Đất và người xứ Nghệ

Miền Hạnh Lâm một thời chưa xa (kỳ I)

Thanh Chương không chỉ là vùng đất " địa linh nhân kiệt" mà còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Ảnh Huy Thư

Miền Hạnh Lâm, trên núi dưới sông, cánh rừng già quanh năm mây mờ bao phủ. Dãy Dăng Màn (Trường Sơn), hòn Đại Can lên khe Thác Liếp liền với cánh rừng Pù Mát là chốn nương thân lý tưởng của các loài dã thú: voi, bò tót, hổ, báo, gấu, hươu nai, lợn rừng, chó sói…. Voi đàn thỉnh thoảng kéo nhau ra đồng điền trang trại, từ Trại Chè đến Lạc Sơn, Hòa Mỹ kiếm ăn, phá phách. Thời chưa có luật cấm, người quản trang của trại Bà Án (Đồn điền Chavagne) và sau này, vào những năm 50 của thế kỷ trước, các tay súng săn kỳ cựu của Hạnh Lâm đã bày ra nhiều cách săn voi độc đáo: ‘Bắn xuyên tai’; Bắn quỵ 1 đầu gối trước để chúng không dìu đi được, cả đàn bỏ chạy...

Dãy lèn Yên Sơn hùng vĩ với những hang động thông thiên mờ ảo; Những gốc cây khẳng khiu tán lá xum xuê bám chặt vào hốc đá và những chùm phong lan đung đưa bên vách đá là nơi trú ngụ sinh sôi các loài dơi, lũ khỉ.

Nối với cánh rừng xanh đại ngàn là những quả đồi úp bát nối nhau ra tận bờ sông, xen giữa là những ngôi làng được bao bọc bởi những lũy tre xanh, những lùm cây cỏ dại, chạc chìu, mây gai đan nhau ken chật, nơi các loài chồn cáo, trăn rắn và các loài chim chóc khu trú phát triển.

Tảng sáng, khi gà vừa gáy tan thì một dàn hợp xướng đủ mọi giọng ca của chích chòe, cà cưỡng, sáo sậu, chàng làng… thi nhau hót vang. Mặt trời lên độ vài con sào, chúc mào ranh mãnh, bắt nhái cắm cọc rào, rỉa cho nhái éo, bắt chước giọng nhái kêu, rồi lại nhại tiếng hót của các loài chim quen thuộc khác. Một luồng gió hút theo cánh quạ vút qua hoặc nghe tiếng sáo diều từ trên vòm trời vọng tới, đàn gà con chạy ùa về núp dưới cánh gà mạ, tránh diều hầu, quạ đen lao xuống bắt. Vào mùa thu hoạch ngô bãi, hay vào dịp Tết mổ lợn, bê cả mớ lòng tạp ra sông “làm lòng”, lũ trẻ phải cầm roi canh, phòng khi quạ bay trên cao lao xuống, tha cả bông ngô hay cả khúc ruột già vừa đặt xuống bay vút lên không trung....

Những con chích chòe hay nhảy nhót, học bài: “Kim kim/nhật nhật/bất khả tri tri dã!”, một câu trong sách, có nghĩa là “Việc hôm nay chưa biết thì lo mà học, sẽ biết”;

Tiếng chim đa đa kêu: “Tách - tách - tách ta ta!”. Các cụ bảo, ấy là câu: “bất thực cốc Chu gia”, nói về sự tích “Hai anh em Bá Di, Thúc Tề trung thành với Nhà Thương (khoảng 200 năm trước công nguyên, thà chết không ăn lúa Nhà Chu, nghĩa là không đầu hàng quân cướp nước).

Ngày trước các cụ thường dạy con cháu bằng cách gắn sử sách với hiện tượng tự nhiên, như thế để học trò dễ nhập tâm.

Những con sáo hót vang mà mỗi khi chúng sà xuống ruộng tắm là y như rằng, trời mưa. Chả thế mà các cụ thường bảo “Ác (con quạ khoang cổ) tắm thì ráo, tráo (con chim sáo) tắm thì mưa”.

Mùa én về, trên các ngọn cây cao, nhà nào nhà nấy, nối cây sào dài, dựng lên cao vút, chót vót ngọn cắm những que bọc nhựa tính, làm gièo nhử. Hễ con nào mỏi cánh, sẵn gièo sà xuống đậu, khi đập cánh toan bay là dính nhựa rơi xuống, trẻ ùa ra bắt gọn. Đêm ngủ, tai vẫn nghe “choanh choách” tiếng đàn chim én vang trời.

Nhất là mùa mưa lụt, nước ngoài đồng dâng lên, lúa bông vừa chắc xanh, chim chèo bèo “cắt cánh kéo” tranh nhau lao xuống đớp mồi, dính bẫy của lũ trẻ khôn khéo buộc những con dế cánh vào đầu nhành lúa uốn cong tẩm nhựa, nhử.

Chim chóc nhiều là thế, từ bìm bịp đến chào mào… đủ thứ, mà nay, có lẽ là từ những năm 80 của thế kỷ 20, những loài chim vốn rất thân thiết với các miền quê, thưa dần rồi vắng hẳn. May mà, khu rừng Pù Mát đang còn đó, là nơi trú ngụ, duy trì giống nòi của chúng.      .  

Một dòng sông Giăng trong xanh; những lũy tre xanh, những hàng cau thẳng tắp, những bãi dài xanh mướt ngô khoai; Và cả những thuần phong, hương ước; những sự kiện lịch sử náo động hương thôn... đang neo đậu trong tâm hồn quê: Một thời chưa xa........

Hạnh Lâm hương ước

Nói chung, dưới thời nhà Nguyễn, chức sắc các xã và làng (biệt trên) đều do dân đinh bầu chọn. Dân đinh là những người thuộc nam giới đủ 18 tuổi trở lên, có thẻ căn cước, hàng năm phải nộp thuế thân, thực hiện các nghĩa vụ việc làng, việc nước theo quy định và có quyền bỏ phiếu (tục gọi là bỏ trù) bầu chọn Lý trưởng và Phó Lý trưởng. Sau khi được bầu, Chánh tổng thừa nhận và trình danh sách lên huyện. Huyện cấp bằng Thí sai (giai đoạn thử việc). Mãn hạn thí sai, nếu không có gì khiếm khuyết sẽ được bổ nhiệm Chánh Lý trưởng. Lý trưởng có con dấu bằng gỗ, hình vuông khắc chữ triện, in dấu bằng mực tàu màu đen. Giúp việc Chánh Phó lý trưởng còn có ngũ hương: Hương bộ, coi việc sinh tử giá thú; Hương kiểm, coi việc an ninh, trật tự tư pháp (Hương kiểm Hạnh Lâm còn được Tổng giao kiêm lý các bản ở thượng nguồn, có ngựa và viên hầu cận); Hương bản, coi việc sổ sách tài chính, quỹ; Hương mục, coi việc đê điều, cầu đường, phu đài tạp dịch; Hương dịch, coi việc tế lễ kỳ yên, hàng năm ở đình, đền.

Vào những năm cuối của triều Nguyễn, còn có nhân viên coi về sát sinh và thú y, lập thành lục hương. Mỗi khi trong làng xã có việc lớn như tế kỳ yên hay tấu trình, trong văn tế hay tờ trình đều ghi tên Hội đồng thân sắc kỳ hào đại diện cho dân. Danh sách ấy được xếp theo thứ tự: Thân, Sắc, Kỳ, Hào.

Thân, các vị trưởng lão có danh vị, có uy tín trong làng xã. Đứng đầu trong danh sách gọi là Thủ chỉ.

Sắc, người có Sắc phong.

Kỳ, các vị có học thức, có uy tín.

Hào, gồm các vị đương chức hay đã nghỉ hưu (thường thì các vị hưu trí có uy tín đã có trong danh sách 1).

Vào cuối TK 19, theo sách “Từ Hàn”, từ thời Đồng Khánh (1885-1888) đã có văn bản hướng dẫn về việc “Bầu - Bán chức” chức danh từ Lý trưởng trở xuống. Giá bán các chức danh này do Hội đồng thân hào ấn định. Số chức danh dự định bán tùy thuộc chi phí vào các công trình như tu tạo đền miếu, cầu cống, đường sá… và còn dùng tiền để cứu đói hoặc bù sưu thuế khi dân đinh đói khổ tha phương cầu thực không thể truy nộp. Đối với từng vụ việc đều được lượng hóa bằng tiền, lập văn bản theo mẫu “Từ Hàn”. Các chức danh mua được đều gắn thêm chữ “mại” như Lý mại, Cửu mại, Tú mại… Đối với chức “mại”, “hàng năm tới kỳ dự hội được mời ra đình làng, xếp theo hàng chức sắc. Xã dân không dám sai hương ước” song không có quyền hành nào cả.

Huyện, tổng có bán chức “Ký”, cũng mua nhưng không đệm từ “mại”. Bởi đây là “ký danh”, nghĩa là ghi tên dự tuyển vào chức tri huyện, chánh tổng. Ấy là một quy trình, song nhiều người mua chỉ để “chẳng ai khinh”:

“Tổng bán ta mua chức Ký danh/Đi xuôi về ngược chẳng ai khinh…”.

(Thơ Cụ Thàng, viết năm 1934. Nxb Nghệ An, 2000)

Tuy Hạnh Lâm thời ấy là xã lớn gồm 2 làng 6 giáp cũng chỉ có: 1 Lý trưởng, 1 Phó Lý trưởng, 1 hương bộ, 1 hương kiểm. Và việc mua bán chức danh chỉ diễn ra tới chức “Cựu lý trưởng” trở xuống.

Các làng: Nhuận Trạch, Yên Lạc, Nguyên khiết mỗi làng chỉ có: 1 Lý trưởng, 1 Hương bộ. Dân quen gọi là ông Lý, ông Bộ.

Ở các nậu (tên chữ là giáp), có tri nậu hoặc khán giáp thừa hành các việc do hương lý sai phái. Việc tuần hành trông coi hoa màu ở đồng điền, mỗi nậu có “một nậu tuần” đảm nhiệm. Đến mùa thu hoạch, nậu theo đầu sào, thu lệ phí bằng thóc hoặc bằng hoa màu của đám ruộng đất. Đối với hoa lợi công cộng như măng tre trong từng lũy tre làng, như cau buồng trên hàng cau Đền, cau Hội trồng trong vườn Đền hay dọc đường làng, nậu trông coi và thu phí theo khoán ước. Vậy mới có chức danh “Thủ khoán” và mới có câu tục ngữ: “Cha giữ khoán, con bẻ măng”, để chỉ loại người lạm dụng chức vụ, dung túng cho người nhà làm bậy.

Cũng theo cách này, chi trả tiền công hàng năm cho thợ cúp (cắt) tóc, sang đò ngang, cắt chấu liềm, mài “gang” lưỡi cày, lưỡi cuốc, v.v… đều đến mùa vào từng nhà thu khoai, lúa. Năm mất mùa, thợ cúp tóc, thợ rèn, ông lái đò cũng chịu thất thu với dân cày. Về mức sống xã hội của dân ta dưới thời phong kiến rất thấp, đến nỗi một số người đã phải tha phương cầu thực.                        

                                                       *

                                               *             *

Hạnh Lâm trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Vào những năm đầu thế kỉ XX, vấn đề chấp chiếm ruộng đất công đã trở nên vô cùng gay gắt ở nông thôn Nghệ Tĩnh.

Năm 1921, tên Chapagne cướp đoạt cả vùng đất màu mỡ Lạc Sơn lập đồn điền. Năm 1923, tri huyện Nguyễn Khoa Nghi cho Nguyễn Trường Viễn, tức Ký Viện, mở đồn điền, mộ phu khai thác đá vôi ở lèn Yên Lạc (tên cũ, trong Thanh Chương huyện chí, là Môn Trang). Trong khi khai thác đã nung vôi, phát hiện có quặng phốt phát chất lượng cao, hắn khai thác cả nguồn tài nguyên này, đưa về Bến Thủy, chế biến phân bón. Làm ăn phát đạt, năm 1928, hắn bắt đầu rải đá đoạn đường từ chân lèn ra bờ sông, trên bến Lò Vôi, làm đường chuyên dùng chuyển quặng.

Làm đường xong, hắn yết bảng cấm không cho dân qua lại con đường độc đạo lên vùng bãi trên, bãi chè… dải đất phù sa phì nhiêu và vùng thượng nguồn, lâm thổ sản dồi dào. Con đường làm ăn, từng nuôi sống Nhân dân lao động Hạnh Lâm và vùng phụ cận, bị chúng ngăn chặn. Không cam chịu, hắn treo bảng hôm trước thì hôm sau nhân dân đạp nát, lấy đường đi lại. Hắn cho tay chân ra chặn đường, cướp dụng cụ, đánh què chân trâu bò của dân. Các vụ xô xát xảy ra hàng ngày. Bà con kéo đến ngày càng đông, chúng tạm thời hạ bảng, cho thông đường. Nhưng sau đó, dựa vào thế lực của bọn quan lại, hắn xin mở rộng đồn điền, nạo vét lòng sông để đưa ca nô lên chở quặng. Được tri huyện cho phép, hắn khai khẩn 4km2 đất, lấy 3 hòn lèn đứng sừng sững trước cửa đại ngàn làm trung tâm. Thế là, chẳng những đường đi, mà cả vùng đất của làng Yên Lạc và một phần Hạnh Lâm lọt vào tay của Ký Viện. Nỗi uất ức của dân chúng lên cực điểm. Bị dân thúc ép, hào lý Hạnh Lâm phát đơn kêu kiện lên triều đình Huế, nhưng vô hiệu. Được thể, hắn càng làm già. Trước tình hình ấy, dựa vào chủ trương của Huyện ủy, ngày 27/4/1930, một cuộc họp quan trọng tại Hạnh Lâm do Tổng ủy Cát Ngạn triệu tập đã bàn kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5 và phát động quần chúng đấu tranh đòi Ký Viễn trả lại ruộng đất và đường đi cho Nhân dân.

Theo đó, những chiếc gươm gỗ thờ thần được Nông hội Hạnh Lâm đưa ra làm vũ khí thị uy bọn cường hào gian ác. Gươm được cắm trước cửa nhà bọn chúng. Gươm còn được buộc chéo dưới những gốc cây cao có treo cờ búa liềm (cây bàng Chợ Tán, cây đa chùa Long Vân Hội, cây nhãn chợ Đồn…), bên cạnh viết thêm dòng chữ: “Từ hào mục chí thứ dân, không ai được hạ cây cờ này”.

Từ 2 giờ sáng ngày 01/5, sau hồi trống phát lệnh tại đình làng Hạ của Nguyễn Đình Sòng, Bí thư của chi bộ đầu tiên của huyện Thanh Chương, một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình, tiếng trống ngũ liên ở các làng xã vùng ven sông Giăng vang lên cùng tiếng rao làng: “Hỡi những ai con Lạc cháu Hồng, sáng mai nghe trống ngoài đình, đi biểu tình cho sớm!”.

Đình làng Thượng - một trong những địa điểm diễn ra các cuộc biểu tỉnh mạnh mẽ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) ở Thanh Chương. Ảnh Huy Thư

Ngày 01/5/1930, hàng ngàn nông dân các làng Hạnh Lâm. La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc, Cao Điền, Đức Nhuận… mang theo giáo, mác, cuốc, cào… kéo về đình làng Hạ, nghe đại biểu Huyện ủy nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 01/5 và vạch tội tên địa chủ kiêm tư sản Nguyễn Trường Viễn. Sau đó, những người dự mít tinh chia làm 2 đoàn kéo vào đồn Ký Viễn (Viện). Hắn hoảng sợ bỏ trốn. Đoàn biểu tình triệt phá toàn bộ cơ ngơi của hắn tại đây. Sau tiếng nổ vang trời phát ra từ kho mìn, nhà cửa, chuồng trâu, kho tàng của đồn điền chìm trong khói lửa. Ngọn lửa Hạnh Lâm bùng cháy, nổ ra đồng thời với cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thủy, mở đầu cao trào quần chúng đấu tranh của buổi bình minh Xô Viết - Thanh Chương và cũng là mốc mở đầu cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Nghệ Tĩnh.

Thừa thế, đoàn biểu tình kéo xuống Lạc Sơn, đồn điền Chapagne. Chủ vắng mặt, tên quản lý đặt hương án, bày trầu cau đứng đợi và bái tạ nông dân, xin trả lại con đường vào rừng, qua địa phận đồn điền, để Nhân dân qua lại làm ăn, xóa bỏ lệnh bắt rồi chiếm đoạt trâu bò của dân mỗi khi lạc vào rừng của chúng.

Trước thái độ “tỏ ra biết điều” của bọn này, đoàn biểu tình không xông vào đập phá nhà Tây, tiếp tục kéo về làng.

Về tới địa đầu của xã, cụ Hội Tiêng, nhà điền chủ ở đây cũng đã bày hương án, trầu, nước… nghênh tiếp, bái phục nông dân. Xin trả lại số ruộng Bàu mà trước đó họ đã bao chiếm.

Sáng ngày 02/5, trong cuộc mít tinh của 500 quần chúng Hạnh Lâm đang tiến hành tại đình làng Hạ thì một chiếc máy bay của thực dân Pháp từ Vinh lên, lượn một vòng rồi chuồn thẳng.

Sáng 3/5, bọn thực dân Pháp và tay sai bắt đầu cuộc đàn áp. Chúng huy 100 lính khố xanh ở Vinh và lính các đồn từ Thanh Quả lên; từ Đô Lương sang, Con Cuông xuống đóng chốt ở đình Làng Thượng và nhà Chánh Tổng, gần đó.

Theo Hồi ký của Nguyễn Thế Lâm(1), diễn biến của sự kiện “Lửa Hạnh Lâm, ngày 01/5/1930” phong trào quần chúng nổi lên, vượt ra ngoài dự tính và “chủ trương của thượng cấp”:

“Hôm họp bàn về cuộc kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, cả tổng Cát Ngạn mới có 5 chi bộ ghép. Riêng chi bộ Hạnh Lâm đã có gần chục đảng viên và ba chục hội viên nông hội. Cuộc họp cũng chỉ có tám chín người dự thôi.

Sau khi giải thích về ý nghĩa ngày kỷ niệm, tôi phổ biến chủ trương của thượng cấp là:“Nơi nào có điều kiện thì vận động quần chúng biểu tình dựa yêu sách đòi tăng lương, bớt giờ làm và đòi giảm sưu thuế. Những nơi chưa có điều kiện thì tổ chức treo cờ rải truyền đơn cổ động quần chúng hưởng ứng…” Tôi vừa nói tới đó, đồng chí Nguyễn Đình Sòng, Bí thư chi bộ Hạnh Lâm, ngắt lời hỏi ngang:

- Ký Viện bấy lâu nay ức hiếp Nhân dân, ta có được vận động quần chúng biểu tình không ạ?

Nghe vậy, cả hội nghị nhốn nháo tỏ vẻ đồng tình… Tôi quay sang hỏi ý kiến anh Bình. Suy nghĩ một lúc, anh Bình nói:

- Các nơi thì không rõ, riêng ở đây nên cho quần chúng biểu tình. Có nhiều ý kiến trao đổi nhưng chúng tôi chỉ hướng vào hai khẩu hiệu chính, (tức hai yêu sách):

Một là: “Mở đường cho Nhân dân vào rừng làm ăn”.

Hai là: “Không được lấn chiếm ruộng đất và ức hiếp Nhân dân”

Thống nhất được khẩu hiệu rồi, nhưng đấu tranh bằng cách nào? Có đồng chí đề nghị kéo quần chúng vào đưa yêu sách, bắt nó nhận. Một đồng chí khác hỏi lại:

- Đưa yêu sách mà hắn không ký nhận thì làm sao?

- Hắn không nhận mà được ạ?

- Không nhận thì vít cổ nó xuống đánh cho một trận, sợ đếch gì?

Kéo riêng anh Bình ra ngoài, tôi hỏi “nên thế nào”. Trâm ngâm suy nghĩ một lúc, anh nói một câu chữ Hán: “Áp lực dụ trọng, động lực dụ đại”. Nghĩa là: Áp lực càng lớn nặng thì động lực (sức bật) càng lớn.

Sợ không kiểm soát được tình hình, bàn mãi chưa tìm ra phương án thích hợp, cuộc họp tạm dừng, tôi về xin ý kiến Huyện ủy.

Huyện ủy phấn khởi nhất trí với chủ trương vận động quần chúng biểu tình đưa yêu sách. Và dặn:

- Nên khuyên các đồng chí, cuộc này chưa được thì làm cuộc khác, không nên sốt ruột. Nếu để quần chúng đốt phá đồn điền sẽ xẩy chuyện to.

Từ tối ngày 29 tháng 4, Sòng đã cho treo cờ, rải truyền đơn. Dọc đường liên hương từ Hạnh Lâm đến đồn Ký Viện, anh cho treo 3 cây cờ lớn trên 3 cây cổ thụ (Cây bàng Chợ Tán, Cây đa Chùa Long Vân, Cây trôi chùa Cúc Hoa) dưới gốc có buộc chéo 2 thanh gươm gỗ thờ thần, rồi đính vào đó cái bảng với dòng chữ: “Từ hào mục đến thứ dân không ai được hạ cây cờ này”… Lá cờ búa liềm phất phới tung bay suốt ngày này qua ngày khác như vẫy gọi quần chúng vùng dậy đấu tranh.

… Tối 30 tháng 4, các xóm đều có tiếng mõ rao:“Hỡi ai con Lạc cháu Hồng, sáng mai nghe trống ngoài đình, ra đi biểu tình cho sớm…

Gà gáy lần thứ hai, tôi và anh Bình, từ Văn Chấn, vừa sang đến địa phận Hạnh Lâm đã thấy quần chúng kéo đi đông nghịt, mọi người mang theo vồ, búa, giáo mác. Lên đến đình Làng Hạ, họ tập trung nghe diễn thuyết, rồi kéo cờ búa liềm đi.

Đường chật, người đông, càng đi càng bị nghẽn. Đến quá đình làng Thượng, cách đồn điền Ký Viện khoảng 2 cây số, bỗng nghe tiếng nổ. Tiếp theo là tiếng vỗ tay reo hò dội vào vách đại ngàn rền vang rung trời chuyển đất, nghe rợn cả người. Hai anh em chúng tôi bảo nhau:

- Lỡ chuyện rồi.

Hai giờ chiều hôm sau, tức ngày 2-5-1930, dân chúng lại từ các ngả kéo về đình Làng Hạ để dự mít tinh. Không ngờ quần chúng đi đông đến thế. Sân đình không đủ chỗ, bà con đứng tràn cả mặt đường. Họ leo lên cả bờ rào để nghe.

Mọi người đang lắng nghe diễn thuyết, một chiếc máy bay chuồn chuồn (bốn cánh) lù lù, là sát ngọn đồi, ngọn cây, tiến về phía quần chúng đang tập trung. Bà con nhốn nháo, tôi vẫn đứng trên hương án, kêu gọi bà con bình tĩnh.

Qua đình làng Hạ, nó bay lên đồn điền rồi đi chệch về hướng Nam, chuồn về Vinh. Chờ ngớt tiếng máy bay, tôi tiếp tục:

“Đồng bào thấy chưa? Đế quốc Pháp hùa theo Ký Viện. Thế nào bọn chúng cũng lên khủng bố và tra hỏi đồng bào: Ai chỉ huy phá đồn điền Ký Viện? Và chúng ta trả lời thẳng với chúng: “Ký Viện hiếp dân quá chừng, không chịu nổi, dân rủ nhau đến phá…”

Cuộc biểu tình giải tán, mọi người rạo rực ra về…

Sáng 3 tháng 5, dọc đường từ Hạnh Lâm về cơ quan Huyện ủy ở Võ Liệt, vẫn còn truyền đơn rải rác và đâu đâu cũng râm ran bàn tán về câu chuyện “Phá trại Ký Viện”…

Sáng 4 tháng 5, tri huyện Thanh Chương dẫn toán lính khố xanh ở đồn Thanh Quả ngược theo sông Giăng, lên đóng đồn ở đình làng Thượng. Cách 2 giờ sau, từ phía Con Cuông, tri phủ Anh Sơn cùng lính khố xanh Đô Lương kéo xuống đóng ở đình Yên Lạc. Khoảng 3 giờ chiều, lại một toán lính Pháp và lính khố xanh đi tắt từ Bồ Lư sang. Toán này do Thượng tá Hồng Quang Địch chỉ huy, đi từ Vinh lên. Toán quân của Hồng Quang Địch vừa đến nơi, bọn chúng thổi kèn tập hợp. Cả 3 toán đều tập trung về đình làng Thượng.

Đình làng Thượng có bốn ngôi nhà tranh. Tòa thượng 3 gian, xung quanh xây tường và đóng cửa phìa trước. Tòa hạ 5 gian để trống và thông với tòa thượng. Hai nhà tả hữu vu, mỗi nhà 3 gian. Tất cả bọn quan và lính đều sắp chật ních trong 4 ngôi nhà này. Không đủ chỗ bọn chúng xếp đồ thờ về một góc rồi tháo cánh cửa, tháo bàn thờ, trải chiếu bạt ra nền đình để nằm. Súng trường, súng cối xay dựng ngổn ngang. Đình làng Thượng bỗng nhiên thành trại lính.

Bọn chúng vừa đến thì dân các ngả lũ lượt kéo tới. Thấy dân kéo tới mỗi lúc một đông, cả quan lẫn lính nhớn nhác trong đình. Hồng Quang Địch hốt hoảng hô lính dàn xung quanh bảo vệ; Tri phủ Anh Sơn đứng sững trong đình; Tri huyện Thanh Chương đi đi lại lại trước cổng đình xua dân về. Nhưng dân cứ đẩy nhau vào đứng chật sân đình. Hồng Quang Địch ra lệnh cho lính dùng báng súng cản lại. Sân đình trở nên nhốn nháo. Hồng Quang Địch đứng trên thềm, tay chống nạnh, tay giơ súng dọa. Quan một điều, dân một điều đấu khẩu.

Thấy tên Hồng Quang Địch đổi sắc mặt, tri huyện Thanh Chương, khẩn khoản:

- Các quan mới đến còn mệt, chờ đến sáng mai..

Tối hôm ấy, bọn lý hào đưa xôi thịt đên bái hạ, theo như lệ xưa. Bọn chúng nạt om sòm rồi đuổi gánh xôi thịt về.

Sáng hôm sau, tức sáng ngày 5-9, chúng đánh trống đòi hào lý đến. 9 hào lý Hạnh Lâm và lý trưởng Yên Lạc vừa bước vào đình, bọn chúng liền sai lính trói nghiền tất cả lại rồi đưa vào giam trong tòa thượng.

Nghe tin hào lý bị bắt, cán bộ nổi trống lệnh tập trung dân, Sân đình chật ních, dân đứng cả ra đường.

Một lần nữa đôi bên đấu khẩu với nhau mãi. Mặt trời đã đứng bóng, mặc cho chúng hết dọa nạt đến dụ dỗ, dân vẫn không chịu ra về và một hai đòi thả hào lý. Cuối cùng, Hồng Quang Địch dọa bắn.

Từ phía sau, ông Trần Văn Uy, người Lương Điền, đảng viên, lách lên, giật áo phanh ngực:

- Đây, bắn đi!(2)

Số bà con đứng cạnh làm theo. Địch hô bắn. Súng nổ, một loạt nổ lên trời. Phía sau có tiếng la lớn:

- Bà con cứ đứng yên, đừng có sợ. Hắn có giỏi cứ bắn chết cả làng luôn!

Một loạt đạn xuyên thẳng về phía có tiếng lạ. Trong sân, ngoài đường thét la nhốn nháo. Tri huyện Thanh Chương hốt hoảng chạy tuột vào trong. Hồng Quang Địch hô lính bắn cuống quít. Bọn chúng bắn xối xả như vãi đạn. Bên trong có người chạy ra, bền ngoài lại có người trườn tới.

Nhân lúc hỗn loạn, bọn chúng thổi kèn ra lệnh rút quân. Đến chợ Tán, thấy lá cờ búa liềm đang bay phất phới trên ngọn cây bàng, bọn chúng sai lính trèo lên lấy. Tới nơi, thấy 2 cây gươm đang buộc chéo dưới gốc, bọn lính thụt lui. Chưa hiểu đầu đuôi ra sao, Hồng Quang Địch hô lính dàn ra xung quanh, rồi thúc lính trèo lên lấy. Hạ được cờ, bọn chúng cho lính đi dọc sông Giăng bắt hàng chục chiếc thuyền chài chở về xuôi.”

… Tính ra hôm đó có tới mười bảy người chết và mười tám người bị thương.

Sau vụ tàn sát này là cuộc ráo riết lùng sục, bắt bớ, tù đày, bắn xâu táo một lúc nhiều người để đàn áp phong trào. Ở Hòa Mỹ, trên một mảnh ruộng mầu hẹp, trước cửa đền Hòa Mỹ Hạ, chúng bắn một lúc 5 chiến sĩ cách mạng vào ngày 23/01/1931 (tức 05/12/Canh Ngọ): 1, Trần Văn Trân, 1908; 2, Nguyễn Văn Trử, 1905; 3, Trần Văn Tỵ, 1904; 4, Trần Văn Dước 1903; 5, Trần Văn Quỳnh, 1906. Riêng cụ Trần Văn Trược, thân sinh của hai đồng chí Dước và Quỳnh, bị chúng bắt đi an trí đến chết.

Cảm kích trước những tấm gương oanh liệt của các chiến sĩ và đồng bào Hạnh Lâm bị chúng tàn sát trong vụ đấu tranh đầu tháng 5, ngày rằm tháng Bảy Nhâm Ngọ (tức ngày 7/9/1930, 6 ngày sau, ngày 01/9/1930, ngày nông dân các tổng Cát Ngạn, Đại Đồng, Võ Liệt, Xuân Lâm, Bích Hào đồng loạt kéo về đánh phá huyện đường, hỏi tội tri huyện, lập nên sự kiện: “01/9 ngày Xô Viết Thanh Chương”, tại ngôi chùa Cúc Hoa(3) tọa lạc trên khu đất giáp ranh giữa làng Thượng và làng Hạ của xã Hạnh Lâm, Nhân dân địa phương có sự giúp sức của các chí sĩ yêu nước các tổng đã lập đàn truy điệu các liệt sĩ. Tại buổi lễ này, ban hành lễ đã bài văn tế: “Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm” do Cụ Giải nguyên Nguyễn Văn Chính (4) phụng soạn.

Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm chẳng những có lời thơ hùng tráng, tứ thơ linh sảng, nghe như hơi thở của các nghĩa sĩ trận tiền thuở ấy, mà còn là một tư liệu lịch sử minh chứng lòng ngưỡng mộ, cảm phục của mọi tầng lớp Nhân dân, bao gồm cả các nhà khoa bảng, chí sĩ đương thời đối với các chiến sĩ cộng sản và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngọn lửa Hạnh Lâm bừng lên cùng lúc với cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thuỷ và cuộc mít tinh tuần hành của học sinh Trường tiểu học Pháp - Việt Thanh Chương vào sáng ngày 01/5/1930, được coi là mốc mở đầu cao trào cách mạng 1930 - 1931, Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Mặc dù bị chìm trong biển máu nhưng thành quả của cuộc đấu tranh là đã giành lại số ruộng đất bị chúng chiếm đoạt trắng trợn và từ đây bọn chúng không dám coi thường dân chúng. Tinh thần đấu tranh, hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Xô Viết là tấm gương cho các thế hệ noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Xô Viết Nghệ Tĩnh bị thất bại, nhưng đã có ảnh hưởng lớn. Tinh thần anh dũng của nó luôn luôn nồng nàn trong tâm hồn quần chúng và nó đã mở đường cho thắng lợi về sau" (Hồ Chí Minh, toàn tập - tập 6 - Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr115).

                                                                                                  (còn nữa)

_______________________

Chú thích:

1. Theo “Lửa Hạnh Lâm”, Nguyễn Thế Lâm kể, Nguyễn Đình Triển ghi, trong “NGHỆ AN ĐỎ” Tái bản - Có sửa chữa bổ sung. Nhà xb Nghệ An, 2000, tr103 đến tr 123)

2. Có ý kiến cho rằng: Câu nói này, tường thuật chưa đúng. Mà là: “Nếu các quan không thương thì cứ bắn”  

3. Chùa Cúc Hoa tọa lạc trên địa phận Làng Thượng - Làng Hạ xã Hạnh Lâm

4. Cụ Nguyễn Văn Chính, người làng Liễu Nha, nay là xã Thanh Lâm, Thanh Chương, đậu Giải nguyên năm 30 tuổi, là thân sinh của 3 anh em ông Nguyễn Côn, Chủ tịch Ủy ban KCHC huyện Thanh Chương đầu tiên, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447329

Hôm nay

258

Hôm qua

2305

Tuần này

2967

Tháng này

213588

Tháng qua

120141

Tất cả

114447329