Góc nhìn văn hóa

Học Bác - Tấm gương yêu lao động, biết dựa vào sức mình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của lao động trong đời sống của xã hội, bởi vì “Lao động tạo ra của cải, tạo ra văn minh, tạo ra hạnh phúc cho loài người. Lao động là rất vẻ vang, rất cao cả. Cho nên mọi người phải yêu lao động, phải trọng lao động, phải ra sức lao động, để xây dựng cho Tổ quốc mạnh giàu”. Người nhấn mạnh: “Học là cốt để lao động cho tốt, sản xuất cho tốt”. Theo Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “mỗi người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Và hơn ai hết, Người là tấm gương yêu lao động, biết dựa vào sức mình với tinh thần dám nghĩ dám làm. Người không chấp nhận sự lười biếng, ỷ lại mà luôn cải tiến để ngày một tốt hơn.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (năm 1958). Ảnh Tư liệu

Trong kho tàng tư tưởng giáo dục của Bác Hồ, giáo dục lao động là một bộ phận hợp thành khăng khít và giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Từ quan niệm đó, Bác chủ trương phải cải tạo nền giáo dục: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc giáo dục ý thức quý trọng lao động cho học sinh ngay từ trong nhà trường, bởi đây là nơi các em học những kiến thức để phục vụ cho đời sống và lao động sản xuất. Là một nhà giáo yêu nước và một chiến sĩ cách mạng suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, Bác sớm quan tâm đến vấn đề đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ. Người không chỉ cảm thông sâu sắc với nguyện vọng, khát khao học tập của quần chúng nghèo khổ mà còn sớm tiếp thu được những tư tưởng giáo dục tiên tiến của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có vấn đề kết hợp việc dạy học với lao động sản xuất, xem đây như là “phương pháp duy nhất để sản xuất ra những con người phát triển toàn diện”. Bác khẳng định chủ trương của Bộ Giáo dục: Đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục lao động trong nhà trường là một khâu chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo thế hệ trẻ đã có những kiến thức khoa học lại có những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, những thói quen lao động, sẵn sàng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bác cũng rất coi trọng việc nhắc nhở thế hệ trẻ phải tiết kiệm, thực hiện cần cù và tiết kiệm, cần cù đi với tiết kiệm. Bác đã trực tiếp góp phần giáo dục lao động cho học sinh bằng cách luôn luôn chú ý khuyên nhủ, khen ngợi và khuyến khích những cháu đạt thành tích tốt trong lao động. Bác thường khuyên các cháu “Học tập tốt, lao động tốt” hay “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình” và biểu dương “nhiều cháu đã tổ chức tham gia sản xuất, trồng lúa, trồng ngô, nuôi gà, nuôi vịt”. Bác Hồ yêu cầu: “Trong việc giáo dục phải có môn giáo dục về lao động”. Yêu cầu đó đã được Đại hội Giáo dục toàn quốc (tháng 7-1951) ghi trong Nghị quyết: Coi môn tăng gia sản xuất như các môn học chính thức khác. Tinh thần cơ bản đó vẫn được duy trì suốt từ đó tới nay. Trong bản thảo Di chúc, viết tháng 5 năm 1968, Bác còn căn dặn: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của Nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương lao động mẫu mực, sáng ngời. Có những việc tưởng chừng như chỉ những người lao động ở lĩnh vực đó mới biết được thì Bác làm rất thuần thục, kể cả công việc lao động chân tay. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước nguồn gốc nông dân lao động, ngay từ tuổi thiếu thời, Bác đã được giáo dục ý thức lao động. Dù ở đâu, Bác cũng sống và lao động cùng với Nhân dân, không những Người thấu hiểu được nỗi thống khổ của đồng bào, mà còn sớm nhận thấy giá trị to lớn của lao động và biết quý trọng người lao động. Ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, Người hòa mình vào quần chúng công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da. Người đã lao động cật lực để sống và để hoạt động cách mạng như: phụ bếp, làm vườn, quét tuyết, đốt lò, phục vụ trong khách sạn, làm ảnh, vẽ thuê, v.v… Khi ở Thái Lan, Bác tham gia lao động cùng kiều bào trong Hội hợp tác, như đào giếng, làm vườn, gánh gạch xây trường học cho trẻ em, v.v... Ngay cả khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thường trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi cá,… coi đó là một niềm vui và rèn luyện sức khỏe. Lao động chân tay đã tạo thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của Bác, có quan hệ khăng khít với lao động trí óc và hoạt động cách mạng của Người. Bác đã nêu tấm gương sáng về sự kết hợp, bổ sung lẫn nhau giữa lao động chân tay và lao động trí óc, về sự gắn liền cần cù với tiết kiệm theo tinh thần cao quý của dân tộc “cần, kiệm, liêm, chính”. Bác luôn cho chúng ta những bài học sâu sắc thông qua những sinh hoạt thường ngày của mình. Chúng ta còn nhớ mẩu chuyện “Bác tập cho chúng tôi có kế hoạch lao động”.

“Hồi ở Pắc-Bó, sáng ra Bác thường bố trí công việc cho chúng tôi làm. Ai không có việc được Bác tìm việc cho. Ai sắp xếp được công việc trong ngày, Bác thấy vui dù việc làm là rất nhỏ. Bác thường hỏi từng người:

- Hôm nay chú định làm gì?

- Thưa Bác, vá áo ạ!

- Được! Còn chú kia?

- Thưa Bác, nghiên cứu tài liệu ạ!

- Được! Còn chú này chưa có việc gì à? Sách này hay đấy, chú đọc đi. Tôi cũng như các anh em khác thường được Bác chăm lo như vậy. Đặc biệt là khi chúng tôi nghiên cứu tài liệu, Bác thường hướng dẫn rất chu đáo giúp chúng tôi quen dần vào nề nếp. Đối với anh chị em phục vụ, Bác cũng ân cần chỉ bảo. Tôi nhớ có lần Bác nói với chị Trưng người Cao Bằng:

- Nấu cơm rửa bát cũng phải có trật tự, có kế hoạch cụ thể. Trước khi nấu cơm phải kiếm củi rồi mới đổ gạo vào nồi vo, rồi nhóm lửa, và chạy đi lấy lá đợi cơm cạn đậy vào. Chứ vo gạo rồi mới chạy đi kiếm củi thì thật là vô lý. Việc nhắc nhở thường xuyên của Bác rèn luyện cho mọi người ở bên cạnh Bác có một thói quen sắp xếp công việc hàng ngày, rèn luyện cho bộ óc chúng tôi quen làm việc có kế hoạch, tránh sự tùy tiện tản mạn và nhất là tránh nhàn rỗi”. Qua đó chúng ta thấy được sự đòi hỏi hàng đầu của Bác làm công việc gì cũng cần có kế hoạch. Công việc dù lớn hay nhỏ cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ. Tránh tham lam, phải chọn việc phù hợp và vừa sức. Cả cuộc đời, Bác dành cho công việc là sự tận tâm, tận lực cũng như Bác luôn nhắc nhở cán bộ phải biết quý thời gian, làm việc đúng giờ, tránh lãng phí sức lực, dành thời gian cho công việc phải quý từng giờ, từng phút. Câu chuyện tuy đơn giản nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đề cao lao động. Ngoài thì giờ cần thiết cho sinh hoạt cá nhân, thời gian còn lại trong ngày, Bác bố trí rất sít sao, hầu như chẳng còn lúc nào nghỉ ngơi. Bác làm việc suốt ngày, thường đến tận đêm khuya, có nhiều lúc đang ngủ cũng dậy làm việc. Bác nói: “Đang nghĩ được một vấn đề, phải dậy ghi lại cho khỏi quên”. Dù công việc bề bộn nhưng Bác vẫn dành thời giờ nghiên cứu, viết tài liệu, sách báo. Đối với Bác, việc lớn, việc nhỏ, việc nào cũng có tầm quan trọng của nó. Bác thường dặn cán bộ: tự mình “phải làm gương mẫu cho đồng bào, “miệng nói tay phải làm”, “chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”. Ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, Bác có việc phải đi giữa một ngày mưa rất to. Anh em cảnh vệ lo tìm ngựa để Bác đi cho đỡ mệt. Bác nói: Chúng ta có bảy người. Ngựa chỉ có một con, Bác đi sao tiện. Bác cháu ta phải cùng nhau đi bộ chứ. Thôi, đem trả ngựa cho dân. Anh em nằn nì mãi, Bác mới đồng ý cho dẫn ngựa theo để mang đỡ đồ đạc. Trong khu an toàn, mặc dầu xa địch, nhưng mỗi lần chuyển địa điểm, ngoài việc làm lán trại, Bác cháu còn phải đào hầm, hố, đào công sự đề phòng máy bay tập kích bất ngờ, cây rừng đổ xuống. Bác thường giúp đỡ các chiến sĩ bảo vệ vẽ mẫu hầm, cách cầm xẻng, phá đất đá, nện "choòng"... Cứ sau giờ làm việc, Bác đào một ít, vài ba buổi là xong. Ai muốn đến giúp, Bác ngăn lại, không đồng ý và nói:

      - Đây là quyền lao động của Bác.

Từ năm 1954-1969, Bác làm việc trong Phủ Chủ tịch, ngoài các công việc hành chính, Bác Hồ vẫn nuôi cá, trồng rau, tưới cây. Đến thăm hỏi đồng bào các nơi, Bác tham gia đạp guồng nước, tát nước chống hạn, trồng cây, làm vườn, kéo lưới với người dân. Những việc làm ấy đều xuất phát từ cảm hứng yêu thích lao động, lòng thương đồng bào. Có thể nói, Bác Hồ là vị lãnh tụ hiểu giá trị lao động, quý trọng người lao động. Ở Bác luôn có sự kết hợp hài hòa, tuyệt đẹp của hình ảnh người nông dân trong hình ảnh lãnh tụ. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”, Nhân dân cả nước đã nêu cao truyền thống cần cù, siêng năng, ra sức lao động sản xuất nâng cao đời sống, bảo đảm lương thực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chính nhờ đức tính siêng năng, cần cù lao động mà dân tộc ta, mỗi chúng ta không sợ khó, sợ khổ, biết bền bỉ, nhẫn nại trong học tập, lao động sản xuất. Ngày nay, với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, động viên, cổ vũ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, biết dựa vào sức mình lao động sáng tạo, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 -19/5/2023), mỗi chúng ta cùng nhau ôn lại và học tập Bác ở tư tưởng, quan điểm lao động, tiếp tục nỗ lực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với lời dạy “Lao động là vinh quang” để góp phần vào xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443140

Hôm nay

231

Hôm qua

2305

Tuần này

2953

Tháng này

218314

Tháng qua

112676

Tất cả

114443140