Góc nhìn văn hóa
Tăng cường quảng bá các hoạt động văn hóa trên mạng xã hội
Trang Facebook của Bảo tàng Nghệ An - một trong những đơn vị tận dụng tốt hiệu quả của mạng xã hội
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, mạng xã hội, hoạt động quảng bá các sự kiện văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều thay đổi tích cực. Ngoài kênh báo chí chính thống, chúng ta đã khai thác các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,… trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Nhờ thế, các chương trình được tổ chức có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm, tham dự. Để có bước tiến hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, thiết nghĩ những người làm công tác văn hóa cần đẩy mạnh kênh thông tin này, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những điểm còn hạn chế.
Tại sao mạng xã hội lại là một kênh cần quan tâm? Chúng ta đều biết hiện nay nó đang là kênh truyền tải, kết nối thông tin nhanh, mạnh và phổ biến trên thế giới. Việt Nam là một nước có số lượng người sử dụng mạng xã hội lớn, thời gian sử dụng nhiều. Ba mảng được người Việt tìm kiếm, quan tâm nhiều nhất là thời trang làm đẹp, ăn uống, du lịch. Qua một vài số liệu thống kê có thể thấy, Facebook là một kênh quảng bá các hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực không thể tốt hơn. Đó là một “mảnh đất” thực sự “màu mỡ” để khai thác. Ngoài khả năng lan truyền rộng, tốc độ lan truyền nhanh, mạng xã hội còn là nơi có tính tương tác cao. Mặt khác, các trang trên Facebook cho phép người lập phân tích một cách tỉ mỉ các số liệu liên quan đến thông tin đưa ra. Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, công cụ này đã được sử dụng rộng rãi cho hoạt động quảng bá. Điều này đã được chứng minh qua thành công của nhiều quốc gia như Thái Lan với chiến dịch Discover Thainess hay Philippines với It’s more fun in Philippines,… Ngoài Facebook, các trang Youtube, Twitter, Instagram…cũng nên được tận dụng triệt để bởi đây là những trang được người trẻ thường xuyên cập nhật, sử dụng và chia sẻ tìm kiếm thông tin.
Top 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới theo số liệu đến 5/2023, nguồn: Báo người lao động
Vậy, chúng ta sẽ tận dụng những công cụ này như thế nào? Đó là lập những tài khoản Facebook, kênh Youtube của cơ quan mình và đăng tải nội dung thông tin trên đó; thậm chí tạo ra những chiến dịch, những chương trình vận động trên mạng xã hội. Nếu các nội dung đăng tải trên mạng xã hội có nội dung thực sự hấp dẫn, sáng tạo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thì sẽ được chia sẻ rộng rãi. Cách làm này không chỉ giúp những bài quảng bá được biết đến nhiều hơn mà còn là cách hiệu quả để xây dựng, khẳng định thương hiệu văn hóa Nghệ An. Đặc biệt, trên các trang như Facebook, có hỗ trợ công cụ để giúp trang của mình được biết đến nhiều, tăng lượt thích, theo dõi; tăng lượt xem, tương tác của các bài viết,v..v… Bên cạnh đó Youtube, Facebook hiện nay còn cho phép bật quảng cáo kiếm tiền trên các video. Nếu biết tận dụng các trang này chúng ta không những đạt được mục đích là tăng hiệu quả của việc quảng bá di sản, các hoạt động văn hóa trên kênh của mình mà còn có thể kiếm được một nguồn thu không hề nhỏ nếu khai thác tốt. Nguồn thu này có thể sử dụng để phục vụ cho các hoạt động quảng bá cũng như bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Có thể thấy, thời gian qua, Sở Văn hóa & Thể thao cũng như các đơn vị trực thuộc đã tích cực tận dụng mạng xã hội trong việc thông tin, quảng bá các hoạt động, sự kiện văn hóa của tỉnh, của ngành cũng như đơn vị mình. Ngoài các trang trên Facebook, còn có các nhóm mở chuyên thông tin về di sản và các hoạt động văn hóa thể thao của tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời (nhóm Văn hóa & Thể thao Nghệ An, Nhóm Nghệ An di sản, nhóm cổ vật,…). Một số đơn vị duy trì tốt trang Facebook của mình, có lượt theo dõi và tương tác cao như: Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quảng trường Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh, Trung tâm văn hóa tỉnh…Trước các sự kiện lớn như festival Dân ca Ví giặm, chương trình nghệ thuật chào năm mới “Hào khí Sông Lam”,… đều có quảng bá trên các trang mạng xã hội, đổi ảnh đại diện hưởng ứng, tạo sức lan tỏa lớn.
Những kết quả thời gian qua rất đáng ghi nhận, minh chứng sự thay đổi trong tư duy, cách làm theo hướng tích cực. Tuy nhiên, để thực sự khai thác hiệu quả các trang mạng xã hội trong công tác quảng bá các sự kiện văn hóa, thể thao cũng như góp phần xây dựng, lan tỏa thương hiệu văn hóa Nghệ An sẽ còn nhiều việc phải làm. Chúng ta phải đầu tư hơn về mặt nội dung và hình ảnh theo hướng chỉn chu, chuyên nghiệp; có kế hoạch truyền thông, quảng bá bài bản thay vì chỉ đăng một cách tự phát, ngẫu hứng. Đặc biệt, những người làm công tác văn hóa phải thực sự thay đổi tư duy, cách làm quảng bá; phải không ngừng làm mới mình, tìm tòi những cách làm mới hiệu quả.
Với sự phát triển không ngừng của trí tuệ con người và của công nghệ, bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào, nếu không thay đổi để bắt kịp xu hướng thời đại đều đồng nghĩa với chấp nhận bị bỏ lại phía sau và dần dần sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Ngành Văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nếu muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn các sự kiện văn hóa & thể thao đến với công chúng, muốn xây dựng và quảng bá thương hiệu Nghệ An đến với bạn bè trong cũng như ngoài nước, chúng ta phải thay đổi một cách triệt để và quyết liệt từ tư duy đến hành động, phải biết tận dụng tốt nhiều kênh thông tin trong đó có mạng xã hội trong việc quảng bá di sản và các hoạt động văn hóa trên địa bàn. Chắc chắn, nếu làm tốt điều này, trong tương lai, chúng ta sẽ thu về nhiều kết quả tích cực và vẻ đẹp Văn hóa xứ Nghệ sẽ ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Giáp Thìn - Tháng 1/2024)
tin tức liên quan
Videos
Chùa Diệc - Diệc cổ tự - Diệc cổ Tùng lâm
Luận bàn về văn hóa ứng xử
Từ “Vịnh” đến “Vinh”
Roy Medvedev: “Stalin từng mơ ước trở thành nhà văn”
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Thống kê truy cập
114520891
2259
2339
21932
218830
121009
114520891