Góc nhìn văn hóa

Từ chiến thắng đến phát triển: Hành trình của một dân tộc đứng dậy sau chiến tranh

Nhân dân Việt Nam đã thực hiện một cuộc kháng chiến trường kỳ trong ba mươi năm với bao đau thương mất mát lớn lao. Và cuộc kháng chiến đó không phải chỉ để trở thành người chiến thắng. Chiến thắng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là vô cùng quan trọng nhưng nó chỉ là sự mở đầu, là điều kiện cần để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo ra động lực phát triển đất nước vững mạnh, làm cho Nhân dân no ấm. Đó mới là giá trị cuối cùng của cuộc kháng chiến kéo dài nhất thế kỷ XX ở Việt Nam.

Chiến thắng để thống nhất

Cũng như nhiều quốc gia khác sau chiến tranh, chúng ta bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kỳ với vị thế của người chiến thắng. Hình ảnh một Việt Nam hiên ngang đánh bại cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ, hai cường quốc xâm lược lúc bấy giờ được truyền đi rộng rãi trên toàn thế giới và trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho các đất nước đang tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng cũng vì ra khỏi chiến tranh với vị thế chiến thắng nên chúng ta không khỏi say sưa với những bài ca chiến thắng. Chiến thắng được nói đến trên mọi phương tiện truyền thông và cả hầu hết trong các sách vở kéo dài trong nhiều thập niên. Điều đó cũng làm cho nhiều người đã ngủ say trên chiến thắng mà quên mất rằng chiến thắng không phải là mục tiêu cuối cùng của tiến trình cách mạng Việt Nam, càng không phải là mục tiêu cuối của cuộc trường kỳ kháng chiến. Chúng ta dành chín năm đánh Pháp để giành và giữ nền độc lập, bảo vệ chủ quyền và bảo vệ chế độ mới của toàn dân tộc. Chúng ta mất 20 năm đánh Mỹ và các thế lực khác để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chứ không chấp nhận chia cắt. Nói cách khác, vì cần độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước nên chúng ta đã chiến đấu và không tiếc hi sinh mọi thứ vì điều đó. Với riêng cuộc kháng chiến chống Mỹ, mục tiêu quan trọng của chúng ta là để thống nhất đất nước. Nên thống nhất là một mục tiêu vô cùng quan trọng và chiến thắng 30/4/1975 nói riêng và cả cuộc kháng chiến nói chung là điều kiện cần thiết để chúng ta thực hiện thống nhất đất nước.

Chấp nhận hi sinh mọi thứ không phải để trở thành người chiến thắng. Ánh hào quang của người chiến thắng không thể che mờ đi những đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã phải hứng chịu trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng ta phải thắng, bởi chỉ có đánh đuổi được kẻ thù thì Việt Nam mới thống nhất được, mới có được độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chiến thắng để thống nhất đất nước. Đó là mục tiêu quan trọng mà chúng ta hướng tới và chiến thắng trong cuộc trường kỳ kháng chiến là điều kiện quyết định để chúng ta thực hiện điều đó.

Thống nhất để củng cố đoàn kết dân tộc

Nếu chiến thắng là điều kiện cần thiết để thống nhất đất nước, thì thống nhất cũng là điều kiện quan trọng để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Hai mươi năm chia cắt Nam - Bắc là hai mươi năm dài đằng đẵng mà mỗi con người Việt Nam đều đau đáu không nguôi như cơ thể con người bị chia làm hai vậy. Những người dân miền Nam cũng phải chia cắt vì có rất nhiều cán bộ chiến sĩ phải tập kết ra Bắc theo cách mạng. Và hàng triệu người miền Bắc cũng phải xa quê hương, xa gia đình, xa vợ, xa con vào Nam chiến đấu. Không chỉ đất nước bị phân chia mà các gia đình Việt Nam cũng bị phân chia. Ngoài cảnh chia ly, vợ chồng xa cách, cha con ly tán, có người may mắn còn được về với vợ con, và cũng có hàng triệu người đã nằm xuống trên một mảnh đất linh thiêng nào đó của Tổ quốc. Đương nhiên đó không phải là đất khách quê người, không phải là miền đất lạ như những kẻ xâm lược, mà là những mảnh đất của đất nước, là một phần của Tổ quốc mà họ chấp nhận hi sinh để bảo vệ. Và càng đau thương hơn nữa khi trong một gia đình, một dòng họ cũng bị chia cắt thành kẻ thù ở hai bên chiến tuyến vì hệ tư tưởng, cũng như vì những điều kiện cụ thể khác nhau. Chẳng thiếu những gia đình mà cha, anh ra Bắc làm cách mạng còn con, em ở lại quê lại thành lính Cộng hòa. Và trên chiến trường khốc liệt, nhiều khi anh em, cha con lại phải chĩa súng đạn vào nhau. Có nỗi đau nào đau hơn những điều đó. Thế nên, thống nhất trở thành một khát vọng mãnh liệt, một nhu cầu thiết tha của mọi người con trên đất nước này.

Thống nhất đầu tiên là thống nhất đất nước, xóa bỏ phân tranh Bắc - Nam. Việt Nam chỉ và phải là một đất nước thống nhất. Dù phải trả bao nhiêu xương máu, bao nhiêu của cải thì mọi người dân Việt Nam nhất quyết làm được điều đó mới thôi. Nó là tư tưởng xuyên suốt trong cả hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, như từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn chúng ta cũng kiên quyết dành cho được độc lập”. Thứ hai chính là thống nhất trong gia đình. Chỉ có thống nhất đất nước, không còn phân chia Bắc - Nam thì những gia đình mới được sum họp, mới không còn cảnh cha Bắc con Nam, không còn cảnh vợ chồng ly tán, anh em chia lìa. Và cũng chỉ có thống nhất thì sự phân chia Cộng sản - Cộng hòa mới chấm dứt, sự hòa giải, hòa hợp mới được thực hiện. Và thống nhất đất nước, thống nhất gia đình, hòa giải dân tộc là con đường, là nhân tố quan trọng để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Thống nhất về chính trị phải đánh đổi nhiều xương máu nhưng lại thực hiện dễ dàng hơn, mất ít thời gian hơn so với thống nhất về văn hóa, về con người và về tình cảm cá nhân. Sau bao nhiêu đau thương của cả hai phía Bắc - Nam phải hứng chịu, con người trở nên mặc cảm. Đặc biệt với những người thua cuộc. Khi chúng ta càng nói về chiến thằng càng nhiều thì càng như khoét thêm vào nỗi đau của người thua cuộc mà thực ra họ cũng là nạn nhân của chiến tranh. Thế nên để thống nhất có giá trị thì phải đoàn kết được mọi người. Muốn vậy phải xem chiến tranh là nỗi đau không ai muốn và cũng chẳng có ai chiến thắng cả. Đặc biệt cùng là con người Việt Nam thì càng không có chiến thắng hay chiến bại mà chỉ là những số phận đau thương do chiến tranh gây ra. Vậy nên cần phải có sự hòa giải sau chiến tranh để đoàn kết toàn dân cho mục tiêu mới. Mà trước hết và quan trọng nhất là phải bỏ ánh nhìn chia cắt do chiến tranh gây ra, dùng tình yêu thương và sự chia sẻ đối xử với nhau thì mới thật sự đoàn kết được.

Đoàn kết là sức mạnh để phát triển

Thống nhất để đoàn kết được Đảng và Nhà nước quan tâm mọi lúc mọi nơi. Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến, tháng 4/1976, chúng ta tổ chức Tổng tuyển cử toàn quốc để thống nhất hệ thống chính trị, thống nhất đất nước. Và, tháng 12/1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV được tiến hành để xây dựng và phát triển đất nước thống nhất, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Điều này cũng thể hiện Việt Nam đã bước đầu chuẩn bị các điều kiện để phát triển đất nước: đó là thống nhất đất nước, đoàn kết toàn dân tạo nguồn lực lớn mạnh cho xây dựng đất nước.

“Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”, đó là sự khẳng định của Bác Hồ qua sự tham hiểu lịch sử và quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Và nó có giá trị trong mọi hoàn cảnh. Không phải chống ngoại xâm mới cần phải đoàn kết, mà xây dựng, phát triển đất nước còn cần sức mạnh đoàn kết dân tộc hơn nữa. Đoàn kết là sức mạnh để phát triển. Chúng ta mất ba mươi năm để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhưng cần nhiều thời gian hơn thể để đoàn kết và phát triển đất nước vững mạnh, sánh vai cùng các cường quốc trên năm châu. Và điều đó đúng với hoàn cảnh của Việt Nam gần nửa thế kỷ qua. Trong quãng thời gian dài đó, Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân không ngừng nỗ lực đoàn kết, chia sẻ để tạo sức mạnh cho sự phát triển của đất nước. Nhưng trong tâm cảm của nhiều người, cái nhìn Nam - Bắc, ánh mắt Cộng sản - Cộng hòa vẫn còn chưa nguôi ngoai. Những nôi đau do chiến tranh, do chia cắt vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người. Điều đó kể cũng đúng thôi, xương máu con người đâu dễ gì nguôi ngoai cho dù mọi thứ đều đi xuôi về quá khứ. Nhưng nỗi đau quá khứ nào cũng phải khép lại để vươn đến tương lai.

Nhận thức được điều đó, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục xây dựng chính sách, kêu gọi mọi người dân Việt Nam cùng đoàn kết để phát triển đất nước. Những chính sách về hòa giải dân tộc được thực hiện và góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Những cuộc tranh luận về hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn còn tiếp diễn và những dấu hiệu tích cực từ mỗi con người đang dần được rõ ràng hơn. Đất nước này đã mất mát quá nhiều vì chiến tranh. Chiến tranh đã gây ra bao nhiêu đau thương cho con người Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Và vì chúng ta đã đau thương quá nhiều bởi chiến tranh nên càng không muốn nỗi đau chiến tranh lại ám ảnh đến tận ngày này, càng không muốn nó ảnh hưởng đến công cuộc phát triển đất nước. Đoàn kết và thương yêu nhau là nguồn lực quan trọng để phát triển. Và cũng chỉ đưa đất nước phát triển vững mạnh thì chúng ta mới xứng đáng với những mất mát, đau thương mà cha ông đã hứng chịu qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. Và cũng chỉ có sự phát triển đất nước lớn mạnh chúng ta mới làm nguôi ngoai nỗi đau của chia cắt, của chiến tranh để lại.

Giá trị của cuộc trường kỳ kháng chiến

Hàng năm, khi tháng 4 về, chúng ta lại nói nhiều về chiến thắng, về đại thắng mùa Xuân 1975. Đúng là không thể phủ nhận sự vĩ đại của thắng lợi quan trọng này. Đó là một cộc mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. Và càng không thể phủ nhận chiến thắng vĩ đại của Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc thế kỷ XX. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng: Chiến thắng chỉ là sự khởi đầu để thống nhất đất nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc và tạo nguồn lực to lớn cho sự phát triển vững mạnh đất nước. Đó mới là giá trị quan trọng của kháng chiến trường kỳ, là thành quả của sự hi sinh xương máu, của cải của các thế hệ con người Việt Nam.

Chiến tranh và chiến thắng không có nhiều giá trị nếu chúng ta không thống nhất và phát triển đất nước để cho người dân có cơm no áo đẹp. Chiến thắng càng không thể hiện rằng con người Việt Nam tài giỏi với thế giới nếu vẫn còn nghèo đói. Và hào quang chiến thắng cũng không thể soi mãi, không thể giảm đi những đau thương mất mát mà dân tộc này phải chịu. Thế nên chúng ta không thể cứ mãi say sưa nói về chiến thắng. Chiến tranh bắt chúng ta phải chịu tang thương. Nhưng chiến tranh cũng cho chúng ta những bài học để khôn lớn. Và đặc biệt, chiến tranh cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình.

Chiến tranh là một bất hạnh của mọi dân tộc, mọi con người. Với một nước nhỏ như Việt Nam, trong hàng ngàn năm dựng nước và giữa nước, chưa có thế kỷ nào chúng ta không phải trải qua chiến tranh. Thế nên, chiến tranh càng trở nên ám ảnh với con người, với dân tộc này. Thế nên, chúng ta đang sống trong hòa bình là một may mắn, một điều kỳ diệu mà lịch sử ban cho, và cũng là kết quả mà bao thế hệ cha ông không tiếc hi sinh xương máu để đổi về. Thế nên để xứng đáng với bao nhiêu mất mát, đau khổ của chiến tranh mà dân tộc này phải hứng chịu, chúng ta phải đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh hơn, vững vàng hơn, người dân no ấm hơn. Chỉ có như thế thì chúng ta mới xứng đáng là những người con Việt Nam. Nói vậy để nhấn mạnh rằng: Giá trị của một cuộc trường kỳ kháng chiến không phải là chiến thắng, mà là tạo tiền đề để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh hơn, làm cho con người ấm no hạnh phúc hơn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443794

Hôm nay

245

Hôm qua

2307

Tuần này

21607

Tháng này

218968

Tháng qua

112676

Tất cả

114443794