Góc nhìn văn hóa

Truyền thông trong phát triển kinh tế di sản

Nghệ An đang đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản là một hướng đi đúng đắn nhưng không dễ dàng. Để có thể đạt hiệu quả cao thì cần nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là phát triển truyền thông kinh tế di sản một cách phù hợp và hiệu quả.

Ảnh minh hoạ

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của truyền thông đại chúng. Truyền thông được hiểu một cách rộng rãi bao gồm cả hệ thống truyền thông chính thống của nhà nước lẫn hệ thống truyền thông phi chính thống là các mạng lưới xã hội bao gồm mạng lưới xã hội truyền thống và mạng lưới xã hội do khoa học công nghệ tạo ra như facebook, zalo, you tube,… Truyền thông đang ngày càng có vai trò quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế. Trong đó có kinh tế di sản, một lĩnh vực mà các giá trị hàng hóa không được định giá bình thường theo thị trường. Truyền thông kinh tế di sản trở thành một lĩnh vực riêng nhằm tạo cơ sở nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế di sản. Bởi nó tạo ra sức lan tỏa cho các giá trị văn hóa của các di sản đến với nhiều người hơn, nhiều cộng đồng hơn.

Có nhiều ví dụ sinh động liên quan đến vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế di sản. Một thầy lang người Thổ ở huyện Quỳ Hợp bao năm vẫn lấy thuốc chữa bệnh cho người trong làng nên ngoài làng chẳng mấy ai biết đến. Đến năm 2010, một người cháu của bà đã đưa các phương thuốc của bà lên mạng xã hội facebook để quảng bá. Sau đó có nhiều người biết đến và đặt mua thuốc. Dần dần, cháu gái còn lập cả một fanpage thuốc gia truyền của dân tộc Thổ nên số lượng khách hàng đặt thuốc càng nhiều hơn. Rồi truyền hình biết đến cũng về quay phim và công chiếu. Cứ như vậy mà các bài thuốc y học cổ truyền của người Thổ ở Quỳ Hợp được đưa ra thị trường một cách rộng rãi. Không chỉ người thầy lang mà còn phải thuê thêm vài người để đi lấy thuốc, chặt và phơi thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cũng vì thế mà doanh thu bán thuốc của người thầy lang cũng tăng lên nhanh chóng. Trơn hơn chục năm, bà sửa sang nhà cửa và còn mua được cả ô tô cho con trai đi lại làm việc.

Hay một trường hợp khác cũng liên quan đến thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền dân tộc là của người Dao Đỏ ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thương hiệu thuốc tắm Dao Đỏ (và nhiều loại thuốc khác nữa) đã nổi tiếng và phổ biến lâu nay. Số lượng người Dao Đỏ tham gia vào mạng lưới kinh tế dược liệu có thể lên đến hàng ngàn người, nhưng không phải ai làm cũng hiệu quả. Trong đó, có một người phụ nữ đi tiên phong được nhiều người biết đến, bởi bà từng được một chuyên gia nước ngoài giúp đỡ xây dựng fanpage riêng của mình từ khá sớm. Sau đó có một nhóm truyền thông đã tìm đến bà quay phim việc đi tìm lấy thuốc và chiết xuất các loại thuốc quan trọng. Cứ như vậy mà hình ảnh của bà được quảng bá rộng rãi. Các công ty dược liệu và nhiều cơ sở dịch vụ đã liên hệ với bà để mua thuốc. Có những năm bà bán vào cho các công ty ở miền Nam hơn ba mươi tấn thuốc đã phơi và hàng ngàn lít thuốc đã chiết xuất, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những ví dụ trên cho thấy được vai trò của truyền thông trong phát triển kinh tế di sản là vô cùng quan trọng. Trong mấy năm gần đây, các lễ hội càng được mở rộng về quy mô và đối tượng hướng đến cũng rộng lớn hơn. Một trong những nhân tố tạo nên điều đó chính là truyền thông về lễ hội. Lễ hội hiện nay có giá trị kinh tế cao bởi được khai thác trên nhiều phương diện từ phát triển du lịch lễ hội, thương mại hóa các sản phẩm địa phương hay phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm lễ hội. Hàng tháng trước khi tổ chức lễ hội, các địa phương đã xây dựng kịch bản và có cả chiến lược truyền thông một cách bài bản cho lễ hội. Bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống thì còn có vai trò to lớn của mạng xã hội. Khi gần đến lễ hội thì hàng loạt các hình ảnh liên quan đến lễ hội được các fanpage địa phương và các trang riêng của cán bộ địa phương cũng như con em trong làng xã truyền đi mạnh mẽ, tạo ra một làn sóng truyền thông về lễ hội. Những hình ảnh đó lại được con em người địa phương đang làm ăn ở nhiều nơi khác trong nước cùng chia sẻ, càng làm cho nhiều người biết đến lễ hội hơn, thu hút nhiều khách đến tham gia hơn. Đó là một trong nhưng nguyên nhân chủ yếu làm cho các lễ hội hiện nay đều vượt ra khỏi cộng đồng chủ thể. Lễ hội không còn là của làng mà vượt ra, cả huyện, tỉnh và thậm chí có những lễ hội quốc gia thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan.

Nghệ An đang nỗ lực triển khai nhiều sự kiện văn hoá nhằm quảng bá cho di sản văn hoá. Ảnh: Xuân Thuỷ

Hay một phương diện khác là các hoạt động trong bảo tàng. Lâu nay các hoạt động bảo tàng không được sôi động lắm vì không được nhiều người biết đến. Nhưng khi truyền thông bảo tàng trở thành một lĩnh vực được quan tâm. Các bảo tàng lớn có phòng truyền thông, ít thì cũng có cán bộ chuyên trách hay nhóm phụ trách công tác truyền thông. Vậy nên các hoạt động của bảo tàng trở nên sôi động hơn và thu hút được nhiều người biết đến hơn. Như ở bảo tàng Nghệ An, các chương trình trải nghiệm các di sản văn hóa truyền thống từ nghệ thuật biểu diễn, các trò chơi dân gian và nhiều yếu tố văn hóa khác ngày càng được nhiều người tham gia. Có nhiều nguyên nhân trong đó có việc bảo tàng đã nhận thức rõ hơn vai trò của truyền thông. Các hoạt động đã quan tâm đến chiến lược truyền thông. Từ các phương tiện truyền thông, các hoạt động được biết đến rộng rãi và thu hút được nhiều người hơn. Điều đó góp phần làm cho bảo tàng ngày càng trở thành điểm thu hút nhiều người đến, dù rằng hiện bảo tàng chưa thu phí nên tính kinh tế từ việc này chưa nhiều nhưng nó là tiền đề cơ bản cho sự phát triển kinh tế di sản liên quan đến bảo tàng sau này.

Làm thế nào để phát triển truyền thông trong kinh tế di sản là một vấn đề khó. Kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy một chiến lược truyền thông phù hợp và hiệu quả sẽ tạo ra một giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cho di sản. Hay nói cách khác, truyền thông đã nhân lên giá trị kinh tế của di sản thông qua việc đưa giá trị di sản văn hóa đó lan rộng ra nhiều cộng đồng và thu hút nhiều người quan tâm hơn. Muốn làm được điều đó thì cần phải thực hiện một số bước quan trọng sau:

Trước hết là đẩy mạnh nghiên cứu để xác nhận rõ giá trị của di sản. Bao gồm giá trị văn hóa di sản và giá trị kinh tế của di sản. Việc này vô cùng quan trọng bởi giá trị văn hóa của di sản là giá trị cơ bản. Nó tạo ra sức hút của di sản. Hiện nay có rất nhiều di sản được gắn mác dựa vào những giá trị ảo, không thật sự gắn với di sản, thậm chí còn bị xuyên tạc. Điều đó có thể trong thời gian ngắn sẽ thu hút được nhiều du khách đến với di sản nhưng về lâu dài thì nó sẽ bị ảnh hưởng, bài trừ bởi không gắn với giá trị văn hóa chân thật của di sản đó. Bên cạnh xác định giá trị văn hóa thì cũng phải xác định được giá trị kinh tế của di sản đó. Trong nhiều giá trị nhưng chỉ có một số giá trị có thể tạo ra kinh tế. Vậy nên cần phải xác định đúng các giá trị này để xây dựng chiến lược truyền thông cho kinh tế di sản.

Thứ hai là xây dựng chiến lược truyền thông kinh tế di sản một cách phù hợp và hiệu quả. Để xây dựng chiến lược truyền thông thì cần phải làm một số bước quan trọng. Thứ nhất là phân tích các bên liên quan đến di sản văn hóa và các hoạt động kinh tế di sản văn hóa. Các bên liên quan sẽ là cơ sở để xác định phạm vi và mức độ truyền thông. Thứ hai là đánh giá các ảnh hưởng của phát triển kinh đến các bên liên quan. Việc này cần thiết để có chính sách phân phối hài hòa về lợi ích giữa các nhóm liên quan nhằm hạn chế xung đột xã hội. Thứ ba là xây dựng mạng lưới truyền thông. Bao gồm khẳng định nội dung truyền thông và mức độ truyền thông qua các giai đoạn khác nhau. Bước này quyết định sức hấp dẫn của truyền thông kinh tế di sản và là cơ sở để thu hút du khách. Thứ tư là xây dựng hệ thống kênh truyền thông. Qua các giai đoạn khác nhau thì cần có các kênh truyền thông khác nhau. Tùy vào đối tượng mà xây dựng kênh truyền thông phù hợp. Với giới trẻ thì cần phát triển truyền thông trên mạng lưới xã hội, nhưng với người già, vùng sâu, vùng xa, nơi internet chưa phát triển thì cần các kênh truyền thông khác phù hợp hơn như tờ rời, truyền hình, báo in, và lan truyền qua mạng lưới xã hội truyền thống của các cộng đồng. Thứ năm là đánh giá chất lượng, hiệu quả và tác động của chiến lược truyền thông đến di sản và đến cộng đồng chủ thể. Bước này nhằm giúp cho việc xây dựng chiến lược truyền thông kinh tế di sản phù hợp và hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba là xây dựng hệ thống sản phẩm để tạo nguồn thu trong phát triển kinh tế di sản. Thu hút nhiều du khách đến, hay lan tỏa giá trị di sản ra rộng rãi trong nhiều cộng đồng thì cũng phải có những sản phẩm để cung cấp cho thị trường nhằm tạo ra nguồn thu. Xác định giá trị kinh tế và xây dựng hệ thống sản phẩm để tạo nguồn thu trong kinh tế di sản là điều quyết định đến hiệu quả của phát triển kinh tế di sản. Và nó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng chiến lược truyền thông kinh tế di sản. Bởi giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là điều cần thiết bên cạnh quảng bá các giá trị văn hóa của di sản. Hai cái này đều quan trọng và cần có sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế di sản./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441675

Hôm nay

275

Hôm qua

2317

Tuần này

21579

Tháng này

216849

Tháng qua

112676

Tất cả

114441675