộ máy quản lý phải tạo được niềm tin, truyền được cảm hứng để người dân tăng cường ý thức khi tham gia phát triển du lịch. Cần có những cách thức giúp đỡ để người dân nâng cao nghiệp vụ du lịch của chính họ khi tham gia vào phát triển. Người dân là người trực tiếp quan hệ với khách du lịch, là chủ thể của văn hóa nên cũng cần phải năng động, sáng tạo nhằm đáp ứng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho du khách. Và, cần phải có cơ chế đảm bảo sự hài hòa trong phân chia lợi ích giữa các ngành liên kết, giữa doanh nghiệp với người dân và ban quản lý di sản văn hóa.

 

PV:Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm hoạt động du lịch nói chung, du lịch văn hóa và xây dựng văn hóa du lịch của các nước trong khu vực và thế giới như thế nào?

 

TS Trần Hữu Sơn: Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã chứng minh rằng dù điều kiện của họ có thể không thuận lợi bằng Việt Nam nhưng với định hướng phát triển hợp lý và sự sáng tạo họ đã xây dựng ngành du lịch văn hóa phát triển bền vững. Chúng ta cần đi ra tham quan và học hỏi những cách làm du lịch của họ. Ví dụ học cách liên kết các ngành trong phát triển du lịch của Thái Lan bởi nhiều năm qua họ đã phát triển du lịch rất mạnh nhờ vào sự liên kết nhiều ngành với nhau và phát huy được thế mạnh tổng hợp của họ vào phát triển du lịch. Việc khai thác di sản văn hóa và sáng tạo sản phẩm du lịch hiện nay thì Hàn Quốc, Lào, Campuchia cũng hiệu quả hơn Việt Nam nên chúng ta cũng cần học hỏi. Một điều tôi quan tâm khác là học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong nước. Những mô hình như phát triển du lịch ở Đà Nẵng hay ở Hội An trong mấy năm qua rất đáng để xem xét và trao đổi kinh nghiệm. Nhưng ở nước ta, mỗi địa phương luôn mang tính tự ti, tự phụ, không muốn đi học địa phương khác vì nghĩ như vậy là mình kém, phải đi học từ nước ngoài thì mới là phát triển. Đó cũng là tư duy lạc hậu, kiềm hãm sự phát triển.

 

PV:Hiện nay ở nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp lại các cơ quan quản lý du lịch theo hướng tách Du lịch thành một sở riêng, sở Du lịch. Đã nhiều năm giữ cương vị giám đốc sở VHTTDL của một tỉnh có hoạt động du lịch khá phát triển, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

 

TS Trần Hữu Sơn: Cần phải nói rằng, tách nhập các cơ quan quản lý hành chính lẫn chuyên môn đều làm xáo trộn, mất ổn định và hạn chế sự phát triển. Và nếu làm ồ ạt thì nguy cơ thất bại càng cao. Bước đầu nghiên cứu và thử nghiệm tách ngành du lịch ra thành sở riêng ở một số địa phương có kinh tế du lịch phát triển mạnh có thể chấp nhận được bởi đó là những nơi mà cán bộ và người dân đã có kinh nghiệm trong làm du lịch. Nhưng vì mới thực hiện nên chúng ta chưa đánh giá được hết hệ quả của nó. Tôi nghĩ cần dừng lại để có thời gian kiểm định, đánh giá hiệu quả rồi mới tính đến bước tiếp theo. Tránh vì những lợi ích cá nhân hay nhóm mà làm ngược lại sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch nói riêng và đất nước nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông về những ý kiến trao đổi này!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114514419

Hôm nay

220

Hôm qua

2263

Tuần này

220

Tháng này

212358

Tháng qua

121009

Tất cả

114514419