Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. (Ảnh tư liệu)
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, quốc gia hưng thịnh hay suy vong phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng nhân tài. Từ lâu, ông cha ta đã ý thức được rằng, muốn xã hội phát triển phải có một đội ngũ những người có tài năng và đức độ làm rường cột. Đó là những nhân tài của đất nước. Với Hồ Chí Minh, Người rất quan tâm, coi trọng việc sử dụng nhân tài, xem nhân tài là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, ươm trồng, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam mới ra đời. Đứng trước những thử thách khốc liệt của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, hơn bao giờ hết, mọi nguồn lực của dân tộc, trong đó có nguồn lực trí tuệ và đội ngũ nhân tài cần được khơi dậy, quy tụ và phát huy. Sử dụng nhân tài, nhất là các nhân sĩ, trí thức tài năng ngoài Ðảng khi đó có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng. Để giải quyết được những khó khăn đó, Hồ Chí Minh đã chủ trương tìm người tài và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và sử dụng nhân tài. Người khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Người chỉ rõ, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Theo Người, khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Người chỉ rõ: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Thực hiện chủ trương đó, Hồ Chí Minh đã yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra và báo cáo với Chính phủ những “người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân” để sử dụng. Theo Người, người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc sử dụng nhân tài phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Người yêu cầu, phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Dùng nhân tài phải đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại đối với Đảng và đất nước.
Trong thực tiễn, chính những cách tôn vinh, trọng dụng, đối xử nhân hòa, thành thực của Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng đối với đội ngũ nhân sĩ, trí thức tài danh đã góp phần củng cố uy tín của chính quyền cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết, cô lập các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của nước nhà. Để sử dụng nhân tài theo quan điểm của Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ
Công tác này phải được tiến hành thường xuyên vì “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”. Đảng ta cũng khẳng định việc đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất trong công tác cán bộ. Trong đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu. Đây là căn cứ để thực hiện các nội dung khác của công tác cán bộ như bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch cán bộ. Thông qua đánh giá cán bộ, Đảng ta tìm được những người tài và bố trí họ vào những vị trí công tác xứng đáng để phát huy được năng lực, sở trường của họ, đồng thời phát hiện những kẻ “hủ hóa”, những người thoái hóa biến chất, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị để loại bỏ ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho chúng ta thấy, “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu… Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình… Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp”, và đây vẫn là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ. Do đó, chúng ta chưa phát hiện được nhiều nhân tài và cũng chưa tìm được hết những kẻ thoái hóa biến chất để đưa ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết phải thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, một khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng và quan trọng hơn phải phát hiện ra những người tài trong xã hội, “khéo dùng” họ vào các công việc có ích, “không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe”, cần tạo môi trường công tác thuận lợi để họ phát huy hết khả năng của mình, góp phần cho sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, có gan cất nhắc cán bộ
Có gan nghĩa là phải mạnh dạn, không rụt rè, không quá khắt khe trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Tuy nhiên, có gan không có nghĩa là làm vội, làm ẩu, làm liều. Mà phải thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ, Người yêu cầu: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ… Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay”. Sau khi đề bạt, bổ nhiệm cần phải tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ họ để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: “Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”. Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy sự sáng tạo của cán bộ, cần đưa họ vào phong trào cách mạng, đi vào đời sống nhân dân, coi đó là trường học lớn để học tập, rèn luyện và trưởng thành. Người đòi hỏi cán bộ cách mạng phải là những người vừa có đức, vừa có tài để đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng.
Thứ ba, phải kiên quyết chống bệnh hẹp hòi, chia rẽ, bè phái, cục bộ trong Đảng và trong công tác cán bộ của Đảng
Một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài là “bệnh hẹp hòi”. Nó là một kẻ địch đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ… phá hoại Đảng từ trong phá ra. Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”. Còn bệnh bè phái và chia rẽ cũng tác hại rất lớn cho Đảng: “Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”. Muốn sử dụng nhân tài thì phải ra sức chống căn bệnh đó và chữa khỏi những bệnh đó.
Vì bệnh hẹp hòi mà cán bộ không muốn người khác hơn mình, không muốn sử dụng những người tài hơn mình mà tìm cách “dìm” người ta xuống. Điều đó rất có hại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ở những nơi có lãnh đạo mắc bệnh hẹp hòi, người tài thấy mình không có “đất dụng võ”; họ nhạy cảm và dễ dàng nhận thức ra vấn đề này. Thông thường là họ sẽ chuyển công tác. Vì bệnh chia rẽ, bè phái mà nội bộ mất đoàn kết, lục đục, phân chia thành các phe phái. Những người có “tài đức” thật sự, họ là những người có lòng tự trọng, họ muốn làm việc để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và cho lý tưởng của mình. Ở môi trường công tác có nhiều mâu thuẫn, bè phái, đố kị… người tài không muốn tham gia vào những cuộc đấu đá lẫn nhau; họ tìm một môi trường công tác tốt hơn, thuận lợi hơn. Như vậy, Đảng và Nhà nước mất đi một nguồn nhân tài, một vốn quý cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Những căn bệnh nêu trên có tác hại rất lớn đến cán bộ và công tác cán bộ của Đảng và đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra; muốn chiến thắng nó phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người cán bộ phải loại bỏ những căn bệnh này mới là người cộng sản cách mạng chân chính và công tác cán bộ mới thật sự lựa chọn được người tài cho Đảng, cho đất nước.
Thứ tư, phải có cách lãnh đạo khoa học, tôn trọng tập thể
Trong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ là một nguyên nhân làm mất nhân tài. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ. Hồ Chí Minh cho rằng, vì “cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”. Theo Hồ Chí Minh, người cộng sản khi đã có chính quyền dễ mắc phải bệnh “kiêu ngạo cộng sản”; sự kiêu ngạo đó dẫn đến sự xa lánh của người có tài. Sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc phải do chính quần chúng nhân dân tạo nên. Quyền lực của họ có được chính là quyền lực của nhân dân giao phó. Họ phải biết sử dụng những quyền lực đó một cách khoa học, hợp lý để tìm và sử dụng được những người tài trong Nhân dân. Người căn dặn: Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to hóa ra tài nhỏ… Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chỉ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách lãnh đạo dân chủ, gần dân, sát với Nhân dân, biết chăm lo đến lợi ích của Nhân dân, phát huy được sáng kiến của người tài. Đây là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn trong công việc và thu lượm được người tài trong Nhân dân, cùng chung tay xây dựng đất nước. Nghị quyết Trung ương VII khóa X của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, thể hiện rõ sự quan tâm lựa chọn và sử dụng những người hiền tài cho Đảng và cách mạng. Đại hội XI, XII và XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định, việc phát triển tri thức gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là một tất yếu. Để xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta xác định phát triển và trọng dụng tri thức được đặt lên hàng đầu và đóng vai trò quyết định. Đội ngũ trí thức và những người có tài ngày càng được đánh giá cao và được tạo điều kiện để phát huy khả năng của mình cống hiến cho đất nước. Để phát huy được năng lực, sở trường của đội ngũ trí thức, phải đánh giá đúng sự cống hiến, đóng góp của họ để từ đó có những biện pháp trọng dụng và phát triển đội ngũ trí thức. Đội ngũ này cần được xác định như đầu tàu, mũi nhọn để thúc đẩy tri thức và khoa học phát triển, nhất là trong điều kiện hiện nay, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của xã hội. Những công lao, đóng góp của họ phải được ghi nhận xứng đáng.
Trong công tác cán bộ, cần phải bố trí người tài vào những vị trí quan trọng để họ phát huy hết khả năng của mình; đồng thời phải kiên quyết chống bệnh ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, kèn cựa lẫn nhau, phát hiện và đưa ra khỏi tổ chức những người mắc phải căn bệnh đó. Bên cạnh đó, người lãnh đạo quản lý phải biết sửa mình rồi mới sửa người, phải làm việc với tác phong khoa học, dân chủ và đại chúng, kiên quyết loại bỏ tác phong quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán vì nó có hại cho cách mạng và không sử dụng được nhân tài. Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó nhưng tính xấu của người cán bộ, đảng viên sẽ hại đến Đảng, đất nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, sau 35 năm đất nước đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong vấn đề lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài. Đó là, cho đến nay việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, cả trong Đảng và ngoài Đảng, chưa thành quốc sách hay thành chiến lược quốc gia. Đảng ta nhận định, chúng ta vẫn còn “Thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng người tài”; “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”; “Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân”. Những đánh giá đó cũng đúng với việc thu hút và trọng dụng nhân tài cả trong Đảng và ngoài Đảng, khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước. Vì vậy, Đảng ta yêu cầu phải “đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nghĩa là, sau khi phát hiện được nhân tài, xác định được người có tài cả trong Đảng và ngoài Đảng thuộc các lĩnh vực khác nhau, thì các bộ phận có trách nhiệm liên quan phải tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi đắp, phát triển và hoàn thiện các năng lực và phẩm chất của nhân tài. Có như vậy, người tài mới yên tâm hiến dâng tất cả trí tuệ, tài năng của mình cho sự nghiệp mà họ đeo đuổi, hết lòng phụng sự cho đất nước, phục vụ nhân dân.
Muốn phát hiện được người tài, muốn có đội ngũ trí thức tinh hoa giỏi, muốn người tài phát huy hết khả năng phục vụ Tổ quốc thì điều cốt lõi là phải có chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài thật tốt. Chính sách ở đây không chỉ là chính sách đãi ngộ vật chất hay tiền lương, mặc dù không thể thiếu chúng. Đặc biệt là khi hệ thống bậc lương hiện nay rất không khuyến khích những người làm việc tốt, chưa nói gì đến người tài hay nhân tài. Vấn đề quan trọng hơn là, Đảng và Nhà nước ta cần phải tạo điều kiện, môi trường làm việc thật tốt, phương pháp quản trị tiên tiến để phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người.
Trong điều kiện cạnh tranh nhân tài diễn ra rất gay gắt giữa các nước, hiện nay, việc phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài là nhiệm vụ rất quan trọng và phải trở thành “quốc sách”, thành chủ trương, chính sách nhất quán, có hiệu quả cao để tăng cường sức mạnh của đất nước, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, chủ trương phải “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng” do Đại hội XIII của Đảng đề ra là hết sức đúng đắn và kịp thời. Khi chủ trương này được thực hiện nghiêm chỉnh và hiệu quả, nhất định sẽ góp phần thiết thực để đưa nước ta đạt được mục tiêu: “Đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Tóm lại, tư tưởng và kinh nghiệm về sử dụng nhân tài của Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu. Hiện nay, đất nước ta đang thực hiện đẩy mạnh đồng bộ và toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu thì Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta phải xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, sao cho mỗi người Việt Nam phát huy được tối đa tài năng và nhiệt huyết, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là hành động thiết thực để thực hiện tốt tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc vì một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 167.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 36.