Góc nhìn văn hóa

Nước mắt đàn ông ở Trung Quốc thời Tống (960-1279) - Kỳ III

Khóc hiện diện nổi bật như một hành vi bình thường và một cách thể hiện đặc trưng cho lòng trung thành thường thấy ở các sĩ đại phu. Vì khả năng chuyển tải cả tính xác thực lẫn sự mơ hồ, nước mắt trở thành một chiến lược hiệu quả cho những bề tôi tự xưng là trung thành khẳng định quyền lực giữa những bất ổn của các phe cánh.

Tranh mih họa ( Nguồn intenet)

IV. Nước mắt trung thành

Trong phần này, tôi thảo luận về việc nước mắt biểu thị lòng trung thành như thế nào khi kẻ sĩ thực thi quyền lực của họ với tư cách những viên quan của bộ máy chuyên chế giữa các cuộc chiến phe phái. Thời Tống được biết đến với nền chính trị luôn luôn mang tính bè phái. Từ khi những thế lực ly tâm trong tầng lớp quý tộc đã đi vào lịch sử, các bậc quân chủ nhà Tống đã bổ nhiệm kẻ sĩ vào chính quyền quan liêu được trung ương hóa cao độ và giao cho họ quyền điều hành rộng lớn. Kẻ sĩ trị quốc với những tham vọng thay đổi thiên hạ và các chủ trương khác nhau, sự đa dạng trong tầng lớp sĩ nhanh chóng biến thành sự cạnh tranh gay gắt giữa các bè phái.

Khi sự phân cực leo thang trong chính trị của đất nước, mối quan hệ giữa hoàng đế và những trợ thủ của ngài dần dần trở thành yếu tố then chốt nhưng cũng bất ổn để định vị. Cả hai phái đều phát triển những cột chống lớn hơn trong mối gắn kết giữa hoàng đế - trợ thủ, điều này dẫn đến sự liên thuộc về mặt cấu trúc và sự chia sẻ về quyền lực. Hoàng đế giờ đây làm việc cùng kẻ sĩ theo một phương thức trực tiếp và gần gũi hơn bao giờ hết, càng lúc càng phụ thuộc nhiều hơn vào bộ máy quan liêu của nhà nước chuyên chế. Kẻ sĩ, một mặt, mong có được ân sủng của hoàng đế như thứ đảm bảo cho thành công về mặt chính trị của họ, và mặt khác, hình dung quân vương như một cố vấn - với quyền lực hạn chế - cho những chủ trương mới mẻ mà chính họ mới là người thiết kế và điều hành[1].  

Những phe đối lập và người ngồi trên ngai vàng, như vậy, tạo thành một tam giác mà ở đó, hoàng đế vừa đứng ra phân xử, vừa tham dự vào cuộc cạnh tranh giữa các bè phái. Vì mọi quan lại đều là bề tôi của hoàng đế, nên họ đều trông ngóng người ngồi trên ngai vàng tán thành những chủ trương riêng của mình. Cuộc tranh giành ân sủng thời chuyên chế càng ngày càng căng thẳng kể từ thế kỷ XI, khi các ông vua bắt đầu công khai ưu ái phe này hơn phe khác[2]. Tuy nhiên, bậc quốc chủ có lẽ không bao giờ xem nhẹ quyền lực của mình, và ngài phải giữ quyền lực của bất cứ phe phái nào trong một số giới hạn[3]. Để đạt được mục tiêu này, ngài sẽ tham gia vào cuộc tranh chấp giữa các bè phái bằng cách ủng hộ và đổi phe một cách khôn khéo.

Trong diễn ngôn Nho giáo, lòng trung thành của kẻ bề tôi là yêu cầu căn bản đối với nam nhân ở tầng lớp tinh hoa mà uy thế của họ nằm ở chính vai trò như những nhân viên thực thi quyền lực của hoàng đế. Với kẻ sĩ thời Tống, cam kết thông thường về lòng trung thành rất phức tạp, bởi vì những viên quan thuộc các phe phái đối lập nhau về chủ trương đường lối không còn giống nhau trong việc tiếp cận yêu cầu về lòng trung thành nữa. Ít nhất là với một thành viên của phe không được yêu mến, người đó sẽ rất hăng hái để chứng minh sự tận tụy của mình. Bên cạnh đó, cấu trúc quyền lực hình tam giác chủ yếu cho thấy rằng lòng trung thành của bề tôi không phải là sự phục tùng một chiều; mà thay vào đó, nó là kết quả của những cuộc thương thảo thường xuyên giữa quyền lực của hoàng đế và quyền lực của bề tôi theo cả chiều dọc và chiều ngang. Lòng trung thành của một thành viên thuộc phe chiến thắng đối với hoàng đế về cơ bản là sự khẳng định mối liên minh quyền lực.

Dựa trên nền tảng này, khóc hiện diện nổi bật như một hành vi bình thường và một cách thể hiện đặc trưng cho lòng trung thành thường thấy ở các sĩ đại phu. Vì khả năng chuyển tải cả tính xác thực lẫn sự mơ hồ, nước mắt trở thành một chiến lược hiệu quả cho những bề tôi tự xưng là trung thành khẳng định quyền lực giữa những bất ổn của các phe cánh.

Tâm chấn của tình trạng bè phái dưới thời Tống nằm ở thứ được gọi là Tân pháp (những chính sách mới), một phong trào thanh tẩy nhằm mục đích cải cách triều Tống thông qua việc mở rộng bộ máy nhà nước. Kiến trúc sư của cuộc cải cách, Vương An Thạch 王安石 (1021-1086) tuyển chọn một nhóm quan lại đặc biệt để giám sát việc thực hiện cải cách[4]. Tuy nhiên, mức độ rộng lớn và việc xâm lăng được nhận thấy trong các chính sách của Vương An Thạch đã kích động làn sóng chỉ trích từ những trí thức nằm ngoài khối cải cách. Việc hiện thực hóa những chính sách mới đã tạo ra sự phân hóa giữa những người chủ trương cải cách theo đường hướng của Vương An Thạch và những người phản đối cải cách, khởi đầu cho cuộc tranh chấp giữa các bè phái kéo dài đến hai thế kỷ.

Ghi chép về những cuộc chiến phe phái ngập tràn nước mắt. Trong phần tiếp theo, tôi giới thiệu ba người khóc: một người kịch liệt phản đối cải cách, một nhà phê bình ôn hòa hơn và một người tán thành cải cách. Người đầu tiên là Tư Mã Quang, người lớn tiếng phản đối Vương An Thạch nhất, cũng là thủ lĩnh của liên minh chống cải cách. Câu chuyện về nước mắt của ông được Chu Huy 周煇 (1127-1198) thuật lại trong Thanh ba tạp chí 清波雜志. Tư Mã Quang giữ những mối nghi ngờ căn bản đối với việc mở rộng đất nước và nhận thấy nhiều chính sách của Vương An Thạch tai hại. Nhưng ông phiền muộn vì hoàng đế Tống Thần Tông (trị vì từ năm 1067 đến năm 1085) lại nhiệt liệt ủng hộ cải cách[5]. Sau những cuộc chiến dai dẳng với Vương An Thạch song không có kết quả, năm 1071, Tư Mã Quang từ bỏ chức tước ở kinh đô và đảm nhận một chức vụ hưởng lương nhưng không tham chính tại Lạc Dương. Năm 1074 chứng kiến sự thoái trào ban đầu của cuộc cải cách. Sau khi nhận được một loạt văn từ phản đối, Thần Tông hoàng đế có quan điểm mềm mỏng hơn và tuyên bố ý định thu hẹp phạm vi của một số chính sách thái quá. Trong một chỉ dụ, ngài bộc bạch rằng phán đoán của mình đã đi chệch hướng và kêu gọi những ý kiến trung thực từ các viên quan nằm ngoài liên minh của Vương An Thạch[6].

Vào thời điểm đó, Tư Mã Quang gần như đã từ quan và nhiều năm liền không nhắc đến chính sự. Theo Chu Huy, ngay khi Tư Mã Quang đọc được chỉ dụ của hoàng đế, “nước mắt tuôn rơi” (khấp hạ 泣下) trên gương mặt ông[7]. Bản thân Tư Mã Quang cũng miêu tả khoảnh khắc xúc động này của mình. Trong một bài văn được viết sau khi ông hay tin, ông nói với hoàng đế rằng “kẻ bề tôi của người đọc bản chỉ dụ khi đã kiệt quệ rồi khóc òa vì hạnh phúc tột độ [hỉ cực dĩ khấp喜極以泣]”[8]. Ký lục của Chu Huy có lẽ dựa trên phát ngôn của chính Tư Mã Quang.

Tư Mã Quang muốn truyền tải đến hoàng đế niềm tin sâu sắc của mình về sứ mệnh phản đối cải cách, sự sẵn sàng phò tá một lần nữa và quan trọng nhất là lòng trung thành mãnh liệt của ông với hoàng đế - tất cả thông điệp này đều được chuyên chở hiệu quả thông qua nước mắt. Chu Huy, người kể chuyện dành sự kính trọng rất lớn với Tư Mã Quang, đã chuyển tải sức nặng của đạo đức trong những giọt lệ của ông tới độc giả một cách thích đáng[9]. Bằng việc tích hợp tình tiết khóc này, Chu Huy đã làm sáng tỏ lòng trung thành của Tư Mã Quang - thứ vẫn vững bền dù trải qua thử thách của nghịch cảnh - và mời gọi độc giả cùng ngưỡng mộ với ông.

Người rơi lệ thứ hai là Tô Thức 蘇軾 (1037-1101), sống cùng thời với Tư Mã Quang và là người phê bình cuộc cải cách có phần không quá gay gắt[10]. Một giai thoại mà Thiệu Bác 邵博 (?-1158) thuật lại trong Thiệu thị văn kiến hậu lục 邵氏聞見後 miêu tả một cuộc gặp có lẽ diễn ra vào tháng Năm năm 1086 – một năm quá độ của nền chính trị thời kỳ nhà Tống[11]. Thần Tông hoàng đế đã băng hà vào một năm trước đó, và người kế vị là Tuyên Nhân hoàng hậu (1032-1093; Thái hoàng Thái hậu, 1085-1093) sẵn sàng hủy bỏ Tân pháp. Tô Thức vốn bị lưu đày từ năm 1079 vì giữ lập trường phản đối cải cách. Ngay khi nhiếp chính vương nắm quyền điều hành, Tô Thức được đề bạt quay trở lại kinh đô. Tại thời điểm diễn ra hành động khóc, ông đang giữ chức Hàn lâm học sĩ - một vị trí cố vấn quan trọng và lâng lâng vì hạnh phúc.

Tuyên Nhân hoàng hậu triệu Tô Thức tới để nói chuyện. Bà hỏi về những chức quan mà Tô Thức đảm nhiệm vào mấy năm trước. Tô Thức trả lời rằng một năm trước đó, ông từng là Đoàn luyện Phó sứ ở Nhữ Châu (Nhữ Châu Đoàn luyện Phó sứ 汝州團練副使), một chức quan nhỏ hoàn toàn khác biệt với tước vị danh giá mà ông đang nắm giữ. Tuyên Nhân hoàng hậu hỏi Tô Thức nghĩ sao về việc ông được thăng chức. Đáp lại, Tô Thức bày tỏ lòng biết ơn với chính Tuyên Nhân hoàng hậu, với ấu chúa (Tống Triết Tông, trị vì từ 1085-1100) và với những vị đình thần có lẽ đã tiến cử ông. Sau khi bác bỏ mọi suy đoán của ông, Tuyên Nhân hoàng hậu thuật lại câu chuyện sau:

“Từ lâu, ta đã muốn khiến Học sĩ [ngươi] biết việc ấy là ý định của Thần Tông hoàng đế. Hoàng thượng đang ăn thì dừng đũa, nhìn chữ viết, đám cung nhân nói riêng với nhau rằng: “Hẳn là tác phẩm của Tô Thức”. Hoàng thượng thường thốt lên rằng: “Kỳ tài! Kỳ tài!”. Nhưng chưa kịp tiến dụng Học sĩ thì đã lên tiên vậy.”

(久欲令學士知此, 是神宗皇帝之意. 帝飲食停匕箸, 看文字, 宮人私相語: “必蘇軾之作”. : “奇才! 奇才!”. 但未及進用學士, 上僊耳[12].)

Sau khi nghe vậy, Tô Thức “bất giác khóc không thành tiếng” (bất giác khốc thất thanh 不覺哭失聲). Tuyên Nhân hoàng hậu và Triết Tông hoàng đế bắt đầu rơi lệ, những vị quan và đám hầu cận có mặt ở đó cũng chảy nước mắt theo. Cuối cùng, Tuyên Nhân hoàng hậu khích lệ Tô Thức:

“Học sĩ cần dốc lòng phụng sự hoàng thượng, đặng báo đáp tiên đế” (學士直須盡心事官家, 以報先帝[13])

Tương tự như khi Tư Mã Quang bật khóc, hành động khóc của Tô Thức cho thấy lòng trung thành mãnh liệt của ông dành cho những bậc cầm quyền mới, và trong trường hợp này là sự tận tâm của ông với chủ trương phục hồi. Nước mắt của Tô Thức hóa ra lại có tính lây lan, nó khiến trước hết là Tuyên Nhân hoàng hậu và sau đó là toàn bộ gian phòng cùng nức nở. Dàn đồng ca sướt mướt này chắc chắn đều tưởng nhớ đến tiên đế, một sự mất mát mà tất cả những người có mặt đều cảm thấy, nhưng nước mắt của Tuyên Nhân hoàng hậu cũng là câu trả lời rõ ràng cho việc thể hiện lòng trung thành của Tô Thức. Theo tự sự của Thiệu Bác, hành động khóc để hồi đáp của Tuyên Nhân hoàng hậu hàm chứa cuộc trao đổi của họ về một giao ước giữa một bề tôi trung thành và một người cầm quyền có trách nhiệm, một cam kết chung mà những người tham dự và cùng rơi lệ đều chứng kiến và ca tụng. Tuyên Nhân hoàng hậu đòi hỏi sự dâng hiến vô điều kiện - “dốc lòng” - chính là hành động được ngụ ý bởi lời thề trung thành trong nước mắt của Tô Thức. Khắc họa của Thiệu Bác về cuộc trao đổi này thống nhất với các sáng tác của chính Tô Thức. Trong một tài liệu nói về lòng biết ơn đối với Tuyên Nhân hoàng hậu, Tô Thức đã nói rõ ràng về cam kết của mình theo ngôn ngữ tương tự, đó là ông định “nỗ lực cho đến cuối đời, mài sắc chí hướng nguyên sơ” (kích lệ vãn tiết, chỉ lệ sơ tâm 激勵,砥礪初心) và “dù sống hay chết cũng không lay chuyển được quyết tâm báo đáp bằng tấm lòng trung nghĩa” (trung nghĩa chi báo, tử sinh bất di 忠義之報, 死生不移)[14].

Người thứ ba rơi lệ đến từ liên minh cải cách. Lục Điền 陸佃 (1041-1102) khóc giàn giụa khi Triết Tông hoàng đế mắc bệnh rồi qua đời. Lục Du 陸游 (1125-1210), cháu Lục Điền, đã thuật lại chuyện này trong cuốn bút ký có nhan đề Gia thế cựu văn 家世舊聞.

Trong suốt sự nghiệp, Lục Điền ngồi trên một vòng quay chính trị bị điều khiển bởi các cuộc chiến phe phái giữa những người ủng hộ Tân pháp và những người chống cải cách. Ban đầu, Lục Điền đi theo phe cải cách, nhưng mối liên kết đảng phái của ông dần dần trở nên không rõ ràng khi Tân pháp tan rã vào những năm 1080. Năm 1086, sau khi Thần Tông hoàng đế băng hà, triều đình triệu tập một ban biên soạn để soạn thảo Thần Tông thực lục 神宗實, bộ biên niên sử mẫu mực về triều đại đã qua. Mới đầu, ban này chủ yếu bao gồm những người ủng hộ cải cách, trong đó có Lục Điền. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, tất cả những người theo phe cải cách, ngoại trừ Lục Điền, đều rời ban vì nhiều lý do, và cuối cùng, phe chống cải cách do Tư Mã Quang là thủ lĩnh đã nắm quyền lãnh đạo[15]. Chắc chắn việc này phải diễn ra với sự phản đối mạnh mẽ của Tuyên Nhân hoàng hậu đối với những gì còn lại sau cuộc cải cách của vua Thần Tông. Ngay khi bà qua đời vào năm 1093, vị vua trẻ Triết Tông quay trở lại với chủ trương của vua Thần Tông và triệu tập liên minh cải cách trở về vị trí trung tâm của quyền lực. Xem Lục Điền như một kẻ phản bội đã cộng tác với phe chống cải cách, tân vương đã đày ông tới một thị trấn nhỏ thuộc Hồ Nam ngày nay và cho giữ chức Tri huyện Thái Châu[16].

Bối cảnh diễn ra hành động khóc là ở Thái Châu, nơi Lục Điền nghe tin Triết Tông hoàng đế ngã bệnh và đang phải dùng thuốc. Lục Điền khẩn cầu mọi đấng thần linh và tổ chức các nghi lễ theo kiểu Đạo giáo để cầu cho hoàng đế khỏe mạnh. Tuy nhiên, vua Triết Tông sớm băng hà, và chỉ dụ cuối cùng của người đến tay Lục Điền cùng với lệnh ân xá, lệnh ân xá đầu tiên do tân vương Huy Tông (trị vì từ năm 1100 đến năm 1126) ban bố.

Nghe tin, Lục Điền giàn giụa nước mắt. Khi mở bức chỉ dụ, ông “gào khóc đau đớn” (đỗng khốc 慟哭). Chính khoảnh khắc ấy, gia đình Lục Điền “mới nhận ra mối ưu tư của ông đối với đất nước” (thủy tri kỳ vi quốc tuất dã 始知其爲國卹也). Chịu ảnh hưởng từ ông, người con rể của ông là Dương Ngạn Chương (khoảng thế kỷ XI) cũng “bưng mặt khóc” (yểm diện khốc 掩面哭). Những ngày sau đó, Lục Điền “khóc rống lên” (hào khốc 號哭) khi đón những quan lại trong huyện tới thăm[17]. Ông tuyên đọc bức chỉ dụ cuối cùng cho quan lại địa phương nghe và kêu gọi mọi người nhịn ăn hoàn toàn trong cả một ngày cũng như nhịn ăn một phần trong ba ngày.

Theo lời kể của Lục Du, những giọt lệ của Lục Điền là sự giãi bày muộn màng về việc bị kết án về mặt tư tưởng và lòng trung thành đáng ngưỡng mộ. Trước thời điểm này, đồng liêu - và thậm chí là cả gia đình ông - đều không rõ liệu Lục Điền có thực sự phản bội khối cải cách hay không. Tiếng khóc của Lục Điền đã hé lộ “mối ưu tư” rõ ràng “của ông đối với đất nước”, chính là lòng trung thành bền bỉ đối với vương triều và chủ trương cải cách. Theo Lục Du, Lục Điền không sẵn sàng lên tiếng mặc dù bị hiểu lầm hàng thập kỷ. Những phần khác của Gia thế cựu văn nhắc đến việc Lục Điền từ chối phát biểu về quan hệ chính trị của mình. Chẳng hạn, khi thực hiện dự án Thần Tông thực lục, Lục Điền từng không nhất trí với những vị quan thuộc phe chống cải cách, nhưng ông không nêu rõ lập trường của mình ngay cả khi được yêu cầu lên tiếng cho bản thân[18]. Cuối cùng, hành động khóc không kiểm soát của Lục Điền đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng về bản thân, cho thấy sự kiên định về tư tưởng và lòng trung thành bất di bất dịch đối với tiên đế. Sự tận tụy của cá nhân ông với đấng cầm quyền đặc biệt khiến người khác kinh sợ vì ông đã chịu đựng sự trừng phạt bất công trong một thời gian dài với bao lần chuyển giao quyền lực.

Ở cả ba trường hợp, nước mắt đều tạo nên sự bảo đảm về lòng trung thành, và xét theo các câu chuyện, những người rơi lệ ấy đều đặt nước mắt lên trên lời nói như thể đó là cách biểu đạt lòng trung thành hữu hiệu hơn. Có lẽ họ có những lý do thuyết phục cho lựa chọn này. Nói chung, nước mắt có vẻ chân thật hơn lời nói như một cách minh bạch hóa sự trung thành. Quả thực, những cách bộc lộ tình cảm không phải bằng lời có thể được xem là tự phát hơn và do đó, đáng tin hơn sự giao tiếp bằng lời. Nước mắt giữ vị trí ưu tiên trong danh sách [những cách bộc lộ tình cảm - ND] không phải bằng lời, vì khóc, hơn bất cứ cử chỉ tình cảm nào khác, thành công trong việc “vượt qua tính sân khấu và biểu đạt điều gì đó ‘có thực’”[19].

Mặc dù nước mắt có thể diễn tả sự rõ ràng về mặt tình cảm theo một phương thức đáng tin cậy, nhưng đồng thời, nó vẫn khá mơ hồ, điều đó tạo nên căn nguyên thứ hai và cũng là căn nguyên quan trọng hơn cho tính hiệu dụng của nó. Theo góc độ tâm lý học, có lẽ khó mà nắm bắt được ý nghĩa của những giọt nước mắt mang sắc thái tình cảm, vì cảm xúc là thứ khó nắm bắt. Là sự phức hợp của “những quá trình kích hoạt suy nghĩ được kết tập một cách lỏng lẻo”[20], cảm xúc thúc đẩy các hành vi “mà không hé lộ nhiều về chính bản thân nó”[21]. Tình cảm là một “phán quyết được đi đến một cách huyền bí” vì nó có từ trước khi người ta nhận thức được những lý do còn tiềm ẩn[22]. Nước mắt làm cho việc diễn giải ý nghĩa trở nên phức tạp hơn vì nó có thể xuất phát từ nhiều cảm xúc - thậm chí là những cảm xúc trái ngược nhau. Là “một hành vi về cơ bản là mơ hồ”[23], khóc đương nhiên khuyến khích những diễn giải đa chiều hướng.

Tính mơ hồ cố hữu ở hành vi khóc khiến nó trở thành một phương thức hữu hiệu hơn ngôn từ trong việc biểu đạt lòng trung thành ít nhất vì hai lý do. Một là, một số sự mơ hồ là cần thiết để hòa giải những bất tiện và bấp bênh mà trạng thái phân cực về mặt chính trị gây ra. Một ví dụ hữu ích chính là tình thế mà Tô Thức đối mặt. Mặc dù Tuyên Nhân hoàng hậu và hoàng thượng giữ lập trường khác hẳn nhau, nhưng Tô Thức được kỳ vọng rằng ông sẽ thề trung thành với Tuyên Nhân hoàng hậu - và theo gợi ý của bà - để thể hiện lòng biết ơn với tiên đế. Tô Thức chẳng thể nói điều gì phù hợp cả, vì chẳng thể nào trung thành theo cùng một cách với hai đấng cầm quyền mà cả hai người đó lại không nhất trí với nhau. Trong trường hợp của Lục Điền, từ trước đó rất lâu, ông đã chọn cách từ bỏ việc giải thích bằng lời nói. Có thể ông muốn hành xử một cách có đạo đức và tránh tỏ ra phòng vệ, như Lục Du gợi ý. Rõ ràng Lục Điền cũng phải đối mặt với một thách thức tương tự như tình thế của Tô Thức khi ông trung thành với ba đấng quân vương có lập trường tư tưởng đối lập nhau.

Tính mơ hồ của nước mắt cũng hòa giải những động năng quyền lực đa sắc thái giữa hoàng đế và bề tôi, vì lòng trung thành nảy sinh từ những cuộc thương thảo ẩn dưới vẻ ngoài phục tùng. Từ điểm nhìn của kẻ sĩ, khóc có lẽ là phản ứng thích hợp nhất ở thời điểm họ thừa nhận vị trí tòng thuộc mà lại có được quyền lực thực sự. Trên thực tế, khoảnh khắc sướt mướt ở cả ba trường hợp trên đều đồng thời là khoảnh khắc “chiến thắng” khi Tư Mã Quang giành được vị thế cao hơn phe cải cách, Tô Thức quay lại trung tâm của quyền lực và Lục Điền không còn bị kết tội phản bội và có thể trở về kinh đô.

Đặc biệt, với Tư Mã Quang và Tô Thức, bằng chứng cho lòng trung thành của họ đã củng cố mối liên minh quyền lực với quân vương, ngay khoảnh khắc họ quay trở lại vị trí như một nhân tố có sức tác động của quyền lực chuyên chế. Nhìn thoáng qua, thành công của họ có thể là do hoàng đế thay đổi quan điểm hoặc nhờ uy thế của người nắm quyền mới có chung quan điểm, nhưng trên thực tế, tất cả những sự thay đổi quan điểm ấy đều là kết quả của những cuộc thương thảo liên miên giữa hoàng đế và bề tôi chứ không phải do sự thất thường của cá nhân hoàng đế. Tư Mã Quang là một ví dụ. Sự hiện diện của ông như một đối thủ bộc trực đem đến cho hoàng đế một tác động thiết yếu đối với phe cải cách, những người mà sự mở rộng quyền lực thái quá của họ sẽ liên quan đến hoàng đế, dù về mặt tư tưởng, ngài ủng hộ phe này. Dù nắm quyền hay bị đày ải, Tư Mã Quang vẫn là người điều đình chủ chốt trong định hướng chính trị của nhà Tống[24]. Mặc dù Tư Mã Quang dĩ nhiên là người duy nhất có ảnh hưởng nổi bật một cách khác thường đối với hoàng thất, nhưng sự tín nhiệm cao độ của hoàng đế đối với những bề tôi đóng vai trò cố vấn và năng lực thuyết phục đấng cầm quyền của kẻ sĩ là những xu hướng phù hợp ở mọi phương diện của nền chính trị lúc bấy giờ. Không phải viên quan nào cũng có ảnh hưởng đến chính quyền chuyên chế, nhưng nhìn chung, mọi trí thức đều nằm trong hình tam giác mà ở đó, hoàng đế và bề tôi dàn xếp quyền lực theo kiểu hợp tác có phụ thuộc lẫn nhau.

Nói cách khác, đưa ra yêu sách về thắng lợi bằng một biểu hiện mang tính quy thuận của lòng trung thành là một màn kịch nho nhỏ phản ánh những phương thức chung mà kẻ sĩ vận dụng để thực thi quyền lực của họ. Việc lui về vị trí cấp dưới đối với hoàng đế là một phần của những cuộc thương thảo quyền lực; nó chắc chắn phải diễn ra trước khi kẻ sĩ đạt đến quyền lực lớn hơn và cuối cùng là sự thống trị đối với thần dân của nền chuyên chế. Với sự mơ hồ đặc trưng, nước mắt tạo nên một phương thức thuyết phục mà không gây bàn cãi để biểu đạt lòng trung thành phức tạp này mà không cần hi sinh những sắc thái cần thiết trong sự cân bằng quyền lực tạm thời do hai bên điều khiển. Chúng ta có thể mô tả sự mơ hồ trong hoàn cảnh này như một sự pha trộn các phẩm tính của nam giới và nữ giới được khắc họa trong những giọt lệ của nam nhân. Nghĩa là khóc lóc cho phép người ta dung chứa biểu hiện ôn hòa, mềm dẻo trong quá trình hiện thực hóa quyền lực, nó tỏ ra là một phương thức độc đáo và hiệu quả để thực hiện việc thống trị[25].

                                                                                                      (Còn nữa)



[1] Xem Peter K. Bol, “Whither the Emperor? Emperor Huizong, the New Policies, and the Tang-Song Transition”, Journal of Song-Yuan Studies 31 (2001): 133. Bol sử dụng những ví dụ từ giai đoạn Tân pháp (Những chính sách mới) để nêu lên quan điểm của mình, và đây cũng chính là bối cảnh ở phần thảo luận tiếp theo của tôi.

[2] Xem Ari D. Levine, Divided by a Common Language: Factional Conflict in Late Northern Song China (Honolulu, HI: Đại học Hawai’i ấn hành, 2008), tr.1-2.

[3] Xem Xiao-bin Ji, Politics and Conservatism in Northern Song China: The Career and Thought of Sima Guang (A.D. 1019-1086) (Hồng Kông: Đại học Trung Hoa ấn hành, 2005), tr.183.

[4] Dẫn nhập về Tân pháp, xem Paul J. Smith, “Shen-tsung’s Reignand the New Policies of Wang An-shih, 1067-1085”, trong Denis Twitchett and Paul J. Smith (Biên soạn), The Cambridge History of China, Tập 5, Phần 1: The Sung Dynasty and Its Precusors, tr.907-1279 (Cambridge: Đại học Cambridge ấn hành, 2008), tr.347-483.

[5] Xem Peter K. Bol, “Government, Society, and State: On the Political Visions of Ssu-ma Kuang and Wang An-shih”, trong Robert P. Hymes and Conrad Schirokauer (Biên soạn), Ordering the World: Approaches to State and Society in Sung Dynasty China (Berkeley và Los Angeles: Đại học California ấn hành, 1993), tr.128-192.

[6] Khắp Thanh Ba tạp chí, Chu Huy khắc họa Tư Mã Quang một cách nhất quán như một mẫu mực về đạo đức. Để có một ví dụ về lời tán dương của Chu Huy đối với sự liêm chính của Tư Mã Quang, xem Chu Huy, Thanh Ba tạp chí, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 5, Tập 9, Quyển 11, tr.123.

[7] Chu Huy, Thanh Ba tạp chí, Quyển 11, tr.123.

[8] Lý Đảo 李燾 (1115-1184), Tục Tư trị thông giám trường biên 續資治通鑒長編, Bản in lần thứ 2 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2004), Quyển 252, tr.6160.

[9] Chu Huy, Thanh Ba tạp chí, Quyển 6, tr.73; Quyển 10, tr.111.

[10] Về việc phản đối Vương An Thạch của Tô Thức, xem Ronald C. Egan, Word, Image, and Deed in the Life of Su Shi (Cambridge, MA: Trung tâm Châu Á của Đại học Harvard, 1994), tr.54-85.

[11] Thiệu Bác, Thiệu thị văn kiến hậu lục, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 4, Tập 6, Quyển 21, tr.142-143.

[12] Thiệu Bác, Thiệu thị văn kiến hậu lục, tr.142.

[13] Như trên.

[14] Tô Thức, Tô Thức văn tập 蘇軾文集 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986), Quyển 23, tr.666.

[15] Xem Thái Sùng Bảng 蔡崇榜, Tống đại tu sử chế độ nghiên cứu 宋代修史制度研究 (Đài Bắc: Văn Tân xuất bản xã, 1991), tr.82.

[16] Đoái Đoái 脫脫 (1315-1355) và những người khác, Tống sử 宋史 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1977), Quyển 342, tr.10919.

[17] Xem bốn trích dẫn trên đây trong Lục Du, Gia thế cựu văn, trong Chu Dịch An, Phó Tuyền Tông và Chu Thường Lâm (Biên soạn), Toàn Tống bút ký, Series 5, Tập 8, Quyển 1, tr.234.

[18] Như trên, Quyển 1, tr.231.

[19] Swift, “A Penitent Prepares”, tr.90.

[20] Reddy, The Navigation of Feeling, tr.94.

[21] David Pugmire, Sound Sentiments: Integrity in the Emotions (Oxford: Đại học Oxford ấn hành, 2005), tr.3.

[22] Như trên, tr.21.

[23] Elina Gertsman, “Introduction: ‘Going They Went and Wept’: Tears in Medieval Discourse”, trong Elina Gertsman (Biên soạn), Crying in the Middle Ages, tr.xii.

[24] Đây là luận điểm khái quát trong nghiên cứu của Xiao-bin Ji về Tư Mã Quang. Xem Xiao-bin Ji, Politics and Conservatism in Northern Song China: The Career and Thought of Sima Guang (A.D. 1019-1086).

[25] Về sự pha trộn giữa tính nam và tính nữ trong lối tu từ của kẻ bề tôi trung thành, xem thảo luận của Martin Huang về việc một người đàn ông tự so sánh mình với một người phụ nữ như một chiến lược tái/nam tính hóa của anh ta trong Negotiating Masculinities in Late Imperial China, tr.2-3 và 13-32. Tương tự, Beverly Bossler thảo luận về việc đàn ông đã chiếm dụng lòng trung thành của phụ nữ để tạo nên lòng trung thành của đàn ông như thế nào trong Courtesans, Concubines, and the Cult of Female Fidelity (Cambridge, MA: Trung tâm châu Á của Đại học Harvard, 2013), tr.424-425.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114440548

Hôm nay

2143

Hôm qua

2309

Tuần này

2452

Tháng này

215722

Tháng qua

112676

Tất cả

114440548