Góc nhìn văn hóa
Văn hóa công dân và bầu cử
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử. Ảnh TL
Khi một người công dân cầm một phiếu bầu cử lựa chọn cho mình những người đại diện tin cậy để thể hiện quyền dân chủ, thì có nghĩa là họ đang thực hành văn hóa công dân. Văn hóa công dân gắn với con người trưởng thành cả về mặt sinh học lẫn chính trị. Trong bầu cử, văn hóa công dân được thể hiện qua mục tiêu cụ thể, lựa chọn đại diện, niềm tin chính trị và trách nhiệm công dân.
Ngày 06/01/1946 là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của cả nước. Từ đó đến nay, cả đất nước xem ngày toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp như một ngày hội lớn của dân tộc. Đó là một nét văn hóa, nó thể hiện cho trình độ nền dân chủ cũng như quyền lực của những người công dân. Trong cả ngàn năm lịch sử, không phải nào con người cũng có được quyền tham gia vào việc quyết định vận mệnh, tương lai của đất nước một cách rộng rãi như thế. Tuy nhiên, xét về quyền công dân thì sự thay đổi thể chế chính trị có thể đảm bảo về mặt quyền phổ thông đầu phiếu cho một con người trưởng thành. Nhưng xét về mặt văn hóa, thì sự hình thành một nền văn hóa công dân cần có thời gian và trải qua nhiều hoạt động chính trị để kiến tạo được một nền văn hóa công dân đúng nghĩa. Một người công dân trưởng thành, là một cá nhân về mặt chính trị, là người biết đặt mục tiêu của mình, lựa chọn người đại diện cho mình ở cơ quan công quyền, đặt niềm tin của mình vào người đại diện và cũng chịu trách nhiệm về những quyết định bầu cử của mình.
Một con người trưởng thành luôn có những mục tiêu chính trị riêng của mình. Bởi họ có quan điểm, có cách nhìn nhận về xã hội và có cả những lợi ích riêng. Nhưng lợi ích cá nhân đó, một mặt thể hiện quyền của người dân, thể hiện động lực của con người cũng như trình độ phát triển của nền dân chủ; mặt khác, lợi ích cá nhân đó cũng không được đặt trên lợi ích của dân tộc, của đất nước. Vậy nên, khi một công dân trưởng thành thì họ biết hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể khi đặt ra mục tiêu chính trị của mình. Cầm lá phiếu bầu cử là thể hiện của việc thực hiện mục tiêu chính trị. Vậy nên, một công dân tích cực luôn biết phân tích các mục tiêu quan trọng để điền vào lá phiếu sự lựa chọn hợp lý. Mục tiêu thường gắn với các lĩnh vực cụ thể nên nhiều khi người dân hay lựa chọn bỏ phiếu cho những người trong lĩnh vực của mình hơn là những người họ chưa biết rõ. Và cho đến hiện nay, phần lớn những người dân Việt Nam đi bỏ phiếu bầu cử chủ yếu vẫn theo cảm tính, bởi họ chưa có mục tiêu chính trị cụ thể hoặc chưa biết gắn mục tiêu chính trị của mình vào việc lựa chọn người đại diện. Mục tiêu chính trị cụ thể là những câu hỏi mà người dân có thể đặt ra cho bản thân khi đi bẩu cử cho một ứng viên: Liệu người đại diện có thể hiện được nguyện vọng của mình trước Quốc hội và HĐND không?; Liệu người đại diện có lên tiếng bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình khi có vấn đề hay không? Liệu người đại diện có thể hiện được quan điểm của mình với các vấn đề cộng đồng, đất nước hay không? Và liệu người đại diện của mình có thật sự đại diện cho mình trước quốc hội và HĐND hay không hay chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà thôi? Khi xác định được mục tiêu như vậy thì các công dân sẽ tự biết phải lựa chọn ứng viên nào.
Lựa chọn bỏ phiếu cho ứng viên nào cũng là một việc vô cùng quan trọng. Như đã nói, phần lớn người dân hiện nay vẫn lựa chọn theo cảm tính, chưa biết phân tích các mục tiêu của mình và cộng đồng mình. Một công dân tích cực thì họ biết bỏ phiếu cho người nào họ nhận thấy có thể đại diện cho mình và giúp mình đạt được mục tiêu. Muốn vậy thì cần phải xem xét đến chương trình hành động của ứng cử viên. Việc xây dựng chương trình hành động và vận động người dân bầu cử đã được đặt ra và thực hiện lâu nay nhưng về cơ bản thì ngoài những cán bộ công viên chức và trí thức quan tâm đến vấn đề này thì đa số người dân lại ít khi để ý. Người dân chưa thật sự quan tâm đến các chương trình hành động của các ứng viên một cách nghiêm túc như việc đọc kỹ, xem xét các vấn đề cụ thể, thậm chí phân tích các chương trình đó với các mục tiêu chính trị của mình để xem lựa chọn ai cho thích hợp. Nhiều người dân quan tâm theo cách khi các ứng viên trình bày chương trình hành động thì họ có nghe và sau đó lựa chọn. Nhưng trong một khoảng thời gian rất ngắn, ứng viên cũng không thể trình bày thật cụ thể về chương trình hành động của mình được, còn người dân cũng không nghe được hết chứ chưa nói đến chuyện phân tích, so sánh với mục tiêu của mình. Do vậy, đa số người dân đi bỏ phiếu, xét cho cùng vẫn là một hành động cảm tính, chưa phải là những lựa chọn lý tính gắn với các mục tiêu chính trị của cá nhân, cộng đồng.
Thứ ba là niềm tin, một vấn đề quan trọng trong văn hóa công dân. Niềm tin ở đây chính là niềm tin chính trị chứ không phải niềm tin tôn giáo hay niềm tin chung chung. Niềm tin chính trị là kết quả của sự tương tác giữa mục tiêu chính trị của người bầu cử và hiệu quả của các hoạt động của nghị viên. Niềm tin chính trị cũng có nhiều mức độ, khi bầu cử thì niềm tin chính trị là sự gặp gỡ, hài hòa, phù hợp giữa mục tiêu chính trị của người bỏ phiếu và chương trình hành động của ứng viên. Xét về mặt lý tính, người bỏ phiếu sẽ lựa chọn ứng viên có chương trình hành động phù hợp với mục tiêu chính trị của mình vì họ có niềm tin. Về lâu dài, niềm tin chính trị sẽ thay đổi tùy theo hiệu quả hoạt động của các nghị viên. Những nghị viên thực hiện đúng chương trình hành động và đạt được hiệu quả cao thì người dân càng tín nhiệm và những nhiệm kỳ sau sẽ còn tiếp tục được bầu. Và ngược lại, khi nghị viên hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu của người dân thì họ sẽ mất tín nhiệm. Nói như vậy để biết, một người muốn đứng vững trên nghị trường, đại diện cho người dân qua thời gian dài thì phải gây dựng được niềm tin chính trị xác đáng. Người dân, dù cảm tính hay lý tính thì cũng luôn bỏ phiếu với một niềm tin chính trị nhất định.
Và sau cùng là trách nhiệm. Nói là nhân tố sau cùng nhưng lại là biểu hiện cực kỳ quan trọng của văn hóa công dân. Công dân trưởng thành gắn với trách nhiệm, dù là người đi bỏ phiếu hay ứng viên cũng phải có trách nhiệm với các hành động của mình. Một ứng viên có trách nhiệm là đưa ra chương trình hành động cụ thể, nghiêm túc và không ngại giải thích với những người dân quan tâm. Thậm chí tiếp nhận các ý kiến phản biện để thay đổi, dù khi đó họ còn chưa phải là đại diện của những người dân đó. Còn một người đi bỏ phiếu có trách nhiệm cũng phải quan tâm đến sự lựa chọn của mình. Không ít người khi bỏ phiếu vẫn còn nặng tâm lý “nhắm mắt đưa tay” “ai trúng cũng được vì một lá phiếu của mình chẳng thay đổi được gì”. Đó là chưa thể hiện hết trách nhiệm của một công dân tích cực. Người bỏ phiếu có trách nhiệm giám sát, tương tác với các đại diện mà mình đã bầu cử. Còn các nghị viên cũng có trách nhiệm thực hiện hiệu quả các chương trình mà mình đã cam kết với những người dân mà mình đại diện. Trách nhiệm trong văn hóa công dân còn được thể hiện rộng rãi hơn thông qua việc minh bạch các thông tin liên tục qua các nhiệm kỳ cũng như không ngừng tăng cường sự tương tác giữa các nghị viên và những người dân mà họ đại diện.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền văn hóa công dân và nó cũng cần thời gian để phát triển. Nền văn hóa công dân là nền văn hóa gắn với nhận thức về chính trị của công dân mà không phân biệt các tầng lớp, nghề nghiệp hay trình độ. Tức là nó không mang tính giai cấp, nhưng lại là sự thể hiện của nền dân chủ và sự tiến bộ. Mỗi một cuộc bầu cử không chỉ là ngày hội thể hiện quyền công dân, mà còn là một bước tiến của nền văn hóa công dân. Và để văn hóa công dân ngày càng phát triển thì cần có sự giáo dục chính trị, giáo dục tinh thần công dân một cách phù hợp và hiệu quả./.
tin tức liên quan
Videos
Tắc đường vì không nhường nhịn
Món ăn của người Thái và người Thổ ở huyện Quỳ Hợp
Khảo sát xây dựng mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù tại huyện Quế Phong
Di tích Lăng mộ và Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí
Thế Vận hội Tokyo 2020: Liều thuốc khuây khỏa giữa đại dịch
Thống kê truy cập
114496460
2242
2310
21241
213853
120308
114496460