Góc nhìn văn hóa

Giải thưởng Nobel văn chương

Chân dung Alfred Nobel

Lược sử giải thưởng Nobel

Người sáng lập: Alfred Nobel. Sinh: 21/10/1833. Mất: 10/12/1896. Nghề nghiệp: Nhà hóa học, nhà phát minh sáng chế, nhà doanh nghiệp. Nổi tiếng về phát minh thuốc nổ và nắm giữ 355 bằng phát minh khác.

Ngày 27/11/1895 A. Nobel ký bản di chúc thứ ba và cuối cùng tại Câu lạc bộ Thụy Điển - Na Uy ở Paris (Pháp). Trong di chúc đó ông viết: “Tất cả tài sản còn lại của tôi được thực hiện như sau đây: Số tiền vốn sẽ được người thực hiện di chúc đầu tư vào các nguồn an toàn và lập nên quỹ, và lợi nhuận nói trên được chia thành các giải thưởng cho những ai trong những năm trước khi nhận giải đã phục vụ tốt cho nhân loại. Lợi nhuận nói trên được chia ra làm 5 giải thưởng bằng nhau, chia ra như sau: một phần cho người có phát hiện hay phát minh quan trọng nhất trong lĩnh vực vật lý, một phần cho người có phát hiện và phát triển quan trọng nhất trong hóa học; một phần cho người có phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực sinh lý học hay y học; một phần cho người đã sáng tạo ra trong lĩnh vực văn chương tác phẩm nổi bật nhất với khuynh hướng lý tưởng hóa; và một phần cho người đã đóng góp nhiều nhất hay tốt nhất cho tình anh em giữa các dân tộc, cho sự xóa bỏ hay giảm thiểu quân đội thường trực và cho sự giữ gìn và tăng tình hữu nghị giữa các nước. Giải thưởng cho vật lý và hóa học sẽ do viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng; cho sinh lý học hay y học do viện Caroline ở Stockholm; cho văn chương do viện Hàn lâm Stockholm; và cho người đóng góp vì hòa bình do ủy ban 5 người được Quốc hội Na Uy bầu. Ý muốn của tôi là khi giải được trao không phân biệt quốc gia của người nhận, vì thế người xứng đáng nhận giải nhất sẽ nhận giải, dù cho người đó có là người Scandinavi hay không.

Theo di chúc này, Alfred Nobel để lại 31 triệu SEK (khoảng 265 triệu đô la hiện nay) làm quỹ giải thưởng. Một Quỹ Nobel được lập ra để điều hành giải. Các giải do các Ủy ban chuyên môn trong từng lĩnh vực xét trao.

Giải bắt đầu trao từ năm 1901 cho các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn chương, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển căn cứ vào Di chúc của Nobel lập thêm giải về Kinh tế. Hàng năm, từ đầu tháng 10 công bố các giải được trao. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 10/12 (ngày mất của Nobel) tại Viện Hàn lâm Thuỵ Điển. Trao giải ngày 10/12 hàng năm. Người được giải sẽ đọc một bài phát biểu gọi là “Diễn từ Nobel” (Nobel Lecture).

Giải Nobel văn chương

Giải công bố vào ngày 6/10 và trao vào ngày 10/12 hàng năm. Trong lời tuyên dương của Ủy ban Nobel sẽ có một câu ngắn gọn được rút ra làm công thức khen thưởng, nói rõ giải được trao cho tác giả này là vì cái gì trong sự nghiệp của họ.

Quá trình xét giải: từ sự giới thiệu của các nhà phê bình, học giả, nhà văn, của những người đã được giải lần trước với hàng trăm cái tên, Ủy ban Nobel chọn lọc rút lại một danh sách dài gồm 20 người có thể được trao giải. Sau đó danh sách này lại rút gọn lần nữa thành danh sách ngắn gồm 5 người có khả năng cao nhất. Từ đây Ủy ban tập trung đọc kỹ, phân tích, trao đổi, đánh giá tìm ra một ứng viên, sau đó bỏ phiếu quyết định. Khi kết quả đã có thì thư ký thường trực của Ủy ban sẽ gọi điện báo cho người được giải ở đất nước của họ.

Giải chỉ trao cho người còn sống. Nhưng nếu người được giải mất sau khi giải đã công bố và trước khi nhận giải thì giải vẫn được trao. Giải đã trao không bao giờ bị tước. Người được giải được nhận một Huy chương Vàng, một giấy chứng nhận và một khoản tiền theo thời giá lúc được trao giải (hiện nay tiền thưởng giải Nobel trung bình là một triệu đô la). Người được giải sẽ đến Stockholm - Thủ đô Thuỵ Điển nhận giải và đọc “Diễn từ Nobel” của mình. Nhưng vì những lý do khác nhau có người nhận giải song không đến Stockholm, chỉ gửi diễn từ đến nhờ đọc (Bob Dyland, 2016). Lại có người không đến và cũng không có diễn từ (Rabindranath Tagore, 1913). Rồi lại có người từ chối giải như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre (1964) vì ông không muốn gắn mình vào một tổ chức hay danh hiệu nào. Cũng lại có trường hợp buộc phải từ chối giải như nhà văn Nga Boris Pasternak (1958) do sức ép từ phía chính quyền nước mình.

Trước đây giải Nobel văn chương chỉ trao cho các tác giả viết hư cấu, và nhà văn thì phải có tiểu thuyết. Nhưng giải năm 2013 đã trao cho nhà văn Canada Alice Munro, người chỉ chuyên viết truyện ngắn, với lời tuyên dương là “bậc thầy của truyện ngắn hiện đại”. Và năm 2015, giải đã được trao cho nhà văn Belarus viết tiếng Nga Svetlana Alexievich, người chuyên viết văn xuôi tư liệu, vì “những tác phẩm phức điệu, một tượng đài cho sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Đặc biệt hơn nữa, năm 2016 giải Nobel văn chương đã được trao cho ca sĩ người Mỹ Bob Dylan “vì đã tạo ra những cách diễn đạt thơ ca mới ở bên trong truyền thống ca hát vĩ đại của nước Mỹ”.

Trong lịch sử 121 năm qua, giải Nobel văn chương đã trao 115 lần cho 119 người (có năm trao cho hai, ba người), tính từ người đầu tiên là nhà thơ Pháp Sully Prudhomme (1901) đến người mới nhất là nhà văn Pháp Annie Ernaux (2022). Trong số 119 người nhận giải có 17 phụ nữ. Người được giải trẻ nhất là 42 tuổi - Rudyard Kipling (1865 - 1936) nhà văn Anh nhận giải năm 1907, và già nhất là 88 tuổi - Doris Lessing (1919 - 2013) nhà văn Anh gốc Zimbabwe nhận giải năm 2007.

Ở châu Á người được giải Nobel văn chương đầu tiên là nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861 - 1941) vào năm 1913. Ở khu vực Đông Á có ba người Nhật Bản được giải: hai tại chỗ (Yasunary Kawabata năm 1968 và Kenzaburo Oe năm 1994) và một gốc sinh (Kazuo Ishiguro ở Anh năm 2017); và có hai người Trung Quốc: một gốc sinh (Cao Hành Kiện ở Pháp năm 2000) và một tại chỗ (Mạc Ngôn năm 2012).

Nam Cao và ước vọng giải Nobel văn chương

Nhà văn Nam Cao

Phần đông nhà văn nước ta vẫn coi giải Nobel văn chương là cái gì cao vời ngoài tầm với. Dường như các văn nhân Việt Nam rất biết và rất yên tâm với tầm vóc văn chương hạn định của mình. Nhưng có một người thì không thế. Một người viết văn năm 28 tuổi đã nói thẳng ra, nói to lên cái ước vọng “ăn” giải Nobel văn chương. Người đó là nhà văn Nam Cao (1915 - 1951). Trong truyện ngắn “Đời thừa” (đăng báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” số 490, 4/12/1943) ông đã để cho nhân vật văn sĩ Hộ nói lên ước vọng đó của mình.

Hộ là một văn sĩ nuôi khát vọng văn chương lớn. Hộ như là một phiên bản của chính Nam Cao trong tư cách nhà văn: “Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mụn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời…

Nhưng rồi khi vướng vào gia đình vợ con cơm áo ghì sát đất, Hộ đã phải viết vội vàng một thứ văn đọc xong là quên. “Khốn nạn, khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện. Chao ôi! Hắn viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…

Cho đến một bữa. Hộ ra phố tình cờ gặp mấy bạn văn và nghe được cái tin cuốn “Đường về” của một người trong nhóm sắp được dịch ra tiếng Anh với bản quyền tác giả ba nghìn đồng. Thế là cái ước vọng làm văn chương đích thực, cao đẹp lại bùng lên trong Hộ.

Và chỉ độ nửa giờ sau, Mão và Trung đã thấy Hộ đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn:

- Cuốn "Ðường về" chỉ có giá trị địa phương thôi, các anh có hiểu không? Người ta dịch nó vì muốn biết phong tục của mọi nơi. Nó chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội. Tôi cho là xoàng lắm! Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem... Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!

Kết truyện khi trở về nhà Hộ lại thấy ân hận thương vợ con vì ước vọng văn chương của mình mà phải chịu khổ. Cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ” nhiều khi đã giết chết phũ phàng mộng văn chương.

Nhưng câu nói của nhân vật cũng chính là ước nguyện của nhà văn. Nam Cao đã ngã xuống ở tuổi 36 vì đạn bắn, giữa lúc văn tài đang ở độ cao và độ chín. Quyển sách ông muốn viết để ăn giải Nobel cho thế giới biết văn chương Việt đã không thành hiện thực. Nhưng ước vọng đời văn của Nam Cao được gửi vào lời văn sĩ Hộ tôi coi là lời di chúc văn chương của nhà văn để lại cho hậu thế. Giải Nobel như một ấn chứng tầm vóc văn chương thế giới. Lời di chúc không phải viết văn để ăn giải mà phải viết văn ở tầm cao, phải biết vượt lên mọi khuôn thước hình mẫu, phải viết văn hay lay động sâu sắc tâm can trí não người đọc. Không phải ngẫu nhiên mà trong các tác phẩm của mình Nam Cao thường nói lên, khi là lời nhân vật khi là lời tác giả, những suy tư về nghề văn, về cách viết văn. Ông thích Anton Chekhov chứ không phải Maxim Gorky. Có lẽ trong thâm tâm ông cũng đã từng nghĩ như nhà văn Columbia Gabriel García Marquez (1927 - 2014), Nobel văn chương 1982: “Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa. Bởi vì nếu anh có ý định viết một cách khiêm tốn thì anh chỉ là một nhà văn ở mức khiêm tốn. Cần phải vũ trang cho mình tất cả sự hiếu danh của thế giới và đem các mẫu mực bậc thầy ra đặt trước mặt mình (…). Nhiệm vụ là phải tìm cách viết hay hơn họ.” (tôi dịch từ tiếng Nga).

Các nhà văn lớn đều nghĩ như vậy. Trước Marquez, Ernest Hemingway (1899 - 1961) Nobel văn chương 1954, khi trò chuyện với một nhà văn trẻ đã nói cái ý là bổn phận của nhà văn là phải viết vượt những người đi trước. Ông khuyên nhà văn phải đọc nhiều sách để biết mình phải đánh bại cái gì. “Nghe đây. Viết ra những cái trước đó đã được viết rồi là một việc vô ích, trừ phi anh đánh bại được nó. Nhà văn thời đại chúng ta chỉ phải làm một việc là viết những cái chưa từng được viết trước đây hoặc là đánh bại những người đã chết vì những thứ họ đã viết ra. Cách duy nhất để hắn có thể nói mình đã viết ra sao là sự cạnh tranh với người đã chết. Hầu hết các nhà văn đang sống là không tồn tại.” (tôi dịch từ tiếng Anh). Cả Marquez và Hemingway nói ra những lời trên trước khi họ được giải Nobel và họ được giải chính vì phương châm viết đó.

 

Nhà văn Nam Cao của chúng ta, tôi tin, cũng đã có tinh thần văn chương như vậy. Tôi đưa lại ước vọng giải Nobel văn chương của ông như một cách trả lời câu hỏi bao giờ văn chương Việt vươn được tới tầm cao này mà nhiều bạn đã hỏi tôi cứ mỗi dịp trao giải Nobel hàng năm. Ước vọng đó là lời gửi gắm của nhà văn đi trước cho các thế hệ cầm bút về sau để đưa văn chương Việt Nam vang xa ra ngoài bờ cõi đất nước, góp phần vào kho tàng giá trị nhân văn chung của nhân loại.

(Bài đăng trên Văn hóa - Thể thao Nghệ An số 08/2023)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434745

Hôm nay

216

Hôm qua

2349

Tuần này

21395

Tháng này

211793

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434745