Góc nhìn văn hóa

Vốn văn hóa và phát triển bền vững

Biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh trong Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Nghệ An. Ảnh: Anh Tuấn

Phát triển bền vững là vấn đề dành được nhiều sự quan tâm trên nhiều phương diện trong nửa thế kỷ qua. Nhưng gần như càng kêu gọi phát triển bền vững thì con người lại càng xa cách với tự nhiên, các nguồn tài nguyên càng bị khai thác một cách tận kiệt, nguy cơ tận diệt của con người càng trở nên lớn hơn khi đối diện với các vấn đề ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái văn hóa, xung đột xã hội…. Con người càng ngày càng tạo ra một hệ thống vật chất cồng kềnh, nặng nề để phục vụ cho nhu cầu của mình nhưng cũng đè nặng lên bề mặt Trái Đất. Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, thì các nguồn tài nguyên văn hóa càng trở nên có vai trò quan trọng hơn. Khi mà người ta không thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên được nữa thì khai thác các nguồn vốn văn hóa lại trở nên thiết yếu. Về lịch sử, văn hóa hình thành trong mối tương tác với con người tự nhiên. Và hiện tại, người ta hi vọng phát triển dựa trên nền tảng vốn văn hóa sẽ đưa con người quay lại gần gũi với tự nhiên hơn, hàn gắn lại những vết thương mà con người đã gây ra cho tự nhiên trong quá trình phát triển

Sự tới hạn của các nguồn lực tự nhiên

 

Nạn phá rừng làm cho hàng ngàn loài động vật và đa dạng sinh học thực vật của chúng bị phá hủy. Các hoạt động khai thác gỗ gia tăng dẫn đến xói mòn đất làm suy giảm các khoáng chất tự nhiên của đất.

 

Quá trình khai phá tự nhiên đến mức tận kiệt tạo ra một nghịch lý là của cải, tài sản của mọi người đều giàu lên một cách nhanh chóng nhưng cuộc sống của nhân loại lại nghèo đi một cách kiệt quệ. Như Eisenstein (2021, tr.139) nhấn mạnh: “Hàng thế kỷ tạo ra tiền gần như liên tục đã khiến cho chúng ta trở nên nghèo nàn đến nỗi không còn gì để bán. Rừng của chúng ta bị tàn phá không thể cứu chữa, đất của chúng ta cạn kiệt và bị cuốn trôi ra biển, tôm cá đã bị khai thác hết, và khả năng hấp thụ để tái chế chất thải của Trái Đất bị bão hòa”. Là một nhà phê bình hiện đại hóa, toàn cầu hóa và đặc biệt là phê phán tiền tệ hóa, Eisenstein thường đưa ra những nhận định gay gắt về sự phát triển kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên và thương mại hóa các mối quan hệ trong bối cảnh Trái Đất đã tới hạn. “Hiện nay, sự bế tắc trong khả năng chuyển đổi thiên nhiên thành hàng hóa và các mối quan hệ thành dịch vụ của chúng ta không phải là tạm thời. Tiến bộ công nghệ và các tinh luyện trong phương pháp công nghiệp sẽ không giúp chúng ta bắt được nhiều cá hơn - nguồn cá ở biển đã gần cạn kiệt. Chúng sẽ không giúp chúng ta tăng sản lượng gỗ - các cánh rừng đã gần biến mất hết. Chúng sẽ không giúp chúng ta khai thác dầu được nhiều hơn - nguồn dự trữ dầu đang khô cạn. Chúng ta không thể mở rộng lĩnh vực dịch vụ điều gì chúng ta làm cho nhau mà không cần phải trả phí nữa. Không còn nhiều chỗ cho tăng trưởng kinh tế như chúng ta từng biết nữa; đó là, không còn chỗ cho chuyển đổi sự sống và thế giới thành tiền được nữa” (Eisenstein 2021, tr.143). Nhận định này đồng nghĩa với việc khẳng định Trái Đất đã chạm đáy giới hạn chịu đựng của nó, các nguồn vốn tự nhiên đã đạt tới hạn rồi. Và con người, để tiếp tục sinh tồn, sẽ phải thay đổi chiến lược ứng xử với thiên nhiên, với tài nguyên, với Trái Đất. 

Giới hạn sinh tồn hay giới hạn chịu đựng là một ý tưởng không hề xa lạ. Mỗi vật chất đều có một giới hạn tồn tại riêng của nó mà khi vượt qua giới hạn đó nó sẽ thay đổi sang một thể trạng khác hay bị hủy diệt, biến chất và biến mất. Giới hạn sinh tồn cũng chính là môi trường đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các vật chất và cả của các tổ chức do con người tạo ra. Nhân loại cũng có giới hạn sinh tồn tồn nhất định và các quốc gia, các tổ chức xã hội cũng có những giới hạn sinh tồn sinh của nó. Giới hạn của các quốc gia, các tổ chức và của toàn nhân loại không chỉ là một con số cố định mà nó có thể được thay đổi thông qua sự tương tác. Một mặt, sự phát triển của xã hội loài người, với những thành tựu về khoa học, công nghệ đã tạo điều kiện để mở rộng giới hạn sinh tồn của toàn nhân loại nói chung, các quốc gia, các cộng đồng nói riêng. Nhưng cũng chính vì sức ép ngày càng tăng lên theo cấp số nhân của sự phát triển càng kéo nhân loại đi về phía cuối cùng của đáy giới hạn chịu đựng. Và hiện tại, con người đang ở phần dưới của đáy giới hạn chịu đựng và điều đó cảnh tỉnh họ về một nguy cơ tận diệt nếu không giải quyết những vấn đề lớn nhằm giảm sức ép lên các nguồn lực của sự sống và mở rộng giới hạn sinh tồn của chính con người.

 

New York - thành phố đông dân nhất nước Mỹ đang sụt lún do sức nặng của các công trình xây dựng cùng nhiều yếu tố khác. (Trong ảnh: Các tòa nhà chọc trời tại thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters)

Nếu ai đó còn lạc quan cho rằng Trái Đất - mái nhà chung của nhân loại đang rất vững chắc, khỏe mạnh, không phải lo nghĩ về một tương lai rạng rỡ thì đó là sự ngụy hiện hoặc thiếu hiểu biết. Trái Đất đang đứng trước tình cảnh nguy hiểm, yếu tớ và dễ bị tổn thương nhất từ trước đến nay. Công nghiệp hóa đã đè nặng lên bề mặt Quả Đất một khối lượng bê tông, sắt thép vô cùng lớn: những thành phố chục triệu dân, những cao ốc trăm tầng đang mọc lên trên đất liền, những con tàu triệu tấn đang chạy khắp các đại dương… Trái Đất đang gồng mình lên gánh cả nhân loại và gánh nặng đó ngày càng lớn thêm. Bề ngoài nhìn vào thấy nó béo phì hơn, hào nhoáng hơn nhưng trong lòng nó lại chịu sức ép nặng nề hơn, bị cắt xẻ, rút ruột nhiều bộ phận. Sức chịu đựng của Trái Đất đang ở dưới đáy giới hạn chịu đựng. Chính sự phát triển của các quốc gia đã đưa con người đối diện với nguy cơ tận diệt. Chẳng có một thế lực nào ngoài Trái Đất tiêu diệt con người mà chỉ có con người Trái Đất tự tiêu diệt mình. Do vậy, phát triển bền vững là cách con người nỗ lực vượt qua nguy cơ tự diệt bằng cách tăng cường khả năng tái tạo của Trái Đất và nâng cao sự thích ứng, phục hồi của xã hội loài người. Đây có thể coi là một chiến lược khắc phục hậu quả của quá trình phát triển ồ ạt và thiếu tính toán về sự lâu bền của nhân loại.

Vấn đề giới hạn chịu đựng của Trái Đất và các xã hội đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, giữa lúc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang lên đến đỉnh cao. Năm 1972, tại Hội nghị lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ môi trường, Dennis Meadows thay mặt một nhóm tác giả trình bày báo cáo “Những giới hạn tăng trưởng” (The limits to growth). Báo cáo này đã gây tiếng vang khắp thế giới và mở ra vấn đề làm sao để phát triển không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả thế hệ sau trong tương lai, sau đó được gọi là phát triển bền vững. Gần hai thập kỷ sau, khi Liên Hợp Quốc ra công bố chương trình phát triển bền vững và kêu gọi các quốc gia hưởng ứng hành động về phát triển bền vững trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Sự kiên quyết của Liên Hợp Quốc cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều quốc gia làm cho nhiều người tin tưởng rằng tình hình sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy, ngay chính tác giả của “Những giới hạn tăng trưởng” cũng không đặt niềm tin vào vấn đề này như chính Dinnis Meadows chia sẻ: “Khi sử dụng thuật ngữ “Phát triển bền vững” - thuật ngữ mà thực ra tôi cho là tự mâu thuẫn - thì tôi cố gắng biểu đạt một ý nghĩa phù hợp với cách hiểu của đại đa số mọi người. Ở chừng mực mà tôi có thể nói, những ai sử dụng thuật ngữ phát triển bền vững, ý của họ cơ bản là một pha của sự phát triển mà ở đó người giàu vẫn cứ giàu, nhưng mọi người nghèo đều vẫn có thể bắt kịp. Hoặc là, người ta vẫn có thể tiếp tục duy trì hoạt động [khai thác và tiêu thụ] như bình thường, nhưng nhờ vào phép màu công nghệ mà thiệt hại cho môi trường giảm bớt, và tiêu tốn ít tài nguyên hơn. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì cũng chỉ là ảo tưởng. Cả hai đều không còn khả thi nữa. Có thể vẫn còn khả thi vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, nhưng đến giờ thì không. Chúng ta hiện đang khai thác ở mức 150% khả năng chịu đựng của Trái Đất”[1].

Và cơ hội của vốn văn hóa

Vùng dân tộc thiểu số đang đối diện với nhiều vấn đề từ khủng hoảng môi trường, bất bình đẳng về nguồn lực, mai một văn hóa xã hội. Vậy nên trong thời gian tới, phát triển bền vững sẽ trở thành trọng tâm ở vùng dân tộc thiểu số. Để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, cần xem xét lại nghiêm túc khái niệm phát triển và xây dựng chiến lược phát triển hợp lý theo từng vùng, từng địa phương. Không phải vùng nào cũng lấy kinh tế là mục tiêu để phát triển mà phải cân nhắc hợp lý. Có vùng phải lấy bảo vệ an ninh quốc gia, bảo tồn văn hóa tộc người làm mục tiêu chính gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Cần phải tăng quyền và trao quyền cho người dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển để họ có quyền tiếp cận các nguồn lực cơ bản, và tham gia chủ động hơn vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển. Nâng cao năng lực để họ quyết định sự phát triển của mình trên tinh thần phát triển bền vững, hài hòa và lành mạnh. Và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số cũng phải đảm bảo được những vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bình đẳng xã hội, bảo tồn văn hóa và đảm bảo an ninh con người.

Vốn văn hóa hình thành và phát triển trong quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội và con người với con người. Do vậy, vốn văn hóa đặt trên nền tảng sự hài hòa khi mà nó được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều thế hệ trong các quá trình tương tác đó. Những yếu tố không đảm bảo sự phù hợp, sự hài hòa sẽ bị thải loại trong quá trình phát triển. Thế nên, để có một nguồn vốn văn hóa tạo nguồn lực mạnh mẽ cho các cộng đồng phát triển là kết quả của một quá trình sàng lọc lâu dài.

Vốn văn hóa mang nhiều đặc tính để đảm bảo sự phát triển bền vững. Trước hết, vốn văn hóa rất đa dạng, gắn với các cộng đồng và các cá thể, biểu hiện theo nhiều sắc thái địa phương, tộc người khác nhau. Sự đa dạng của vốn văn hóa cho phép con người vận dụng vào phát triển kinh tế tùy vào sức sáng tạo của mình.

Thứ hai, vốn văn hóa đảm bảo sự hài hòa hơn trong quá trình phát triển. Bởi vốn văn hóa cũng không dễ hay ít khi bị chiếm dụng thông qua sở hữu của một cá nhân nên việc vận dụng nó vào phát triển cũng được chia sẻ đồng đều hơn giữa các đối tượng khác nhau. Điều này khác hẳn với vốn tự nhiên, vốn dễ bị chiếm dụng qua sở hữu và luôn có sự phân chia không đồng đều.

Thứ ba, vốn văn hóa dễ tái tạo hơn so với các nguồn vốn tự nhiên. Một nguồn tài nguyên thiên nhiên khi bị cạn kiệt, bị ô nhiễm hay bị mất đi sẽ cần một khoảng thời gian rất dài để tái tạo lại, có khi còn dài hơn cả lịch sử nhân loại. Nhưng nguồn vốn văn hóa thì khác, nó có thể tái tạo lại trong một thời gian ngắn hơn và được con người thực hiện chủ động hơn. Ở đây, nói rằng vốn văn hóa tái tạo hay khôi phục dễ hơn là so với các nguồn vốn tự nhiên, còn chẳng có một nguồn vốn nào tái tạo theo dạng nguyên bản mà dễ dàng được cả.

Và cuối cùng, vốn văn hóa được tích lũy, thừa kế trong quá trình xã hội hóa, và không ngừng được vun đắp thêm nên càng khai thác phù hợp thì càng được mở rộng và nẩy nở thêm, một đặc điểm khác với các loại vốn khác, nhất là vốn tự nhiên càng khai thác thì càng cạn kiệt. Những đặc tính trên là cơ sở để tin rằng trong bối cảnh hiện tại, vốn văn hóa có nhiều cơ hội để phát triển, để khẳng định vị thế của mình trong quá trình phát triển cũng như để góp thêm phần vào phát triển bền vững.

Cải thiện mối quan hệ con người với tự nhiên

Hầu hết các mô hình vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế đều là mô hình phát triển cộng đồng. Và các mô hình phát triển này đều coi trọng sự hài hòa giữa các mối quan hệ, trong đó có quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trong khi đó, các dự án phát triển từ trên xuống trong nhiều năm qua lại tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên trên quy mô lớn. Càng khai thác tài nguyên thiên nhiên mạnh mẽ thì càng làm cho mối quan hệ giữa con người với tự nhiên càng xa cách nhau. Con người khi dựa vào các trang thiết bị hiện đại để khai thác các nguồn lực tự nhiên, thì mục tiêu họ quan tâm chính là sản lượng khai thác được. Còn khi con người khai thác tài nguyên dựa vào tri thức văn hóa truyền thống để phát triển, thì họ phải coi trọng tự nhiên, bởi trong văn hóa truyền thống của họ đã bao gồm mối quan hệ giữa chính họ với tự nhiên. Những người làm du lịch cộng đồng phải giữ được cảnh quan làng bản, gìn giữ con suối hay cánh rừng… bởi đó là giữ cho nhịp độ phát triển du lịch của họ. Các thầy lang khi thương mại hóa các bài thuốc của mình thì phải giữ gìn nguồn gen cây thuốc vì đó là của cải của mình. Và những người khi phát triển nông nghiệp truyền thống ra thị trường cũng vậy, họ gắn kết với tự nhiên hơn. Đó là giá trị của khai thác vốn văn hóa vào phát triển kinh tế - nó gắn kết lại mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Điều này trái ngược với sự phát triển dựa vào công nghệ hiện đại để khai thác tự nhiên.

Vùng dân tộc thiểu số giữ một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển không chỉ ở yếu tố chính trị mà còn là về địa lý tự nhiên và văn hóa. Mỗi một cộng đồng, một tộc người sinh sống trong các môi trường tự nhiên nhất định luôn hình thành một mối quan hệ bền vững giữa con người với tự nhiên. Và mối quan hệ này cũng là một chủ đề được nhiều nhà nhân học, dân tộc học quan tâm. Trong đó, đầu tiên phải kể đến Nguyễn Từ Chi. Giữa những năm 1970, trong công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa người Mường và môi trường tự nhiên đồi núi, Từ Chi đã nhận định rằng nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Mường được hình thành trong quá trình thích nghi và khai phá đồi núi để sinh sống. Đây là mối quan hệ kép, tác động hai chiều, con người vừa là tự nhiên, vừa là lực lượng cải tạo, khai thác tự nhiên nhưng cũng là chịu ảnh hưởng và quy định của môi trường tự nhiên (Nguyễn Từ Chi, 1976). Sau đó, quan hệ con người với môi trường tự nhiên, được ông tổng kết lại rằng: “Thực ra, từng nền văn hóa, xét cho cùng, đều là hậu quả của việc từng cộng đồng, để tồn tại, phải thích ứng với thiên nhiên bao quanh nó” (Nguyễn Từ Chi, 1996a, tr.554). Tuy coi trọng tính thích ứng của nền văn hóa, nhưng Từ Chi cũng nhận mạnh: “Trước sức cản trở mà thiên nhiên gây ra đối với cuộc sống của mình, con người không thể vượt qua thuần bằng sức mạnh bản năng như các động vật khác, mà chỉ có thể đối đầu bằng cách cùng cộng đồng mình cải tạo tự nhiên, thay đổi bộ mặt của nó, buộc nó không còn là thiên nhiên như cũ nữa, bắt nó phục vụ lại mình” (Nguyễn Từ Chi, 1996a, tr 555). Theo Từ Chi, có hai yếu tố chính quyết định đến diện mạo của nền văn hóa tộc người, thứ nhất là môi trường tự nhiên mà tộc người đó định cư và thứ hai là nguồn gốc của tộc người đó (Nguyễn Từ Chi, 1996b, tr 415-416). Những kết quả nghiên cứu dân tộc học của Từ Chi về mối quan hệ giữa con người với môi trường đã đi đến kết luận rằng: “Nguồn gốc tộc người, có sự giao lưu văn hóa, nhưng điều kiện cho một nền văn hóa ra đời - môi trường, mới là cái quan trọng nhất. Nghiên cứu môi trường, nói nôm na là nghiên cứu sự ứng xử của con người với môi trường để sản sinh ra các nền văn hóa là một công việc cực kỳ quan trọng của ngành dân tộc học” (Nguyễn Từ Chi, 1996b, tr 416).

Những nghiên cứu của Từ Chi đã có những ảnh hưởng nhất định đến các nhà nghiên cứu dân tộc học khác. Đầu những năm 1980, một số nhà dân tộc học bắt đầu quan tâm đến vấn đề mối quan hệ con người và môi trường trong các nghiên cứu dân tộc học. Trước hết là một cái nhìn tổng quan của Khổng Diễn về địa lý tộc người và việc nghiên cứu ở nước ta (Khổng Diễn, 1981). Dù chưa phải là nghiên cứu chuyên sâu về sinh thái học nhưng dưới góc nhìn địa lý học tộc người, bài viết đã phần nào phác họa và đặt ra một số vấn đề nghiên cứu về môi trường với con người, cụ thể là các dân tộc thiểu số. Sau đó, ông tiếp tục đi sâu nghiên cứu và hoàn thành bài viết “Mối quan hệ giữa môi trường và con người miền núi nước ta” (Khổng Diễn, 1998). Trong khi đó, Diệp Đình Hoa trong một nghiên cứu lại đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường và an ninh biên giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở miền núi (Diệp Đình Hoa, 1982). Hai nhà nghiên cứu khác là Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng lại đi sâu phân tích những ảnh hưởng của hệ sinh thái đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của một cộng đồng cụ thể là người dân tộc Thái (Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, 1982).

Nhìn nhận vào thực tế ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển gắn với khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên càng làm cho mối quan hệ giữa con người với tự nhiên càng trở nên xa cách hơn. Các ngành công nghiệp hiện đại phát triển dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên quy mô lớn. Nó tạo ra một lượng hàng hóa lớn, đa dạng về mẫu mã cũng như giá thành thấp, nhưng lại đe dọa đến môi trường tự nhiên và gây sức ép lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh đó, việc phát triển kinh tế thị trường dựa vào nguồn vốn văn hóa có nhiều giá trị to lớn trong việc cải thiện mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Bởi vốn văn hóa phát triển dựa vào mối quan hệ hài hòa với tự nhiên trong thời gian dài nên nó là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững hơn các nguồn vốn khác./.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Từ Chi, 1976. Người Mường và núi đồi. Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr 89-101.

Nguyễn Từ Chi, 1996a. Từ định nghĩa của văn hóa. In trong “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người”, Nxb Văn hóa Thông tin và tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

Nguyễn Từ Chi, 1996b. Quanh chuyện cảnh quan và bộ mặt tộc người. In trong “Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người”, Nxb Văn hóa Thông tin và tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

Khổng Diễn, 1981. Vài nét về địa lý tộc người và việc nghiên cứu ở nước ta. Tạp chí Dân tộc học, số 1, tr 23-28.

Khổng Diễn, 1998. Mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và con người ở miền núi nước ta. Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr 15-20.

Eisenstein, Charler (2021). Kinh tế học linh thiêng: Tiền bạc, quà tặng và xã hội trong thời đại chuyển giao. Nxb Đà Nẵng.

Diệp Đình Hoa, 1982. Phát triển kinh tế xã hội miền núi với những vấn đề bảo vệ môi trường và an ninh biên giới. Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr 17-27.

Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, 1982. Hệ sinh thái với kinh tế và xã hội dân tộc Thái. Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr 28-37.



[1] “Đã quá muộn để phát triển bền vững”. http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=5081.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444265

Hôm nay

2207

Hôm qua

2309

Tuần này

22078

Tháng này

219439

Tháng qua

112676

Tất cả

114444265